Các cặp vợ chồng trên khắp thế giới chỉ dạy cho nhau những kỹ năng mới trong cuộc sống hôn nhân không phải chuyện hiếm. Nhưng chuyện chồng hướng dẫn vợ cách cho con bú khiến nhiều người phải bất ngờ.
Đoạn video quay cảnh người đàn ông đến từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) chỉ vợ cách cho con bú lan truyền khắp mạng xã hội ở đất nước này.
Người đàn ông nhận ra vợ cho con một tháng tuổi bú sai cách nên anh đã hướng dẫn lại cho vợ. Anh ngồi trên chiếc ghế dài, trực tiếp bế đứa bé trên tay trong tư thế cho con bú. Người vợ thích thú quan sát và quay lại toàn bộ màn trình diễn.
Người chồng nói với vợ rằng: "Đừng cười nữa. Tại sao em luôn di chuyển con theo chiều kim đồng hồ? Tại sao em không giữ yên? Anh đang hỏi anh đấy".
Người vợ chia sẻ rằng, kể từ khi sinh con, cô chủ yếu cho bé uống sữa công thức, thỉnh thoảng mới cho con bú.
Anh chồng lo lắng, cố gắng tìm kiếm thông tin trên mạng về cách nuôi con bằng sữa mẹ. Sau khi xem một số video dạy con trên mạng, anh cho rằng cách bế con của vợ là nguyên nhân khiến em bé không thể bú, theo SCMP.
Người vợ đùa rằng: "Tôi thấy rất buồn cười. Một người đàn ông dạy phụ nữ về việc cho con bú. Nếu chồng tôi làm được, anh ấy hẳn sẽ tự cho con ti sữa luôn".
Màn "vật lộn" hài hước của cặp vợ chồng khiến nhiều người xem thích thú. "Anh ấy là một người đàn ông nghiêm túc"; "Anh này giống chồng tôi ngày trước. Thật buồn cười"; ... một người bình luận.
Tháng trước, một người đàn ông Trung Quốc cũng gây chú ý trên mạng khi lộ đoạn video anh vừa khóc vừa xin bố mẹ khuyên vợ cai sữa cho đứa con 2 tuổi.
Nguyên nhân anh muốn con cai sữa mẹ vì vợ anh thường xuyên phải thức đêm cho con bú từ sau sinh. Nay con đã 2 tuổi, anh muốn vợ có giấc ngủ trọn vẹn.
Nhân chuyến thăm gia đình vợ, người chồng uống say rồi nói luôn với bố mẹ về việc vợ vẫn cho con 2 tuổi bú sữa mẹ. Cô vợ rất ngạc nhiên và cảm động trước hành động của chồng.
Theo Liên Hợp Quốc, chưa đến một nửa số trẻ sơ sinh chào đời được bú sữa mẹ trong giờ đầu tiên sau sinh. Điều này khiến trẻ dễ bị bệnh tật và tử vong hơn. Chỉ có 44% trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, thấp hơn so với mục tiêu của WHO đưa ra.