Ngày 22/3, Sở Công Thương Quảng Nam cho biết, đơn vị này vừa mới ban hành việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, nhằm góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời đẩy mạnh phương thức thanh toán bằng thẻ trong các hoạt động giao dịch, mua bán, Sở Công Thương liên kết với Viettel Quảng Nam triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trên địa bàn tỉnh, thông qua ứng dụng Viettel Money.
Người dân được hỗ trợ về việc thanh toán điện tử |
Qua ứng dụng trên, người mua hàng chỉ việc sử dụng mã quét QR hoặc số điện thoại, thanh toán trực tuyến, hoặc thông qua điện thoại di động của tiểu thương ở chợ mà không cần sử dụng tiền mặt.
Trong ngày 22/3, tỉnh Quảng Nam đã hướng dẫn cài đặt đến với các tiểu thương chợ Tam Kỳ làm thí điểm trong vòng 15 ngày đầu tiên, sau đó phát triển trên 18 huyện, thị, TP toàn tỉnh.
Cô Nguyễn Thị Liên (58 tuổi, tiểu thương của chợ) nhận xét, việc áp dụng thanh toán không sử dụng tiền mặt rất tiện lợi. “Tôi rất thích cách thanh toán này trong thời kỳ dịch bệnh. Càng ít tiếp xúc càng tốt. Hôm nay có người đến hướng dẫn làm, tôi sẽ áp dụng làm theo. Về việc có dễ và thuận tiện không thì phải cần thời gian mới kiểm chứng được”, cô Liên nói.
Với cô Nguyễn Thị Hiến (56 tuổi, tiểu thương chợ Tam Kỳ) cũng hồ hởi khi được hỗ trợ về việc thanh toán điện tử này.
Cô Hiến chia sẻ: “Trước đây, nhiều khách hàng hay hỏi số tài khoản để thanh toán. Tôi phải nhờ chuyển khoản qua tài khoản của tôi hoặc của con tôi. Bây giờ, nếu có thanh toán trực tuyến như này thì tiện quá, tôi đỡ phải mày mò khi người mua hàng không có tiền mặt nữa”.
Cô Nguyễn Thị Liên (58 tuổi, tiểu thương tại chợ) nhận xét việc áp dụng thanh toán điện tử rất tiện lợi |
Cô Nguyễn Thị Hiến (56 tuổi, tiểu thương chợ Tam Kỳ) được hướng dẫn việc thanh toán điện tử |
Trưởng Ban quản lý chợ Tam Kỳ (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) Vũ Thị Thanh Nga cho hay, việc thanh toán trực tuyến sẽ tạo sự thay đổi trong thời công nghệ số.
"Người dân sẽ tránh phải tiếp xúc gần lúc thanh toán. Qua đó, hướng mọi người dần thay đổi thói quen trả tiền mặt mà sử dụng điện thoại để thanh toán thông qua mã quét QR hoặc số điện thoại. Đây cũng là cách giúp các tiểu thương và khách hàng tiếp cận nhiều hơn về công nghệ số”, bà Nga thông tin.
Phó Giám đốc dịch vụ số Viettel Quảng Nam Nguyễn Hữu Thọ thông tin, trong khoảng 20 ngày, DN sẽ triển khai thanh toán trực tuyến tại chợ Tam Kỳ, với sự tham gia của 300 tiểu thương; sau đó đến các huyện, thị, TP khác trên địa bàn tỉnh.
Ông Thọ cũng đưa ra khó khăn khi áp dụng thanh toán điện tử khi đi chợ: “Việc thói quen của khách hàng và tiểu thương dùng tiền mặt, nên để chuyển đổi được cần có thời gian. Hơn nữa, những người lớn tuổi sẽ gặp khó khăn về thao tác khi chưa quen với công nghệ”.
Công Sáng
Khó nhất là lần đầu, quen rồi không bỏ được, không bao giờ 'quay xe'
Tiềm năng, lợi ích, giải pháp phát huy vai trò của thẻ tín dụng trong việc “thanh toán không dùng tiền được các lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam”, diễn ra sáng 11/3.