Tại các quận, huyện ở TP.HCM và TP Thủ Đức chưa được nới lỏng quy định giãn cách, nhiều người dân buộc phải tự xoay xở cứu bình ắc-quy tại nhà khi mang xe ra sử dụng sau thời gian dài “trùm mền”.
Xe “chết bình” sau nhiều tháng không hoạt động
Anh Hoài Phương (Tân Phú) mất gần nửa giờ đồng hồ loay hoay, tắt mở chìa khóa rồi đề thử nhiều lần mới có thể khiến chiếc xe tay ga của mình nổ máy. Sang ngày hôm sau, khi thử khởi động xe lần nữa, tình trạng ắc-quy yếu tái diễn và anh chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Vài tháng nay chiếc xe của anh Phương nằm yên ở góc nhà và không được nổ máy định kỳ. Khi nghe thông tin cơ quan đang bố trí nhân sự chuẩn bị hoạt động trở lại vào đầu tháng 10, anh mới mang xe ra kiểm tra thì gặp tình cảnh tréo ngoe này. Chiếc Honda Air Blade đời 2018 của anh Phương không có cần đạp khởi động, vì vậy không thể nổ máy nếu cạn bình ắc-quy.
Quanh khu vực anh Phương sinh sống, các cửa hàng sửa chữa hay trung tâm dịch vụ vẫn đóng cửa im lìm. Anh dự định đưa chiếc xe của mình đi kiểm tra tình trạng khi đại lý Honda gần nhà hoạt động trở lại. Trước mắt, anh có thể phải mượn xe của vợ để đi tạm, chiếc xe này thường được người trong gia đình dùng đi nhận hàng ở đầu hẻm nên vẫn hoạt động bình thường.
Nhiều ô tô, xe máy ở TP.HCM cũng như TP Thủ Đức bị chết bình ắc-quy, không thể đề nổ sau nhiều tháng không hoạt động. Ảnh: Team Kỹ thuật của Cư dân Masteri Thảo Điền. |
Khác với anh Hoài Phương, anh Vĩnh Phúc (Tân Bình, TP.HCM) đã tính trước việc giãn cách kéo dài nên đặt mua bộ sạc bình ắc-quy từ cuối tháng 7. Tuy nhiên, đến cuối gần cuối tháng 9 anh mới nhận được hàng.
Loại thiết bị sạc anh Phúc mua có khả năng điều chỉnh cường độ dòng sạc phù hợp cho bình ắc-quy xe máy lẫn ôtô, giá bán gần 300.000 đồng. Anh Phúc cho biết ngoài việc phục hồi ắc-quy cho mình, có thể anh cũng sẵn sàng hỗ trợ cho người quen, bạn bè rơi vào tình cảnh xe cạn bình ắc-quy.
Trao đổi với Zing, anh Ngô Nguyễn Việt Tuấn (chủ cửa hàng sửa chữa và nâng cấp xe máy tại TP.HCM) cho biết đối với xe hết bình ắc-quy nhưng có cần đạp thì có thể đạp nổ, xe số cũng có thể đẩy sau đó vào số nếu không có cần đạp.
"Ngoài ra có thể dùng bình ắc-quy khác để kích bình. Nối cọc âm với cọc âm và cọc dương với cọc dương. Sau khi có thể nổ máy thì bình trên xe sẽ tự động được sạc, tầm 20 phút sẽ đủ điện để đề máy. Nếu vẫn không đề được thì bình đã hỏng", anh Tuấn nói thêm.
Nhu cầu mua bộ sạc, kích ắc-quy tăng mạnh
Chia sẻ với Zing, anh Nguyễn Đăng Hoàn, chủ cửa hàng chuyên chăm sóc môtô xe máy Home Motorcycle (Tân Bình, TP.HCM) cho biết nhu cầu mua dụng cụ kích bình ắc-quy tăng mạnh từ giữa tháng 9, khi bắt đầu có thông tin thành phố chuẩn bị nới lỏng giãn cách và cho phép nhiều dịch vụ hoạt động trở lại.
“Thời gian trước dụng kích bình cửa hàng của tôi bán rất chậm, có khi cả tháng mới bán được một bộ, tôi chỉ nhập sẵn vài bộ và cũng không đăng thông tin giới thiệu vì nhu cầu cầu ít. Tuy nhiên, hiện giờ mỗi ngày tôi bán được 4-5 bộ là bình thường”, anh Hoàn nói.
So với nhiều loại kích bình và sạc bình di động hiện có trên thị trường có giá vài trăm nghìn đồng, sản phẩm của anh Hoàn bán đắt hơn đáng kể, gần 2,4 triệu đồng. Anh giải thích rằng bộ kích bình của anh có chức năng tự động ngắt mạch nếu người dùng cắm sai cực, ngoài ra có thể kích bình cho cả ôtô lẫn xe máy, có bảo hành chính hãng nên giá cao hơn những loại hàng trôi nổi.
Anh Hoàn cho biết cửa hàng của mình vốn có dịch vụ cứu hộ 24/7, bao gồm việc kích nổ hoặc sạc bình ắc-quy, chi phí dao động 150.000-500.000 đồng tùy theo khoảng cách. Còn nay do toàn bộ nhân viên của cửa hàng đã nghỉ dịch nên tạm thời ngưng nhận đi cứu hộ cho xe bị hỏng ắc-quy, đổi lại là lượng đặt mua bộ kích bình tăng mạnh.
Không chỉ môtô, xe máy mà nhiều chủ ôtô cũng tìm mua dụng cụ cứu hộ bình ắc-quy. Ảnh: Quang Võ. |
Chia sẻ thêm, anh Hoàn cho biết cách cửa hàng vài chục mét có một khu chung cư, rất nhiều xe máy và ôtô tại đây bị chết bình. Do không có người hỗ trợ nên anh phải trực tiếp đến thực hiện kích bình khi được yêu cầu trợ giúp.
Xe máy thì được đẩy lên khỏi hầm rồi đưa sang cửa hàng để xử lý, còn với ôtô thì anh Hoàn đưa cho bảo vệ mượn bộ kích bình để cứu hộ. “Bữa giờ cứu mấy chục chiếc rồi, có gần chục xe phải thay bình vì sạc hết được và chết luôn bình”, anh Hoàn kể.
Hầu hết người liên hệ giúp đỡ từng sử dụng dịch vụ tại cửa hàng thường xuyên nên anh Hoàn không nhận tiền công những lần cứu hộ cho cư dân chung cư, xem như hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn.
Anh Quang Võ, chủ cửa hàng phụ kiện môtô Anemoi (Bình Thạnh, TP.HCM), xác nhận rằng đang có nhiều người tìm mua bộ sạc bình hơn trong khoảng một tháng qua, bao gồm cả người mua về sử dụng cho môtô và ôtô.
“Trước đây tôi có bán thăm dò bộ sạc bình nhưng nhu cầu thấp nên đã ngưng từ trước khi dịch bệnh bùng phát. Còn khi mở đặt hàng trở lại 3 tuần gần đây thì đã bán liên tục được 5 bộ”, anh Quang nói.
Bộ dụng cụ cứu hộ ắc-quy mà anh Quang kinh doanh tập trung vào việc sạc lại điện cho bình sau thời gian dài không sử dụng. Thiết bị có giá gần 1,4 triệu đồng, đi cùng chức năng tự ngắt khi sạc đầy cũng như chẩn đoán tình trạng ắc-quy, giúp cảnh báo thay bình kịp thời.
Cần cân nhắc nhu cầu sử dụng
Theo anh Quang Võ, loại dụng cụ chuyên dành để sạc bình ắc-quy phù hợp nhất cho môtô, vì tại Việt Nam hầu hết môtô ít được sử dụng thường xuyên. Trong thời gian không vận hành kéo dài, người dùng có thể sử dụng bộ sạc để nạp lại bình, tránh ắc-quy bị yếu và sẵn sàng đưa xe vận hành trở lại khi cần thiết.
Trong khi đó, các thiết bị kích bình ắc-quy tần suất sử dụng ít nên anh Quang không khuyến khích người dùng mua loại thiết bị này. Theo anh, bộ kích bình nên trang bị mang theo trong các chuyến đi xa, nhất là với các mẫu xe dùng bình ắc-quy đã cũ để phòng hờ trục trặc.
Tùy theo nhu cầu và mục đích sử dụng mà người dùng có thể mua dụng cụ sạc hoặc kích bình ắc-quy. Ảnh: Long Thành Lê. |
Ngoài việc tìm hướng xử lý ắc quy cạn bình, người dùng cũng nên quan tâm đến việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ xe máy và ôtô trong thời gian ít hoạt động. Chẳng hạn đề nổ máy xe 1-2 lần mỗi tuần, xem xét tình trạng hoạt động của các chức năng cơ bản như đèn, xi-nhan, còi, lốp xe…
Khi điều kiện cho phép, nên đưa xe đến garage, cửa hàng dịch vụ để kiểm tra tổng quan và thực hiện các hạng mục bảo dưỡng quan trọng như thay dầu động cơ, dầu hộp số (dầu láp), châm nước làm mát...
Theo ZingNews
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Những cảnh khó đỡ khi 'xế yêu' cả tháng không được dùng tới
Nội thất mốc meo, lốp xe bẹp dí, ắc-quy hết sạch điện hay thậm chí là thấy cả một đàn chuột trong khoang máy là những cảnh tượng "khóc dở mếu dở" nhưng cũng có thể xảy ra với bất chiếc xe nào trong thời gian này.