Theo các chuyên gia tài chính, hiện nay việc thanh toán phát hành thẻ ATM trong nước mới chỉ chủ yếu thiên về số lượng chứ chưa thiên về chất lượng. Bởi lẽ, lãi suất cho vay qua thẻ vẫn ở mức rất cao, các chủ thẻ phải "cõng" thêm nhiều khoản phí như: phí thường niên, phí in bản sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ…

99,5 triệu thẻ ATM được phát hành

Theo báo cáo tổng kết của Banking Việt Nam, tính đến cuối 2015, lượng thẻ phát hành trên toàn quốc là 99,5 triệu thẻ, tăng hơn 3 lần so với năm 2010. Tương ứng với số lượng thẻ trên, Việt Nam cũng có gần 17 nghìn máy ATM và 230 nghìn thiết bị chấp nhận thẻ… Trong đó, 67 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 34 tổ chức ứng dụng dịch vụ thanh toán qua Mobile. Năm 2015 số lượng thanh toán thẻ qua Internet đạt tới 2,2 triệu khách hàng.

{keywords}

Ảnh minh họa

Cùng với sự gia tăng sử dụng thẻ là sự gia tăng của doanh số sử dụng và doanh số thanh toán. Nếu năm 2011 doanh số sử dụng là hơn 724 nghìn tỉ đồng và doanh số thanh toán hơn 895 nghìn tỉ đồng, đến năm 2015, các con số này lần lượt là hơn 1.637.000 tỉ đồng, 1.685.000 tỉ đồng. Các sản phẩm thẻ tín dụng càng ngày càng được đa dạng hoá. Hầu hết các thương hiệu quốc tế như American Express, Visa, MasterCard, JCB, Diners, Club, Discover, UnionPay đều đã có mặt tại Việt Nam.

Tại Hội thảo “Tương lai thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22.11, TS Phạm Nguyên Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, thương mại điện tử đang trở thành trào lưu của thế giới và đi liền với đó thì thanh toán thẻ và tiền điện tử đã và đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, các chuyên gia tài chính có mặt tại hội thảo nhận định, để phát triển thanh toán thẻ và tiền điện tử tại Việt Nam, các nhà băng cần phải có quy định về các loại hình kinh doanh bắt buộc phải chấp nhận thanh toán qua ngân hàng ngay từ khi khởi sự kinh doanh nhằm minh bạch hoá nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và cũng là tạo cơ sở cho việc theo dõi và quản lý thuế sau này.

Chất lượng thẻ chưa được chú trọng

Theo TS Phạm Nguyên Minh, thị trường thanh toán thẻ và tiềm lực của Việt Nam đều có sự tăng trưởng mạnh, tuy nhiên ở đó vẫn còn những hạn chế mang tính bất cập. Cụ thể, việc thanh toán phát hành thẻ tín dụng mới chỉ chủ yếu thiên về số lượng chứ chưa thiên về chất lượng; tỷ lệ thẻ nội địa sụt giảm mặc dù vẫn cao (chiếm 91%) trong cơ cấu các loại thẻ; thanh toán thẻ vẫn qua rút tiền ATM (chiếm tới 85%), chỉ có 15% là phát sinh qua thanh toán; tỷ lệ thẻ hoạt động của các ngân hàng chỉ rơi vào 60-70%…

Lý giải về sự hạn chế này, Viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam vẫn còn nặng nề, đặc biệt là khu vực nông thôn. Hệ thống máy ATM tuy phát triển nhanh, nhưng phân bố lại chưa đều. Số lượng máy tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, trong khi nông thôn miền núi còn hạn chế.

Bên cạnh đó, trong khi mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm dần thì lãi suất cho vay qua thẻ vẫn được áp dụng ở mức rất cao, cộng thêm các khoản phí phải trả như phí thường niên, phí in bản sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ… có thể dễ thấy được chi phí sử dụng thẻ tín dụng của chủ thể là rất lớn…

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt dù đã có khá nhiều nhưng còn thiếu các chính sách mang tính đột phá để tạo một lực bẩy cho công cụ thanh toán thẻ và thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ hơn.

Mặc dù thanh toán điện tử bằng thẻ và ví điện tử ở Việt Nam được dự báo là có tiềm năng rất lớn và sẽ phát triển thời gian tới vì Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ cao, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và truy cập Internet tăng nhanh cùng với hạ tầng công nghệ khá tốt và không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng do thói quen tiêu dùng tiền mặt của người Việt Nam vẫn còn quá lớn, chiếm tới 65% tổng phương tiện thanh toán.

Do đó, các chuyên gia đề xuất Chính phủ cần rà soát các văn bản quy định pháp luật trên cơ sở đánh giá hiệu quả các văn bản pháp luật đã ban hành đối với lĩnh vực này. Các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần cung cấp nhiều dịch vụ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để khuyến khích người dân tiêu dùng bằng thẻ. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật hệ thống thanh toán, nghiêm túc tuân thủ các quy định của ngân hàng Nhà nước để hạn chế tối đa các rủi ro sự cố có thể xảy ra.

(Theo Một thế giới)