Khoẻ mạnh trở lại sau 10 ngày điều trị nhồi máu cơ tim cấp, anh Nguyễn Khắc Lâm, 41 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội gọi đây là hành trình “từ cõi chết trở về”.
Anh Lâm cho biết, khi đang chuẩn bị đưa con đi học, anh đột nhiên thấy buồn nôn, ít phút sau ngực đau dữ dội. Ngay lập tức, gia đình đưa anh vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu, 5 phút sau, anh rơi vào hôn mê sâu, tim ngừng đập, huyết áp tụt.
Bác sĩ chẩn đoán anh bị nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân liên tục được ép tim, cấp cứu tích cực. 45 phút sau, tim bệnh nhân bắt đầu đập trở lại song còn rất yếu, suy thận, suy tuần hoàn.
Nhận được cuộc gọi khẩn từ Bệnh viện Thanh Nhàn, TS Hoàng Văn, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cùng một ekip được điều sang hỗ trợ cấp cứu ngừng tuần toàn. 30 phút sau, bệnh nhân dần hồi tỉnh.
Tuy nhiên, bác sĩ nhận định bệnh nhân còn rất nặng, nguy cơ mất não và tử vong rất cao do ngừng toàn hoàn kéo dài, vì vậy sau hội chẩn quyết định chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Tim Hà Nội tiếp tục điều trị.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền kiểm tra lại sức khoẻ cho anh Lâm. Ảnh: Thúy Hạnh
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh nhân được dùng thuốc trợ tim, vận mạch liều cao, hạ thân nhiệt chỉ huy xuống còn 35 độ trong 48 giờ để bảo vệ não tránh rơi vào trạng thái sống thực vật, đặt stent, đặt bóng đối xung động mạch chủ để hỗ trợ tạm thời tình trạng rối loạn và suy sụp tuần hoàn cho đến khi cơ tim hồi phục kết hợp lọc máu.
Bệnh nhân được theo dõi chặt từng giờ, may mắn hồi phục tốt. Sau 10 ngày, anh Lâm được xuất viện, tim và thận đều hồi phục chức năng, đi lại và hoạt động hoàn toàn bình thường.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ, trường hợp ngừng tim 45 phút vẫn hồi phục hoàn toàn như bệnh nhân Lâm khá hiếm gặp.
Theo PGS Hiền, trước đây nhồi máu cơ tim hay gặp ở độ tuổi 60 – 80 nhưng vài năm gần đây có xu hướng trẻ hoá, ca bệnh trẻ nhất bệnh viện từng tiếp nhận mới 22 tuổi.
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi các mạch máu nuôi tim bị tắc do các mảng xơ vữa bám chặt. Khi bị thiếu dinh dưỡng, oxy, vùng cơ tim sẽ bị hoại tử dẫn đến suy tim, sốc tim, ngừng tim. Trong năm qua, bệnh viện phẫu thuật 280 trường hợp mắc bệnh lý mạch vành, trong số này có gần 100 ca bị nhồi máu cơ tim.
Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim thường do tăng huyết áp, các thói quen lười vận động, ăn nhiều đồ dầu mỡ, hút thuốc lá, uống rượu bia, do di truyền…
Với trường hợp bệnh nhân Lâm, anh có tiền sử dùng corticoid nhiều năm gây suy tuyến thượng thận mạn và làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, từ đó gây ra các bệnh lý mạch vành, hình thành các mảng xơ vữa.
“Ngay khi mạch bị tắc, bệnh nhân có thể ngừng tim đột ngột, rung thất đột ngột và có thể tử vong ngay những phút đầu tiên nếu diện tích hoại tử cơ tim lớn”, PGS Hiền thông tin.
PGS Hiền lưu ý, nhồi máu cơ tim cấp thường có dấu hiệu cảnh báo trước như vận động nhẹ cũng mệt, hay đau tức ngực. Những trường hợp có mỡ máu cao, bố mẹ có tiền sử bệnh lý mạch vành cần đi khám sớm để phát hiện bất thường.
Thúy Hạnh
Bác sĩ cảnh báo 3 thói quen khiến người trẻ dễ đột quỵ tim
Giữa đêm, anh Đ. đột nhiên thấy tim đau nhói, tức ngực, mồ hôi túa ra ướt đẫm một chiếc áo. Bác sĩ chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim.