- Lấy được vợ trẻ, người đàn ông cho rằng có nhiều kẻ khác đang "dòm ngó" vợ ông. Sau nhiều lần có những hành vi, suy nghĩ bất thường ông đã phải nhập viện tâm thần để điều trị.

TS.BS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 1, đã từng tiếp nhận và trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc chứng tâm thần vì hoang tưởng ảo giác.

Đó là trường hợp của ông M. (hơn 50 tuổi), đang công tác tại một cơ quan ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ông M. phải nhập viện tâm thần vì luôn cho rằng mình có khả năng thần giao cách cảm, nhìn được trước mọi sự việc.

Theo TS Tô Thanh Phương, trước đó, qua mai mối, ông M. cưới được cô vợ kém mình vài chục tuổi, làm công nhân ở Bắc Giang. Để lấy được vợ trẻ, ông M. phải chấp nhận khoản thách cưới lên đến cả trăm triệu đồng.

{keywords}
Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Lấy nhau, cuộc sống ban đầu của hai vợ chồng khá yên ấm, hòa thuận, ít lâu sau vợ ông sinh được một cậu con trai kháu khỉnh.

Tuy nhiên đến một ngày, cả hai vợ chồng vào viện khám bệnh cho con thì mọi rắc rối bắt đầu xảy ra.

Đó là khi vợ ông đang ngồi phòng khám chờ đến lượt khám cho con mình thì bỗng nhiên, ông M. buông lời mắng người đàn ông ngồi ở hàng ghế sau vì tội "nhìn trộm vợ tôi". Người đàn ông đó không hiểu chuyện gì đang xảy ra nên cố cãi rồi cả hai lao vào đánh nhau.

Ông M. sau đó bị bảo vệ bệnh viện kéo ra ngoài. Xuống đến phòng bảo vệ, ông vẫn một mực khẳng định người đàn ông kia liếc mắt đưa tình với vợ mình.

Chưa dừng lại ở đó, có lần ông M. còn đôi co với cả người hàng xóm sống cạnh nhà mình chỉ vì cho rằng anh này nhìn trộm vợ. Mặc cho người hàng xóm phân bua thế nào ông cũng gạt phắt đi và cho rằng mình có khả năng nhìn rõ mọi việc, dù nó xảy ra cách mình hàng vài cây số.

Nhiều lần chứng kiến cảnh chồng không được bình thường, vợ ông thuê thầy cúng về nhà làm lễ nhưng chẳng ăn thua.

Sau đó người vợ này đã quyết định đưa ông M. đến bệnh viện để tìm hiểu về bệnh của chồng. Tại đây, bà ấy sững sờ khi bác sĩ cho biết chồng bà có khả năng mắc bệnh hoang tưởng. Sau hai tháng ở viện, ông M. đã dần bình phục.

Theo TS Tô Thanh Phương, những câu chuyện như trên không hiếm. Người bệnh thường nhập viện khi bệnh đã khá nặng và chống đối kịch liệt. 

“Bệnh nhân bị bệnh tâm thần vô cùng khốn khổ. Nhiều trường hợp người thân đành bất lực, nuốt nước mắt để người nhà có bệnh "phá cũi sổ lồng" đi lang thang ngoài mưa gió, lều quê quán chợ, 'tối đâu là nhà, ngã đâu là giường'.

Đó chính là sự đau khổ về cả mặt thể xác lẫn tinh thần. Mà không chỉ riêng họ khổ, những người thân của họ cũng đau đớn không kém phần. Chắc hẳn chẳng có căn bệnh nào phải chịu những nỗi đau như vậy”, TS Phương nói.

H. Thúy