- Thấy ông Sinh bị đột quỵ, nửa người bên trái không cử động được, gia đình vội đưa tới bệnh viện.
Bác sĩ Hồ Hữu Thật - Ban chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh đột quỵ bệnh viện An Bình (TP.HCM) cho biết, trước khi được đưa tới cấp cứu chừng 3 giờ, ông Trần Sinh (68 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) bị đột quỵ do tai biến mạch máu não, nửa người bên trái không cử động được.
Ông Sinh may mắn không bị liệt do đột quỵ |
Qua làm các xét nghiệm, bác sĩ xác định ông Sinh bị đột quỵ do nhồi máu não cấp trên nền tiền sử huyết áp cao.
Từ đó, bệnh nhân được áp dụng điều trị bằng phương pháp tiêu sợi huyết tĩnh mạch. Chừng 1 ngày sau, ông Sinh đã có thể đi lại bình thường.
Theo bác sĩ Thật, phương pháp tiêu sợi huyết là kỹ thuật điều trị triệt để đối với bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp.
Khi bệnh nhân có biểu hiện đột quỵ như đột ngột liệt nửa người, méo miệng, không nói được, nhìn mờ thì cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện có đơn vị điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt - bác sĩ Thật nói và cho biết, tốt nhất là trong khoảng 4 giờ từ khi khởi phát bệnh.
Bác sĩ Thật cho biết, không nên áp dụng các biện pháp truyền miệng chưa được khoa học chứng minh như chích máu đầu ngón tay… để chữa đột quỵ.
Người bị đột quỵ cần tuân thủ thăm khám thường xuyên theo lời dặn của bác sĩ. Với người phục hồi sức cơ tốt nên vận động nhẹ nhàng mỗi ngày.
Trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ có bệnh lý tăng huyết áp đi kèm thì cần ăn chế độ giảm muối, ăn nhạt.
Còn bệnh nhân đột quỵ kèm bệnh đái tháo đường cần giảm lượng đường, tinh bột trong khẩu phần
Nếu để lại di chứng liệt nửa người thì cần tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng ở những nơi có cơ sở y tế đảm bảo - bác sĩ Thật chia sẻ.
Văn Đức