- Dù đôi mắt không còn nhưng với đôi tay tài hoa và sự cảm âm tuyệt vời, ông Nguyễn Tiến Công vẫn từng ngày làm nên những chiếc sáo trúc chứa đựng cả đam mê của mình.

Trong căn nhà rộng chưa đầy 40m2 tại phố Vũ Hữu (Thanh Xuân, Hà Nội), hàng trăm cây sáo trúc được người đàn ông mù bó thành bó, xếp ngay ngắn trong các thùng giấy.

Làm sáo bằng cả con tim

Khoảng năm 2005, biết có nhiều người học chơi sáo trúc rồi lập thành từng nhóm giao lưu với nhau, ông Công lại nghĩ: “Mình thổi được sáo, lại có thể làm sáo. Sao mình không phát triển chính khả năng và đam mê của mình?”.

Và thế là ông quyết định mua trúc về mày mò làm vài ống sáo bán.

{keywords}
Ông Nguyễn Tiến Công.

Dần dà, ngày càng ngày càng nhiều người biết và thích sáo ông làm. Ông phải liên hệ nguồn trúc tận Mai Châu (Hòa Bình).

“Trên đó có nguồn trúc làm sáo rất tốt. Người dân ở đó ai muốn làm thì mình dạy họ làm để có thêm thu nhập, giúp đỡ lẫn nhau”- ông Công chia sẻ.

Ông Công lấy ra một ống sáo, giải thích: Nếu người bình thường làm sáo có 2-3 công đoạn thì người khiếm thị mất tới 7-8 công đoạn.

Không nhìn được, ông phải dùng một đoạn dây để đo chiều dài của sáo. Ông nói: “Mỗi lỗ sáo là mỗi nốt đồ, rê, mi, pha, son. Khoảng cách của lỗ sáo rất quan trọng. Nếu không tính chuẩn thì âm sẽ không chuẩn…”

{keywords}
Những cây sáo của ông Công hơn hẳn những cây sáo được sản xuất hàng loạt, bởi lẽ, người đàn ông mù này gửi vào đó cả tình yêu sống của mình.

Phần nút xốp cũng phải làm cẩn thận. Mỗi chiếc sáo ông Công đều tự tay cắt nút xốp cho vừa vặn. Nhờ đó, người thổi sẽ không mất nhiều hơi mà tiếng sáo vẫn trong và sáng.

Ông cầm hai cây sáo lên, hào hứng: “Chỉ cần gõ từng cây là biết cây nào thổi hay hơn, phù hợp với người nào. Người thổi được âm cao phải chọn sáo trong hơn, người thổi được âm trầm thì phải chọn sáo âm trầm hơn”.

Chính nhờ sự am hiểu về sáo nên ông Công thường được các bạn sinh viên trường nhạc tới để nghe chia sẻ kinh nghiệm thổi sáo cũng như cách chọn sáo.

Tuổi thơ buồn tủi

Cất những cây sáo gọn gàng lại vào thùng giấy, ông Công thoáng buồn: “Yêu sáo thì làm sáo, thổi sáo thôi chứ ngày nhỏ có được học hành chi đâu. Mẹ mất sớm, đến khi bố đi bước nữa thì dì không thương, hành hạ đủ kiểu, khổ lắm cháu ạ”.

{keywords}
Những chiếc sáo không chỉ là bầu bạn, còn là nguồn mưu sinh của ông Công.

Ông Công mồ côi mẹ năm 13 tuổi, và cũng chính năm đó, ông bị mù cả hai mắt do một tai nạn nổ mìn. 

Bị gia đình hắt hủi, ông uất ức bỏ nhà lên Hà Nội. Chân ướt chân ráo tới thị thành, lại bị cướp tất cả đồ dùng và số tiền ít ỏi mang theo, ông tìm đến đồn công an khai báo và được đưa tới trại trẻ mồ côi.

Giọng ông nghẹn lại: “Ngày đó, khi công an hỏi, bác còn không dám nói tên thật, phải thay tên đổi tuổi. Chỉ bảo là cha mẹ mất hết, người thân không còn ai, chứ nói thật lại bị đưa về gia đình, chắc bác không sống nổi”. 

{keywords}
Ông Nguyễn Tiến Công: Muốn làm sáo tốt, phải làm bằng con tim yêu.

Lớn lên trong trại trẻ mồ côi, ông luôn cố gắng học tập để sau này có thể tự làm việc, nuôi sống bản thân. Ông đã thi vào trường Đại học Luật Hà Nội và làm thêm nhiều nghề để có thể tự nuôi mình ăn học.

Đôi mắt không thể nhìn được, không có người thân giúp đỡ, cuộc sống của ông gặp rất nhiều khó khăn. Giọng ông nghẹn lại: “Nhiều lúc tưởng chết đi sống lại đấy cháu ạ”.

Trước năm 2000, thấy nhiều bạn trẻ khiếm thị còn khó khăn hơn mình, ông quyết định mở lớp dạy nghề cho họ. Không có tiền, ông đành bán căn nhà mà Nhà nước hỗ trợ, kêu gọi các tình nguyện viên cùng giúp. Ông trăn trở hằng đêm về việc dạy nghề gì cho những bạn trẻ khiếm thị để sau này các em có thể tự kiếm sống, nuôi bản thân mình. Và cuối cùng, ông chọn nghề in lưới.

Nghề in lưới không phải đi lại nhiều, cũng không quá vất vả nên phù hợp với người khiếm thị. Được khoảng 3 năm, thì không còn tiền và cuộc sống ngày càng khó khăn nên ông phải nghỉ. Ông chuyển qua bán tăm cho hội người mù, làm chổi chít và hiện tại là làm sáo trúc.

“Nghề này sẽ là nghề cuối cùng bác chọn và sẽ gắn bó đến hết đời. Muốn làm sáo tốt quan trọng vẫn phải làm bằng con tim yêu sáo cháu ạ” - ông Công nói. 

Người ta vẫn thường nghe thấy tiếng sáo trúc vang lên trong căn nhà nhỏ của ông ở phố Vũ Hữu. Người khiếm thị già vẫn ngày ngày mang theo niềm đam mê cùng tiếng sáo của mình chia sẻ với mọi người bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Tiếng sáo đó có lúc sâu lắng, có lúc vi vu như tiếng gió trên cánh đồng, có lúc lại trong trẻo lạ thường.

Lương Ánh