Người đàn ông được trả tiền để xé quần áo mới.
Bỏ hội họa đi... xé quần kiếm sống
Cứ khoảng 15h chiều hàng ngày, tại góc đường Hồ Xuân Hương (Quận 3, TPHCM), ông Trương Tấn Viễn (57 tuổi) bắt đầu mở "tiệm" xé quần áo jean đón khách.
Gọi là "tiệm" nhưng chỗ làm việc của ông Viễn chỉ có một ghế nhựa và một cây sào để treo những chiếc quần jean rách đã được xé sẵn, treo lên bán.
"Tôi đã làm công việc này đã được 30 năm rồi và bản thân cũng không biết đây có phải là một nghề không. Ban đầu, tôi chủ yếu kinh doanh quần áo cũ kiếm sống. Sau này, khi xem các ban nhạc nước ngoài mặc các kiểu quần jean rách, thấy độc lạ và đẹp. Từ đó, tôi bắt đầu thử xé quần và gắn bó với công việc này đến bây giờ", ông Viễn cho biết.
Ông Viễn dùng một con dao rọc giấy mỏng để rạch quần cho rách đúng theo ý định của mình. |
Theo quan sát, ông Viễn chỉ dùng một con dao rọc giấy mỏng để rạch vải và một chiếc khẩu trang để chống bụi. Người đàn ông 57 tuổi này cho biết, từ nhỏ, ông rất đam mê hội họa. Sau này lớn lên, ông đã có thời gian làm họa sĩ.
"Họa sĩ thời đó rất khó sống, chỉ có thể sao chép tranh để bán hoặc đem tranh của bản thân tự vẽ đi gửi tại các cửa hàng tranh để nhờ họ bán giúp. Bán được tranh thì họa sĩ mới có tiền. Nhiều khi tranh gửi cả mấy tháng không có người mua nên bắt buộc tôi phải chuyển sang bán quần áo để có tiền lo cho gia đình", ông Viễn tâm sự.
Vì có sẵn mắt thẩm mỹ nên ông Viễn không gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với việc xé quần áo jean. Theo ông: "Ban đầu, tôi chưa quen việc xé quần jean nên đã làm hư 4 chiếc quần. Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, tôi đã tìm ra bí quyết xé quần, áo jean của khách đẹp hơn không còn bị hư như trước".
Ông Viễn cho rằng, người thợ xé quần jean cũng giống như người họa sĩ đang vẽ tranh. Chỉ có điều họa sĩ dùng cọ để vẽ trên giấy, còn thợ xé quần jean thì dùng dao để rạch quần tạo những vết rách nghệ thuật giúp quần jean tăng thêm vẻ đẹp và giá trị.
Trong giai đoạn từ năm 1995 - 2005, khi những chiếc quần jeans rách chưa phổ biến và được sản xuất đại trà như ngày nay. Nhờ đó, công việc này giúp ông Viễn "sống khỏe" với thu nhập tốt, để lo hai con ăn học.
Vào giai đoạn năm 1995 - 2005, công việc này giúp ông sống khỏe vì nhu cầu nhiều. |
Hiện tại, với mỗi mảng xé, ông Viễn tính giá tiền từ 10.000 - 40.000 đồng, tùy theo kích thước và số lượng. Mỗi ngày, ông kiếm được vài chục đến vài trăm nghìn từ việc xé và bán quần jean cũ.
Tái sử dụng quần jean cũ, hạn chế rác thải
Ngoài làm mới những chiếc quần jeans cũ bằng các mảng xé, ông Viễn còn tái chế quần, áo, mũ jeans cũ thành túi đeo. Giá của những chiếc túi đeo chéo độc đáo này dao động từ 250.000 - 300.000 đồng.
"Đa số mọi người sau khi thấy quần jean đã cũ hoặc bạc màu thì lại bỏ đi. Tôi thấy phí quá nên đã thử cắt vải từ những chiếc quần bỏ đi rồi may thành những chiếc túi đeo chéo để tái sử dụng, hạn chế thải rác ra môi trường", ông Viễn cho hay.
Vì đa số sản phẩm đều được ông Viễn tự tay làm thủ công, nên số lượng sản phẩm đưa ra thị trường không nhiều. Chủ yếu dựa vào số lượng đặt hàng của khách, trung bình mỗi tháng ông Viễn làm được khoảng 30 cái túi từ quần jean cũ.
Hiện tại, khi các con đã lớn và đã đi làm, ông Viễn không còn đặt nặng việc kiếm tiền. Đối với ông, mỗi ngày làm việc là lúc sáng tạo nghệ thuật.
"Nói là xé nhưng không phải cứ đặt dao vào là rạch đại là ra được những mảng rách đúng ý mình. Tùy thuộc vào kiểu dáng mà tôi sẽ áp dụng các kiểu xé khác nhau để tạo ra những phần rách phù hợp với quần, áo, làm hài lòng các vị khách đã tin tưởng đem quần, áo của họ cho tôi tân trang", ông Viễn tâm sự.
Trong suốt thời gian làm nghề, ông Viễn nhớ một kỉ niệm một người đàn ông mang chiếc áo khoác jean nhờ ông "xé nát" để tạo kiểu dáng mới. Đồng thời, vị khách còn tiết lộ chiếc áo có giá trị 20 triệu đồng nên nhờ ông cẩn thận.
"Vị khách lần đó mang áo đến chỗ tôi nhưng lại không tưởng tượng được tôi xé chỗ nào nên cứ dặn tôi cẩn thận suốt. Mặc dù, tôi cũng có kinh nghiệm trong việc xé quần, áo đắt tiền nhưng lần này khi thấy khách sốt ruột, tôi cũng lo lắng theo. Tôi phải kết bạn với khách trên mạng xã hội rồi xé từng mảng có kích thước vừa trước, rồi chụp hình gửi cho khách hỏi ý kiến. Sau khi được đồng ý thì tôi mới dám mạnh tay xé", ông Viễn kể.
Công việc này giúp ông có thu nhập lo cho gia đình suốt 30 năm. Cùng với đó, công việc này cũng giúp ông được thỏa chí sáng tạo nghệ thuật. Cũng nhờ đó, những bộ đồ jean đã cũ được "hồi sinh" và có một diện mạo mới.
(Theo Dân Trí)