BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị cho biết, khoa đang điều trị cho nam bệnh nhân bị biến chứng nặng do dùng an cung ngưu hoàng hoàn.
Bệnh nhân là Lê Văn L., 74 tuổi, được chuyển vào cấp cứu ngày 22/6 trong tình trạng hôn mê sâu.
Gia đình cho biết, trước đó 2 tuần, bệnh nhân bị ngã, sau đó choáng váng, chóng mặt. Vì nghĩ ông L. bị đột quỵ nên gia đình cho uống an cung ngưu hoàng hoàn xách tay để điều trị.
Sau khi lấy huyết khối, bệnh nhân hồi phục tốt
Tuy nhiên, tình trạng bệnh của ông không đỡ mà ngày càng nặng lên, đến ngày thứ 4 chuyển hôn mê. Khi vào viện, kết quả chụp cắt lớp phát hiện bệnh nhân chảy máu dưới màng cứng.
Theo BS Khiêm, chảy máu ở vị trí này thường là do chấn thương. Tuy nhiên do gia đình không biết, cho uống an cung nên gây chảy máu nặng nề hơn, dẫn tới hôn mê. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định lấy máu tụ, hiện sức khoẻ đã ổn định.
Trong viên an cung ngưu hoàng hoàn có rất nhiều thành phần, bao gồm cả thành phần gây độc như asen, thạch tín. Nếu người dân sử dụng không đúng mục đích sẽ gây nguy hiểm khôn lường. Trong thực tế, bệnh viện đã gặp không ít trường hợp bị tai biến nặng lên do uống an cung làm tăng nguy cơ chảy máu.
BS Khiêm cũng nhấn mạnh, đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh an cung ngưu hoàng hoàn có tác dụng thực sự trong dự phòng hay điều trị đột quỵ dù theo quảng cáo, thuốc có thành phần làm tan các cục máu đông, có thể uống sau khi chụp cộng hưởng từ không phát hiện xuất huyết não.
“Do hãng thuốc quảng cáo quá lên, người dân lại truyền tai nhau nhiều nên hiểu lầm tác dụng vượt quá khả năng thực tế. Tôi biết rất nhiều người cao tuổi coi loại thuốc này như cứu cánh, phương thuốc thần để phòng và chữa bệnh tai biến mạch máu não”, BS Khiêm chia sẻ.
BS Khiêm cho hay, trong đột quỵ có 2 thể chính là nhồi máu não và xuất huyết não. Để xác định được chính xác được 2 thể này, bác sĩ cần có máy móc, phương tiện để chẩn đoán.
Trong khi đó, người dân thấy người nhà bị yếu, liệt, hôn mê là cho uống an cung, nếu rơi vào thể xuất huyết não sẽ gây rối loạn đông máu khiến xuất huyết nặng nề thêm, nguy cơ tử vong càng lớn.
“Trường hợp nếu cố giữ bệnh nhân ở nhà thêm nhiều tiếng, cơ hội cứu sống bệnh nhân và cơ hội phục hồi không còn”, BS Khiêm nhấn mạnh.
Theo BS Khiêm, bất kỳ thuốc nào đưa vào cơ thể đều cần có sự kiểm soát của bác sĩ, không có thuốc nào là thần dược chữa được tất cả các bệnh hay là cứu tinh làm tỉnh người hôn mê hay chữa khỏi người bị liệt. Do đó, người dân cần lắng nghe ý kiến của người có chuyên môn.
Hiện nay rất nhiều cơ sở y tế đã có thể cấp cứu tốt đột quỵ, tắc mạch máu não có thể can thiệp lấy huyết khối, dùng thuốc tiêu sợi huyết. Nếu được cấp cứu trong vòng 6 giờ đầu, tỉ lệ bệnh nhân hồi phục rất cao, song đáng tiếc, có rất ít trường hợp đột quỵ ở nước ta được đưa đến viện trong khung giờ vàng.
Thống kê cho thấy, hầu hết các trường hợp gặp tai biến nặng ở nước ta là những bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não.
Là người từng trực tiếp sang Trung Quốc tìm hiểu, GS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, tại quốc gia này, người dân không dùng an cung ngưu hoàng hoàn để ngừa đột quỵ, chưa kể trong thuốc có thạch tín, thủy ngân, bệnh nhân không nên dùng.
Trong các tài liệu đông y của Trung Quốc, an cung ngưu hoàng hoàn cũng chỉ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị sốt cao, co giật, khu đờm, các triệu chứng của nhiệt nhập tâm bào, nói sảng, lưỡi đỏ, trẻ em sốt cao, co giật.
Thúy Hạnh
Trung Quốc không dùng an cung phòng đột quỵ, người Việt coi như thần dược
Tại Trung Quốc - “quê hương” của an cung cũng không dùng loại thuốc này để ngừa đột quỵ, chưa kể trong thuốc có thạch tín, thủy ngân, bệnh nhân không nên dùng.