Quyết định lịch sử

Kết thúc phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định sẽ giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp lịch sử gần 0% cho tới năm 2022. Đây là động thái cụ thể để thực hiện cam kết đảm bảo cho nền kinh tế thực sự phục hồi từ đại dịch Covid-19.

Fed cũng sẽ tiếp tục mua trái phiếu, mục tiêu mỗi tháng 80 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 40 tỷ USD chứng khoán thế chấp nhằm bơm tiền ra thúc đẩy một nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng âm 6,5% trong năm 2020.

Các diễn biến trên cùng với sự mở cửa trở lại của các bang, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2021 và 3,5% vào năm 2022.

Trái với lo ngại Fed sẽ nhanh chóng đảo chiều chính sách, ngân hàng trung ương Mỹ đã có những quyết định nới lỏng chính sách tiền tiền tệ kéo dài chưa từng có trong lịch sử. Quyết định này hợp với mong muốn của tổng thống Mỹ Donald Trump cho dù nền kinh tế Mỹ đã có những tín hiệu hồi phục gần đây, với tín hiệu tích cực bất ngờ đến từ thị trường việc làm.

{keywords}
Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Tuy nhiên, Fed cũng khẳng định rõ ràng không tính tới khả năng áp dụng lãi suất âm. Trong cuộc họp báo sau phiên họp, chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, Fed không nghĩ đến việc tăng lãi suất. Điều mà Fed đang nghĩ đến là cung cấp hỗ trợ cho nền kinh tế và việc này sẽ “cần có thời gian”.

Quyết định của Fed trùng khớp với những tuyên bố trước đó và nó cho thấy nỗ lực của cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Mỹ trong việc vực dậy nền kinh tế số 1 thế giới, vốn đang bị tổn thương ở nhiều lĩnh vực. Bước đi này tiếp nối những động thái nới lỏng chính sách mạnh và nhanh với 2 lần cắt giảm lãi suất trong tháng 3, đưa lãi suất cơ bản về mức 0-0,25% như đã từng làm trong cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu năm 2008.

Fed cùng Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa ra hàng loạt các biện pháp hỗ trợ khi mà nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp tụt giảm, có lúc xuống tới 20%. Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), nền kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái trong tháng 2, chấm dứt đà tăng trưởng dài nhất trong lịch sử Mỹ.

{keywords}
Chỉ số Nasdaq lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 điểm.

Cần thiết trong ngắn hạn, nguy cơ dài hạn

Các quyết định của Fed được đánh giá là hợp lý và khó có thể làm khác trong bối cảnh nước Mỹ rơi vào tình trạng khó khăn lịch sử vì đại dịch Covid-19 và cả cuộc chiến để chống lại sự nổi lên của Trung Quốc.

Các quyết định này được dự báo sẽ giúp thị trường chứng khoán Mỹ đứng vững, thậm chí tăng tiếp trong năm 2020 - một năm quan trọng đối với người dân Mỹ: quyết định chọn người đứng đầu Nhà Trắng cho 4 năm tiếp theo.

Một thị trường chứng khoán vững chắc, một nền kinh tế hồi phục có thể giúp ông Donald Trump thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới giữa lúc áp lực đối với vị tổng thống thứ 45 của Mỹ lên cao hiếm có trong lịch sử quốc gia này.

Nếu như trước đó, chủ tịch Fed Jerome Powell được xem là cái gai trong mắt của tổng thống Trump, liên tục có những chính sách đi ngược lại với mong muốn của ông chủ Nhà Trắng, thì từ đầu 2020 tới nay, các chính sách của Fed có thể nói là cứu cánh cho thị trường tài chính cũng như kinh tế Mỹ.

Cùng với ban cố vấn, ông Jerome Powell được xem là những đồng minh hiếm hoi của ông Donald Trump, giữa muôn trùng áp lực, từ trong nước như Đảng Dân chủ, Hạ viện, báo chí truyền thông… cho đến nước ngoài như Trung Quốc, châu Âu…

{keywords}
Cuộc chiến Mỹ-Trung căng thẳng.

Tuy nhiên, về dài hạn, những chính sách của Fed được cho là sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực, có thể làm nhiều loại tài sản, trong đó có thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng bong bóng và có thể khả năng sụp đổ về dài hạn.

Chương trình mua lại tài sản với quy mô lớn chưa từng có khiến thanh khoản dư thừa và cuối cùng có thể thổi phồng "bong bóng". Và một khi bong bóng vỡ, tất cả các thị trường, bao gồm chứng khoán sẽ sụp đổ.

Các biện pháp bơm tiền của Fed và Bộ Tài chính Mỹ gần đây đã giúp thanh khoản trên thị trường tài  chính Mỹ dồi dào. Thị trường chứng khoán tăng vọt trở lại và so với đáy thiết lập hôm 23/3 thì chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 đã tăng khoảng 42%, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 43%. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite thậm chí tăng 47% và lên đỉnh cao lịch sử mới: lần đầu tiên trên ngưỡng 10.000 điểm.

Sở dĩ chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh còn do nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump đã có những đòn trừng phạt các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, qua đó cho thấy sức mạnh thực sự của công nghệ Mỹ và trình độ chưa thực sự cao của các ông lớn công nghệ Trung Quốc.

Gần đây tập đoàn công nghệ số 1 của Trung Quốc - Huawei đã trọng thương vì cú đòn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lệnh cấm bán silicon được làm với kỹ thuật hoặc công nghệ Mỹ có khả năng hạ gục Huawei, làm tan vỡ tham vọng của tập đoàn này, từ trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến dịch vụ di động.

Chính quyền Donald Trump gần đây đưa ra luật cấm cửa các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ vì Trung Quốc không cho phép kiểm toán đối với các doanh nghiệp nước này. Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua.

Vấn đề còn lại đối với Fed và ông chủ Nhà Trắng là làm sao đảm bảo kinh tế phát triển ổn định và hạ cánh an toàn sau cú bơm tiền hiếm có. Những chính sách về thuế, thu hút các doanh nghiệp về Mỹ… được cho là rất hữu ích cho sự phát triển ổn định của nước Mỹ.

M. Hà