Nửa thập kỷ "lội" bãi rác điện tử, "trắng đêm" đấu giá online
Trong căn nhà 3 tầng nằm khuất sau con ngõ nhỏ ở Cổ Linh (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội), anh Nguyễn Xuân Thủy (50 tuổi) ưu ái dành vị trí đặc biệt nhất của tầng 1 và tầng 2 làm nơi trưng bày "gia tài" hàng chục năm tuổi.
Từ những chiếc loa, đài cổ cho đến loạt tivi đen trắng, tivi màu có tuổi đời vài thập niên được gia chủ sắp xếp, bài trí đẹp mắt, gọn gàng.
Cách đây 5 năm, anh tình cờ nghe thấy trong quán cà phê một đoạn nhạc du dương phát ra từ chiếc đài cassette cổ. Khoảnh khắc ấy, anh quyết định sẽ tìm kiếm và lưu giữ chất âm mộc mạc này. Nó khiến người đàn ông hai thứ tóc nhớ về những ngày trẻ, về ao ước thuở xưa mong có được một chiếc radio cassette.
Anh Nguyễn Xuân Thủy nổi tiếng trong giới mộ điệu với bộ sưu tập radio cassette "khủng" nhất nhì Việt Nam. |
Người đàn ông hiện sở hữu khoảng 1.400 chiếc loa, đài cổ. Tất cả các sản phẩm này đến nay vẫn hoạt động tốt với chất âm mộc mạc, nhẹ nhàng. |
"Thời đó, chiếc đài được coi như "vật báu" của mỗi gia đình, có giá trị tương đương với một mảnh đất. Phải "oách" lắm, hoặc nhà có điều kiện mới có thể sở hữu một chiếc đài để nghe nhạc hay học ngoại ngữ…", anh Thủy nhớ lại.
Nửa năm đầu tiên, anh miệt mài tìm kiếm và "tậu" được 400 chiếc radio cassette. Con số đó không ngừng tăng lên theo thời gian và đến nay, người đàn ông này đã sở hữu bộ sưu tập khoảng 1.400 chiếc với đủ thương hiệu, hình dáng, kích cỡ và màu sắc.
Cá biệt có những sản phẩm sau khi tìm kiếm được, anh tiếp tục lùng mua nguyên bộ với đủ màu sắc và năm sản xuất khác nhau. Có loại, người đàn ông tuổi 50 "tậu" cả trăm chiếc.
Anh Thủy chỉ sưu tầm các sản phẩm radio, cassette đã được sản xuất trong nước hoặc những mẫu được phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam. |
Gia chủ cất công "săn" cả những cuốn catalog quý giá về loa, đài xưa để nghiên cứu, tìm hiểu thông tin. |
Hiện có khoảng 400 chiếc radio cassette cổ được anh Thủy lưu giữ tại nhà riêng. Còn lại, phần lớn bộ sưu tập được gia chủ mang đi giao lưu, trưng bày ở các quán cà phê trên khắp cả nước.
Anh Thủy cho biết, việc "săn lùng" đài radio cassette đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, thời gian và công sức. Ngoài "lội" khắp các bãi rác điện thải điện tử hay chợ đồ cũ trong và ngoài nước như ở Nhật Bản, Campuchia, anh còn "trắng đêm"... canh những phiên đấu giá trực tuyến trên mạng xã hội hay tìm mua lại từ nhiều người Việt Nam.
Vốn hoạt động trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, người đàn ông U50 còn tự mày mò, khôi phục các mẫu tem trang trí của radio, cassette xưa để phục vụ thú vui "làm đẹp" cho bộ sưu tập loa, đài cổ quý hiếm.
Một chiếc đài cổ được trưng bày ở tư gia của anh Thủy có tuổi đời khoảng 60 năm. |
Mỗi chiếc loa, đài cổ cũng được anh "tân trang" bằng các chi tiết, hình dán tự thiết kế về thương hiệu hoặc biểu tượng Hà Nội xưa,... |
Chiếc đài Sharp GF-777 sản xuất năm 1989 sử dụng đa cầu điện, thiết kế 2 cửa băng lệch, 6 loa trong đó 4 loa Bass (Super Woofer Sound) và 2 loa trép kèn cho công suất lên tới 90W. |
Chiếc Sharp GF-1000 phiên bản giới hạn. Ở Việt Nam hiện có 8 chiếc với giá sưu tầm rất cao khoảng 5.000 - 8.000 USD (tương đương 114 - 182 triệu đồng). |
Tự nhận bản thân không phải người chơi bộ môn đắt tiền, anh Thủy cho biết, chỉ chú trọng vào cảm xúc. Anh mong muốn sở hữu càng nhiều loa, đài cổ càng tốt, xem đó như một cách để trân trọng, lưu giữ quá khứ của chính mình và mọi người xung quanh.
"Việc được sở hữu một món đồ giá trị mà ở Việt Nam hoặc trên thế giới hiếm người có, lại còn gắn bó với tuổi thơ của biết bao người khiến tôi rất đỗi tự hào và hạnh phúc. Thậm chí, có chiếc mà tôi sở hữu đã trở thành duy nhất, không thể tìm thấy ở bất cứ đâu", anh Thủy chia sẻ.
"Mỗi chiếc loa, đài cổ là một câu chuyện"
Suốt nhiều năm theo đuổi đam mê "săn" loa, đài cổ, anh Thủy ước tính chi phí lên tới cả tỷ đồng. Mỗi chiếc lại có giá thành khác nhau, dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Tùy vào tuổi đời và độ quý hiếm, có chiếc được bán tới cả trăm triệu đồng, nhiều người tranh mua cũng không được.
Anh Thủy cho hay, số tiền bản thân đầu tư "săn" loa, đài cổ hoàn toàn xứng đáng bởi giá trị mà những món đồ hoài niệm này mang lại còn lớn gấp nhiều lần. |
Anh cho hay, mỗi chiếc loa, đài cổ là một câu chuyện. Và chiếc đài khiến anh mất nhiều thời gian săn lùng nhất là chiếc cassette Viettronics RX-4960 được sản xuất từ những năm 60-70 của thế kỷ trước tại Việt Nam.
Anh Thủy "săn" radio cassette theo các tiêu chí về nhãn hiệu, thiết kế và mức độ quý hiếm. |
Gia chủ cũng ưu tiên với những chiếc đài có chất lượng âm thanh tốt, vừa để trưng bày, vừa sử dụng tốt mỗi ngày. |
"Hồi đó, tôi muốn sở hữu một chiếc đài được sản xuất tại Việt Nam và may mắn được một người bạn giới thiệu về người chú ở Đồng Nai còn lưu giữ. Chú ấy tên là Hiệp, từng làm công nhân tại một nhà máy lắp ráp cassette trong những năm 1980, đầu những năm 1990 nên vẫn còn lưu giữ một chiếc làm kỷ niệm", anh cho biết.
Để sở hữu chiếc đài này, anh Thủy phải mất 4-5 chuyến từ Hà Nội, đến tận nhà chú Hiệp ở Đồng Nai thuyết phục, tỉ tê. Sau đó, chủ nhân chiếc đài quý hiếm ấy cũng đồng ý nhượng lại cho anh với điều kiện nhất định không được bán lại cho ai.
Thời tiết Hà Nội thường nồm ẩm, anh Thủy phải giữ phòng luôn thoáng khí để đài không bị ẩm mốc, hỏng hóc. |
Anh cũng thường xuyên lau chùi bề mặt của loa, đài, chống tình trạng bụi bám đầy gây hỏng các mạch điện. |
Gia chủ sử dụng chiếc khăn kim tuyến đầy hoài niệm để che phủ, chống bụi cho loa, đài. |
Tuy không mang nhiều giá trị về vật chất, nhưng với anh Thủy, chiếc đài ấy rất đặc biệt cùng lời hứa "ông Hiệp có thể đến thăm món đồ kỷ niệm của mình bất cứ lúc nào".
"Tôi phải đi lại đến 5 lần bác ấy mới đồng ý. Tôi cũng hứa sẽ giữ gìn chiếc đài này và bất kỳ lúc nào bác ấy muốn nhìn ngắm nó, tôi sẽ lại chụp hình cho bác xem. Hàng năm, tôi còn "báo cáo" với bác về kỷ vật quý giá ấy. Kỷ niệm của bác cũng là kỷ niệm của tôi, cần được gìn giữ", anh Thủy nói thêm.
Chiếc cassette Sharp QT-37HV (màu trắng) có thiết kế sang trọng và tinh tế được gia chủ yêu thích. Đây cũng là chiếc cassette được giới mộ điệu ưu ái đặt tên là "Tiểu thư Cassette". |
Đài Sharp QT-88 có thiết kế thanh lịch, đẹp mắt được đặt tên là "Queen Cassette" với chức năng thu sang băng nhanh nên được các cửa hàng kinh doanh băng cassette sử dụng làm thiết bị sang băng trong thập niên 90. |
Hiện, người đàn ông tuổi 50 vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê "săn" loa, đài cổ. Anh cũng xây dựng mối quan hệ với những người chung đam mê, tạo hệ thống "vệ tinh" khắp cả nước hay liên kết với các vựa ve chai lớn… để quá trình mua bán, trao đổi diễn ra thuận lợi hơn.
Anh Thủy cho hay, việc sưu tập radio cassette cổ giúp bản thân hoài niệm năm tháng đã qua, đồng thời thỏa mãn đam mê đưa thứ âm thanh mộc mạc, cổ xưa "sống lại" trong thế giới hiện đại của thời kỹ thuật số.
(Theo Dân trí)
Giới 'siêu giàu' chi tiền sắm bộ loa đắt như xe hạng sang, biệt thự 'khủng'
Đã có đủ cho mình bộ sưu tập xe, du thuyền, tranh ảnh, rượu,…giới siêu giàu tìm đến thú chơi âm thanh để thỏa mãn nhu cầu thể hiện đẳng cấp của mình.