Sự việc xảy ra cuối tháng 6 với ông L.Q.T., 63 tuổi, ở Thanh Hóa. Ông T. mắc bệnh trầm cảm, gần đây thường xuyên mất ngủ, cảm thấy đau đớn, bứt rứt, khó chịu.
Chiều 27/6, ông T. bất ngờ tự đóng đinh vào ngay đỉnh đầu. Cây đinh xuyên qua xương sọ găm sâu vào não khiến người đàn ông đau đầu nhiều, hoảng loạn, buồn nôn. Ngay lập tức, ông được người thân khẩn trương đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Kết quả thăm khám lâm sàng và chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy bệnh nhân có vết thương sọ não, vết thương xoang tĩnh mạch dọc trên do dị vật kim loại cắm vào vùng đỉnh bên trái, cạnh xoang tĩnh mạch dọc trên. Dị vật có đường kính 0,5 cm, chiều dài 5,1 cm.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Quý, khoa Phẫu thuật Thần kinh - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, nhận định đây là trường hợp tổn thương nặng, nguy cơ chảy máu ồ ạt và khó cầm, bệnh nhân có thể tử vong cao. Lập tức, bác sĩ đẩy thẳng bệnh nhân vào phòng mổ cấp cứu.
Ê-kíp bác sĩ khoan sọ xung quanh đinh, mở volet xương sọ lấy đinh ra ngoài, mở màng cứng kiểm tra phát hiện xoang tĩnh mạch dọc trên bị rách, đinh đâm sâu vào trong nhu mô não thùy đỉnh, máu chảy nhiều.
Ca mổ kéo dài 2 giờ. Bệnh nhân được vá kín thành bên xoang tĩnh mạch dọc trên, cầm máu nhu mô não, vá kín màng cứng. Cây đinh dài hơn 5 cm được lấy ra khỏi đầu bệnh nhân.
Sau gần 2 tuần theo dõi và điều trị, bệnh nhân hồi phục tốt, vết mổ liền tốt, không yếu liệt, được ra viện. Bác sĩ tư vấn gia đình chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa để tiếp tục điều trị bệnh trầm cảm.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quý cho biết đây là tai nạn rất ít gặp do bệnh nhân có chủ ý gây ra nhưng nguy hiểm đến tính mạng.
Dị vật xuyên não màng não là cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng, tùy theo vị trí tổn thương của dị vật có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như yếu liệt chi, rối loạn chức năng sống, áp xe não, thậm chí nguy cơ tử vong.
Đối với trường hợp bị dị vật đâm xuyên, bác sĩ khuyên không nên cố gắng rút dị vật ra mà nhanh chóng sơ cứu, rửa sạch và băng vết thương và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời.
Lý do là trong trường hợp tổn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm thời, khi vội rút ra, bệnh nhân có thể tử vong vì chảy máu ồ ạt.
Việc rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ vô khuẩn để giảm thiểu nguy cơ tổn thương mạch não và các cơ quan lân cận, đảm bảo an toàn cho người bệnh.