Tuổi thơ khốn khó
Tuổi thơ của anh Lý Quốc Bình (SN 1975, quận Tân Bình, TP.HCM) trải qua nhiều khốn khó ở thập niên 1980 - 1990. Dẫu vậy, ký ức về thập niên đó vẫn mãi đẹp trong tâm trí anh.
Anh Bình trầm tư: “Đến một ngưỡng nào đó, mỗi người lại hoài niệm về tuổi thơ. Từ 5 – 15 tuổi, tôi cảm nhận được sự khó khăn về đời sống nhưng lại thu về rất nhiều kỷ niệm đẹp. Cái gì đẹp thì mình nhớ mãi”.
Thập niên 1980 - 1990, gia đình anh Bình như bao người dân TP.HCM khác trầy trật mưu sinh. Đồng lương giáo viên của bố mẹ anh không đủ lo cái ăn cái mặc cho các con.
Mẹ anh là cựu học sinh trường Gia Long. Sau năm 1980, bà làm việc tại trường Nguyễn Thị Minh Khai cho đến tuổi về hưu.
Thời điểm anh Bình lên 8-9 tuổi, khu vực Bàu Cát, quận Tân Bình còn đồng ruộng, cây cối um tùm. Anh thường theo chân anh chị nhặt củi về nấu bếp. Ngoài giờ dạy ở trường, bố mẹ anh tăng gia sản xuất, nuôi vịt lấy trứng.
Năm 1993, cuộc sống đỡ vất vả, anh Bình vào đại học. Bên cạnh việc học, anh làm thêm rất nhiều nghề. Anh làm việc ở nhà sách, bãi giữ xe, chở thuê vật liệu xây dựng…
Tốt nghiệp đại học, anh Bình có 20 năm làm công việc giám định gạo ở các tỉnh miền Tây. Tại đây, anh tiếp xúc, nhìn thấy nhiều vật dụng gắn bó thời ấu thơ ở những năm thập niên 1980. Điều này hun đúc ý tưởng xây dựng căn phòng thập niên 1980 – 1990 trong anh ngày càng lớn.
5 năm sưu tầm ký ức
Đời sống ổn định, anh Bình cũng bước vào ngưỡng hoài niệm tuổi thơ. 5 năm trước, anh vô tình xem được tấm ảnh chụp mình ở tiệc sinh nhật năm 16 tuổi.
“Tấm ảnh chụp khoảnh khắc tôi làm dáng bên cạnh chiếc tủ của gia đình. Nhìn ảnh, tôi nhớ ngày xưa, nhớ những vật dụng mình từng thấy lúc nhỏ.
Từ đó, tôi quyết định sửa phòng của người giúp việc cũ thành nơi lưu giữ những vật dụng thập niên 1980 - 1990 mà mình sưu tầm”, anh Bình cho biết.
Chiếc tủ giống chiếc tủ cũ của gia đình, chính là món đồ đầu tiên anh mua và bài trí trong căn phòng kỷ niệm.
Để mua được chiếc tủ ưng ý, anh loanh quanh khắp các khu chợ, con đường bán đồ gỗ cũ ở TP.HCM. Cuối cùng, anh chọn một chiếc tủ cũ được bày bán ở khu vực đường Phạm Văn Hai – Bùi Thị Xuân, quận Tân Bình.
Chiếc tủ này còn đẹp, chất gỗ tốt, đóng theo kỹ thuật trước năm 1975. Anh Bình mua nó với giá 7 triệu đồng.
Có chiếc tủ, anh lên kế hoạch tìm mua thêm những món đồ từng xuất hiện trong ký ức.
Biết anh Bình đang làm căn phòng thập niên 1980 - 1990, người đồng nghiệp cũ gọi anh qua nhà, tặng chiếc tivi trắng đen. Anh ấy mua chiếc tivi này khoảng 15 năm trước tại Thốt Nốt, Cần Thơ.
Anh Bình dành hẳn 1 năm tìm kiếm linh kiện phù hợp, sửa chữa chiếc tivi đó. Chiếc tivi cũ khởi động, mang đến những thước phim trắng đen, kỷ niệm cả xóm có 1 cái tivi lại ùa về, khiến anh xúc động.
Anh nhớ, mỗi lần hàng xóm mở tivi, anh và khoảng 50 người khác chạy qua “xem ké”. Lúc đó, mơ ước lớn nhất của anh là bố mẹ mua được tivi, thoát cảnh thức trắng đêm, cùng cả xóm xem cho hết băng đĩa phim bộ đã mướn.
Có tivi trắng đen, anh Bình tìm mua thêm tivi màu, đèn dầu, đèn măng-sông… Nhiều món đồ được anh mua từ nước ngoài, phải thức đêm đấu giá. Anh chi hàng trăm triệu đồng để mang về những thứ người khác không thèm dùng.
Căn phòng đầy ắp đồ vật của thập niên 1980 - 1990 được anh chăm chút, giữ gìn như báu vật.
Hiện tại, niềm vui của anh là sử dụng lại những vật dụng của quá khứ. Anh thích tắt đèn điện, thắp đèn dầu đọc sách. Mùi dầu hôi từ chiếc đèn cũ phảng phất hình ảnh ngày nhỏ anh ngồi học bài. Hoặc, anh mở chiếc tivi màu của những năm 1990, xem phim Thần điêu đại hiệp.
“Hồi đó, má tôi nói con nít không được xem phim Thần điêu đại hiệp. Cho nên, đến tận bây giờ, tôi mới xem phim này lần đầu.
Mỗi lần xem phim, tôi nhớ má, nhớ cả những lúc má nằm nghe nhạc. Má tôi thích chất giọng hát như khóc, nức nở của ca sĩ Thanh Thúy.
Ngày nhỏ, tôi nghe nhạc má mở không hợp tai nhưng không biết trốn đi đâu, chất nhạc in hằn lúc nào không rõ. Từ hồi má mất, tôi tìm nghe lại băng đĩa cũ của Thanh Thúy. Tự dưng, tôi thấy nhạc hay vô cùng”, anh Bình xúc động.
Căn phòng đậm ký ức những năm 1980 còn giúp các con của anh hiểu nhiều gian khó ở thời bố mẹ. Các con thường vào phòng, ngồi nghe bố kể chuyện.
“Chỉ có lúc tôi nghe nhạc là tụi nhỏ tìm cách bỏ ra ngoài. Mấy đứa nói không cảm được nhạc, không thấy hay giống hệt tôi ngày trước”, anh Bình cười nhớ kỷ niệm ngày nhỏ.
Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X. VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: [email protected]. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet. Trân trọng cảm ơn! |