TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc TT Chống độc, BV Bạch Mai xác nhận trung tâm từng tiếp nhận một trường hợp ngộ độc thuốc điều trị sốt rét chloroquin. Đây là trường hợp đầu tiên ngộ độc thuốc sốt rét được ghi nhận tại Việt Nam.
Bệnh nhân là nam giới, 44 tuổi ở Hà Nội. Nghe thông tin Mỹ dùng thuốc điều trị sốt rét chloroquine để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19, sau đó lại có thông tin có thể uống thuốc này để dự phòng ngừa Covid-19 nên bệnh nhân đã mua 100 viên về tích trữ để dùng cho bản thân và gia đình.
Nhiều người dân đang đổ xô đi mua thuốc trị sốt rét để tích trữ trong nhà theo lời mách trên mạng
Tuy nhiên sau khi uống 15 viên cloroquin, bệnh nhân có biểu hiện nôn nhiều, mờ mắt, suy hô hấp, tụt huyết áp… được đưa đi cấp cứu tại BV địa phương. Bác sĩ tại đây đã rửa dạ dày, dùng than hoạt tính, thở máy trước khi chuyển bệnh nhân lên BV Bạch Mai.
May mắn do được cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân đã qua khỏi và vừa được xuất viện.
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, thuốc Hydroxychloroquine và cloroquin là thuốc điều trị bệnh sốt rét và một số bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, phát ban đa dạng do ánh sáng...
Đến nay, Việt Nam chưa sử dụng thuốc này để điều trị Covid-19 và Bộ Y tế chưa có khuyến cáo dùng thuốc này để dự phòng Covid-19. Đây là loại thuốc bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ nên người dân không tự ý sử dụng.
Khi dùng không đúng chỉ định, bệnh nhân có thể gặp nhiều tác dụng không mong muốn như làm nặng thêm bệnh nền sẵn có như vảy nến, porphyrine niệu, thiếu men G6PD, ở liều cao có thể gây độc cho mắt (tổn thương võng mạc).
Nguy cơ bất lợi này càng cao ở người trên 60 tuổi, người có tiền sử bệnh lý võng mạc và người suy gian, suy thận.
Do đó, người dân không nên tích trữ thuốc này, vừa để tránh nguy cơ ngộ độc khi dùng, vừa không làm mất cơ hội mua thuốc của những bệnh nhân khác phải dùng thuốc này thường xuyên.
Thúy Hạnh