UBND TP.HCM cho biết, sau 20 ngày triển khai thí điểm các hoạt động chuyển đổi số trong việc quản lý F0 cách ly tại nhà, đã có 87.010 lượt F0 khai báo tại địa chỉ khaibaof0.tphcm.gov.vn. Qua đó, các trạm y tế đã tiếp nhận thông tin khai báo, đánh giá, sàng lọc và xác nhận 63.695 trường hợp là F0 do có đầy đủ thông tin được khai báo theo yêu cầu, chiếm tỷ lệ 73%.
Thống kê cũng cho thấy, có 1.301 người thuộc nhóm nguy cơ cao - người trên 65 tuổi và có bệnh nền và 12.753 người khai báo có triệu chứng nghi nặng như cảm giác mệt/khó thở/ đau tức ngực, đã được trạm y tế chủ động tiếp cận, chăm sóc và điều trị kịp thời.
Khi bắt đầu triển khai thử nghiệm khai báo trực tuyến, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ nhưng chưa có thói quen khai báo F0 trực tuyến, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế của TP.HCM cho phép các F0 có thể khai báo trong vòng 5 ngày, kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính. Qua phân tích, thời gian khai báo của F0 cho thấy 75% F0 đã khai báo trong 48 giờ đầu.
Việc rút ngắn thời gian chấp nhận kết quả khai báo F0 xuống 48 giờ nhằm tạo thói quen khai báo sớm cho người dân, đồng thời tạo thuận lợi cho các trạm ý tế trong giải quyết hồ sơ trực tuyến (Ảnh minh họa: moh.gov.vn) |
Với mục đích tạo thói quen khai báo ngay trong vòng 48 giờ và tạo điều kiện thuận lợi cho các trạm y tế trong giải quyết hồ sơ trực tuyến, theo đề nghị của Sở Y tế, UBND TP.HCM vừa đồng ý rút ngắn thời gian F0 hoặc người chăm sóc khai báo kết quả xét nghiệm dương tính khi cách ly tại nhà xuống còn trong vòng 48 giờ đầu, tính từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính.
UBND thành phố đề nghị UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường truyền thông rộng rãi đến từng hộ dân để người dân hiểu và thực hiện.
Sở Y tế được UBND TP.HCM giao phối hợp với Sở TT&TT đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, tăng cường giám sát thực tế tại các phường, xã, thị trấn để rút kinh nghiệm và kịp thời bổ sung, điều chỉnh ứng dụng, giảm thấp nhất những rủi ro về kỹ thuật và tạo sự tiện lợi nhất cho người sử dụng.
Trước đó, như ICTnews đã đưa tin, vào ngày 18/3, UBND TP.HCM đã có công văn khẩn gửi các sở: Y tế, TT&TT; UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và UBND các phường, xã, thị trấn về việc thực hiện chuyển đổi số công tác quản lý F0 cách ly tại nhà. Việc này được kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng quá tải đối với nhân viên tại các trạm y tế, gây phiền hà cho người dân trong việc chờ đợi thực hiện thủ tục hành chính về khai báo F0, áp dụng biện pháp cách ly y tế, cấp giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly y tế tại nhà.
Bên cạnh TP.HCM, hiện nay đã có một số địa phương như Đà Nẵng, Phú Thọ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để quản lý, hỗ trợ F0 cách ly, điều trị tại nhà.
Hồi đầu tháng 3, Bộ TT&TT đã đề nghị Bộ Y tế sớm nghiên cứu và đề xuất phương án thực hiện hiệu quả quy trình thủ tục chứng nhận F0 cho người dân, hướng dẫn địa phương triển khai áp dụng công nghệ để quản lý và tạo thuận tiện cho người nhiễm và khỏi bệnh Covid-19. Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đề nghị Bộ Y tế cân nhắc việc coi chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh như là 1 dịch vụ công trực tuyến và thực hiện như cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Vân Anh
TP.HCM cho khai báo F0, xác nhận hoàn thành cách ly theo hướng dịch vụ công mức 4
UBND TP.HCM yêu cầu Sở TT&TT tăng cường truyền thông cho người dân hiểu lợi ích và sử dụng hiệu quả công cụ chuyển đổi số khai báo F0, nhận giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà theo hướng cung ứng dịch vụ công mức 4.