Sở Y tế TP.HCM vừa thông báo kết quả khảo sát trải nghiệm của người bệnh trong thời gian điều trị nội trú tại 79 bệnh viện trên địa bàn thành phố năm 2020.
Người bệnh ung thư được truyền thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Liên Anh
Theo đó, thời gian chờ bác sĩ khám bệnh khi vào khoa nội trú và thời gian thực hiện các thủ tục nhập viện, xuất viện là các vấn đề có tỷ lệ trải nghiệm tích cực thấp nhất. Vì vậy, TP.HCM cam kết, trong năm 2021 sẽ ưu tiên các hoạt động:
- Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục nhập viện (hiện chỉ có 59,2% người bệnh có trải nghiệm tốt)
- Rút ngắn thời gian chờ bác sĩ khám bệnh khi mới vào khoa nội trú (hiện chỉ có 78,9% người bệnh có trải nghiệm tốt)
- Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục xuất viện (hiện chỉ có 79,8% người bệnh có trải nghiệm tốt)
- Tăng cường các hoạt động hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian điều trị nội trú (hiện chỉ có 76,7% người bệnh có trải nghiệm tốt)
Đến ngày 31/12 có tổng cộng 79 bệnh viện của thành phố thực hiện khảo sát trải nghiệm người bệnh nội trú. Trong đó có 29/32 bệnh viện tuyến thành phố, 19/23 bệnh viện quận huyện và 31/63 bệnh viện tư nhân.
Qua kết quả khảo sát, trên 95% người bệnh không phải nằm ghép khi nhập viện. Các đơn vị có nhiều nỗ lực cải tạo cơ sở vật chất phục vụ người bệnh. Trải nghiệm tích cực của người bệnh về nhà vệ sinh bệnh viện, an ninh trật tự và dịch vụ tiện ích có cải thiện rõ rệt ở 6 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, mặc dù hoạt động hỗ trợ người bệnh đã được các bệnh viện quan tâm nhưng vẫn là nhóm có trải nghiệm tích cực trung bình thấp nhất 76,7%.
Về hoạt động chuyên môn của bác sĩ và điều dưỡng, tỷ lệ người bệnh có trải nghiệm tích cực đều khá cao (hầu hết trên 97%).
Đảm bảo riêng tư cho người bệnh ở khối bệnh viện tư luôn đạt 100% người bệnh có trải nghiệm tích cực.
Vấn đề công khai các khoản chi trong thanh toán viện phí được người bệnh đánh giá cao. Ngoài viện phí, người bệnh hầu như không phải chi trả thêm bất kỳ khoản nào khác cho nhân viên y tế. Mặc dù vẫn còn một tỷ lệ nhỏ người bệnh tự nguyện bồi dưỡng thêm cho nhân viên y tế (1,3% ở bệnh viện thành phố, 0,9% ở bệnh viện quận huyện, 0,7% ở bệnh viện tư nhân).
Về việc xuất viện, trung bình người bệnh mất 450 phút để hoàn tất thủ tục xuất viện. Thời gian hoàn tất các thủ tục xuất viện trong 6 tháng cuối năm 2020 tăng so với 6 tháng cuối năm 2019 và nhóm bệnh viện tư nhân có thời gian cao hơn 2 khối còn lại. Đây cũng là vấn đề người bệnh có trải nghiệm tích cực thấp nhất khi xuất viện.
Nhìn chung đa số người bệnh có mức độ đánh giá khá tích cực về trải nghiệm tại các bệnh viện. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa các bệnh viện tư nhân so với bệnh viện công lập.
Cụ thể, điểm đánh giá tổng thể trung bình các bệnh viện tuyến thành phố là 8,65, bệnh viện quận huyện là 8,33 trong khi điểm đánh giá tổng thể các bệnh viện ngoài công lập cao hơn 8,91.
Khi so sánh tiêu chí người bệnh cam kết sẽ quay trở lại bệnh viện để tiếp tục điều trị thì bệnh viện tuyến tư nhân có tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là khối khối quận huyện và sau đó là khối bệnh viện thành phố.
Từ cuộc khảo sát này, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các bệnh viện chưa triển khai khảo sát trải nghiệm người bệnh nội trú lần 2 nghiêm túc thực hiện. Đồng thời, các đơn vị phải xem đây là hoạt động thiết thực để không ngừng cải tiến chất lượng phục vụ, thực sự xem người bệnh là trung tâm của mọi hoạt động của bệnh viện.
Liên Anh
Xây dựng Bệnh viện Quân y 175 thành công viên bệnh viện
"Đổi mới toàn diện dịch vụ, cung cách phục vụ người bệnh. Xây dựng bệnh viện trở thành công viên bệnh viện, bệnh viện khách sạn", lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ.