Ngày 24/1, Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết cận Tết Ất Tỵ 2025, cơ sở y tế này tiếp nhận rất nhiều trường hợp vào viện vì sử dụng pháo, mìn tự chế.
Mới nhất, ngày 13/1, bệnh viện tiếp nhận người đàn ông 28 tuổi, ở Thái Nguyên, vào viện với đa chấn thương phức tạp trên cơ thể: vùng hàm mặt, tứ chi, đặc biệt là vùng kín có nhiều vết thương. Bệnh nhân được đưa ngay vào phẫu thuật cấp cứu, đang điều trị tại bệnh viện.
Cũng liên quan tai nạn chất nổ, trước đó, nam thanh niên 27 tuổi, quê Lạng Sơn được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng rất nguy kịch, chấn thương sọ não, mắt, hàm mặt, một tay bị cụt và dập nát, mất thị lực một bên. Toàn thân bệnh nhân đầy vỏ mìn găm vào mắt, hàm mặt, ngực, bụng, tay, chân; ngực, bụng nhiều lỗ thủng. Người nhà cho biết anh này mua vật liệu nổ về tự chế mìn theo hướng dẫn trên mạng để đánh cá.
Trong 3 tháng cuối năm 2024, bệnh viện tiếp nhận 21 ca tai nạn do pháo nổ, hơn 50% số nạn nhân là trẻ em. Điển hình là nam sinh 16 tuổi ở Hà Nam sử dụng pháo tự chế, bị chấn thương nặng, mất các ngón tay và nhiều vết thương khác.
Theo Tiến sĩ Hùng, tỷ lệ thương tích do pháo ngày càng nhiều, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi rất trẻ từ 13-16 tuổi. Tổn thương do pháo nặng nề, thông thường là dập nát hai tay, mặt, mù mắt.
"Chúng tôi phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương, trong trường hợp có tai nạn pháo xảy ra, sẽ có các ê-kíp phối hợp mổ chấn thương của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cùng với các chuyên gia về mắt để xử lý cho bệnh nhân", ông Hùng cho biết.
Theo quy định, việc sử dụng vật liệu nổ tự chế trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Các bác sĩ cho biết tai nạn hỏa khí thường để lại di chứng nghiêm trọng, gây tổn thương nhiều cơ quan. Trường hợp may mắn được cứu sống có thể phải chịu đựng tình trạng tàn phế suốt đời.
Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), từ ngày 20-24/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận 245 ca cấp cứu do tai nạn giao thông, 169 trường hợp cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, xảy ra khi dọn dẹp, chuẩn bị đón Tết.
Số liệu thống kê trong 3 năm gần đây cho thấy dịp Tết Nguyên đán, trung bình có khoảng 900 bệnh nhân nặng phải ở lại bệnh viện ngoại khoa lớn nhất miền Bắc này điều trị nội trú.
Trong thời gian nghỉ Tết, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 30 ca cấp cứu, thường gia tăng vào ngày mùng 3, cao hơn hẳn so với hai ngày trước đó. Nguyên nhân là do người dân di chuyển nhiều hơn, tai nạn giao thông theo đó cũng tăng lên, cùng với ngộ độc thực phẩm và ngộ độc rượu.
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ vật tư y tế cho các hoạt động khám chữa bệnh, cơ số đủ dùng trong 3 tháng. "Chắc chắn với 9 ngày Tết Ất Tỵ, vấn đề vật tư, thuốc men, dịch máu tạm yên tâm", ông nhấn mạnh.