Các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam vừa kết thúc lễ hội mua sắm 9/9, sự kiện lớn đầu tiên khởi đầu cho loạt chương trình mua sắm từ nay đến cuối năm. Số liệu thống kê cho thấy tăng trưởng doanh thu vẫn ổn định, người dân tiếp tục tận dụng ưu đãi để mua hàng, và những ngành hàng vốn có thế mạnh trên kênh mua sắm trực tuyến được mua nhiều như mọi khi.

Các thành phố lớn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong phát triển thương mại điện tử. Công bố của Shopee cho thấy trong dịp mua sắm 9/9, Hà Nội là khu vực có hoạt động mua sắm trực tuyến sôi động nhất, tiếp theo là TP.HCM và Đà Nẵng. Riêng ở mảng đặt đồ ăn trực tuyến trên ShopeeFood, TP.HCM là khu vực có lượng đơn đặt món cao nhất trên toàn Việt Nam và người dùng có xu hướng đặt món nhiều nhất vào khung giờ trưa. Đặc biệt, trà sữa, sữa tươi trân châu đường đen, phin sữa đá là ba món người dùng đặt giao nhiều nhất vào ngày 9.9.

{keywords}
Người dân ở 3 thành phố lớn tại Việt Nam đóng góp doanh thu cao cho mua sắm trực tuyến. (Ảnh: Hải Đăng)

Một số ngành hàng tiếp tục dẫn dắt xu hướng mua sắm trực tuyến. Theo Lazada, ngành hàng làm đẹp ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu gấp 6 lần so với ngày thường. Các sản phẩm được mua nhiều nhất là kem chống nắng, dưỡng da và dầu gội – sữa tắm.

Trên Shopee, sữa rửa mặt là sản phẩm được yêu thích nhất ngành hàng sắc đẹp. Người dùng Việt Nam cũng tìm kiếm sản phẩm nước tẩy quần áo thuộc ngành hàng chăm sóc nhà cửa.

Người dùng cũng tận dụng dịp lễ hội mua sắm lớn với nhiều ưu đãi để mua sắm các sản phẩm dùng trong đời sống hàng ngày. Ngành hàng bách hóa ghi nhận mức tăng trưởng gần gấp 6 lần so với ngày thường. Trong đó, sữa bột, thực phẩm tươi sống và nước giặt – xả được bán ra nhiều nhất – theo Lazada.

Đây cũng là dịp người dùng nâng cấp các sản phẩm công nghệ khi ngành hàng điện tử trên Lazada ghi nhận doanh thu tăng gần gấp 5 lần so với ngày thường. Điện thoại thông minh, tai nghe Bluetooth và phụ kiện ốp điện thoại là các sản phẩm được mua nhiều nhất.

Thống kê vui của sàn thương mại điện tử này cho hay, số lượng ốp điện thoại bán ra đủ để 1 người có thể thay ốp điện thoại mới mỗi ngày trong suốt 99 năm; đã có gần 10.000 khách hàng thay thế bàn chải thường thành bàn chải điện trong lễ hội mua sắm 9/9; số lượng chăn (mền) bán ra đủ để phủ kín chiếc cầu dài nhất Việt Nam – cầu Đình Vũ.

Để có mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong dịp này, các nhà bán hàng liên tục tung ra những chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng. Số liệu cho thấy, người dùng hầu hết đều tận dụng các khuyến mại khi mua hàng trong ngày 9/9.

Lazada cho hay, flashsale (chương trình giảm giá chớp nhoáng) trong các khung giờ vàng tiếp tục thu hút khách hàng tham gia, ghi nhận lượt chuyển đổi mua hàng tăng gấp 15 lần so với cùng kì năm ngoái. Đặc biệt, cứ mỗi 4 khách hàng của lễ hội mua sắm 9/9 thì có đến 3 khách hàng thu thập voucher tích lũy để nhận tối đa ưu đãi.

Theo Shopee, nhờ việc thu thập các voucher giảm giá, người dùng đã tiết kiệm hơn 103 tỷ đồng khi mua sắm trong ngày 9/9.

Mua bán trên thương mại điện tử tại Việt Nam sôi động nhờ dân số trẻ và mức tiếp cận Internet ngày càng cao. Theo số liệu từ Bộ Công thương, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ (B2C) trong năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỷ USD, với mức tăng trưởng 20% so với năm trước.

Việt Nam đang trở thành thị trường lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á với dân số trẻ và lượng người dùng Internet đông đảo. Theo ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu, chiếm tới gần 74,8% số người sử dụng Internet. Với con số này, Việt Nam là thị trường có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực.

Hải Đăng

Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao về chuyển đổi số, thương mại điện tử

Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao về chuyển đổi số, thương mại điện tử

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, những năm gần đây, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao về chuyển đổi số và thương mại điện tử, được đánh giá cao về tiềm năng số hóa các dịch vụ, lĩnh vực, ngành nghề.