Trong cái nắng đầu tháng 5, chúng tôi tìm về cơ sở làm tranh của anh Trương Tấn Thọ (SN 1978) ở xã Cẩm Thanh (TP Hội An, Quảng Nam). Người đàn ông có dáng người nhỏ nhắn, miệt mài với công đoạn xịt nước trên tấm khung để sẵn, các nét hoa văn dần hiện ra trên bức tranh giấy dừa.

Vừa làm anh vừa nói “để có được bức tranh đẹp, yêu cầu người làm phải vặn mức nước vừa đủ, từ đó nét hoa văn mới in hằn trên bức tranh…”.

Bán nhà TP.HCM về quê lập nghiệp

Sinh ra lại huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), năm 20 tuổi, anh Thọ vào TP.HCM lập nghiệp, trải qua nhiều nghề như quảng cáo, mỹ thuật, in ấn đến hoa lưu niệm, anh quyết định bỏ hết tất cả về quê phát triển tranh từ giấy dừa.

Bẹ dừa được nấu lên và làm sạch phần nhựa và mủ

“Lúc đó vào năm 2015, tôi thấy mình nên về quê làm một điều gì đó với những thứ có sẵn ở quê nhà. Nhìn thấy dừa nước rất nhiều ở Hội An, cộng muốn làm cộng việc góp phần vào hệ sinh thái chung nơi đây, tôi cùng với 2 cộng sự nữa đã tạo ra những bức tranh với nguồn gốc từ bẹ dừa”, anh Thọ chia sẻ.

Để có thành công như hôm nay, anh cũng gặp không ít trở ngại. Anh kể, khi bán căn nhà ở TP.HCM được gần 1,5 tỷ đồng, cộng với vốn tích góp được, vay mượn bạn bè để có 2 tỷ đồng khởi nghiệp. Xui thế nào khi nhiều lần thuê nhà, chuẩn bị khai trương đi vào hoạt động thì chủ nhà bán đất, thế là anh phải khăn gói thuê chỗ khác.

Công đoạn rưới bột lên khung, đắp decal và xịt nước

Anh tính “với 4 nhân công, tiền mua đồ dùng sản xuất, mua nguyên liệu, cộng với việc không tìm được đầu ra, tôi mất trắng 2 tỷ đồng trong vòng 2 năm”.

Hai cộng sự của anh lúc đó tìm hướng đi mới. "Tôi vẫn theo đuổi đam mê và phát triển nghề này từ 2017 đến bây giờ".

Mỗi bức tranh hoàn thiện phải mất 7 ngày

“Công thức làm giấy từ nguyên liệu như tre, cây đay, dâu tằm, dừa nước… đều như nhau. Chúng ta chẻ nhỏ; nấu chín; làm sạch các phần nhựa, mủ cây; xay nhuyễn; đưa lên khuôn và phơi khô. Từ đó, chúng ta sẽ có những tờ giấy bình thường.

Sau khi xịt bằng áp lực nước, bức tranh sẽ hiện trên khung, sau đó phơi nắng đợi thành phẩm

Điều quan trọng nhất ở đây là bước lên khuôn, lúc bẹ dừa được xay nhuyễn và đưa lên khuôn, chúng ta tận dụng giai đoạn này để tạo những hình vẽ thành các bức tranh khác nhau”, anh Thọ giải thích.

Để cho chúng tôi hiểu hơn, anh thị phạm trên một khung lưới, vớt một lớp bột dừa đã xay nhuyễn quét đều trên khung. Tiếp theo, anh dùng hình hoa sen in trên decal đặt lên lớp bột dừa, dùng bơm nước vặn độ mạnh nhẹ khác nhau xịt trên tấm decal và xung quanh viền.

Đến khi cảm nhận được nét hằn vừa đủ trên khung, anh tháo tấm decal, một hình ảnh hoa sen được hiện ra trên khung với tấm bột, chỉnh sửa lại bằng cách giảm nhẹ độ mạnh của vòi xịt nước và hoàn thành bức tranh. Công đoạn tiếp theo là phơi khô, vào khung và lên đèn…

Công đoạn bắt đèn vào khung

Với anh Thọ, khó khăn trong các công đoạn này là việc dùng áp lực nước như thế nào. Áp lực nước rất quan trọng, quá mạnh hình ảnh sẽ mất đi nhưng quá yếu thì hình ảnh không hiện trên khung được.

Cùng với đó là việc làm sạch phần nhựa và mủ của cây, đây là công đoạn cần nhiều thời gian để cho lớp bột thật sự sạch, càng để lâu, lọc càng nhiều, sản phẩm càng đẹp và độ bền cao. Mỗi bức tranh như vậy, thời gian từ việc nấu bẹ dừa đến hoàn thành mất hơn 1 tuần.

Thu nhập 100 triệu/ tháng

Anh kể, từ năm 2017 trở về trước, ít người chuộng tranh này. Cũng trong thời gian này, một vị đại gia ở miền Bắc vào đến cơ sở của anh đặt vấn đề trang trí bằng tranh dừa nước cho căn nhà để tiếp khách.

Cách thứ 2 sẽ dán decal lên một khung khác, sau đó ghép vào khung bột dừa để tạo hình

“Từ đó, rất nhiều người đến đặt hàng tôi làm những bức tranh này. Trước dịch, mỗi tháng tôi bán được 30-40 bức lớn nhỏ đủ cả, giá của mỗi bức trung bình từ 4-8 triệu, nhưng có những bức đặc biệt, nhiều chi tiết khó, khổ lớn có thể lên đến hàng chục triệu đồng”, anh Thọ chia sẻ.

Do ảnh hưởng của dịch, anh Thọ hàng tháng bán khoảng 10-15 bức tranh, doanh thu của anh hơn 100 triệu/tháng, lợi nhuận thu được tầm 20 triệu đồng. Hiện anh có thuê 7 nhân công để thực hiện các công đoạn cho ra sản phẩm.

Các sản phẩm của anh Thọ khi được hoàn thành

Các bức tranh của anh chế tác là những đơn đặt hàng của khách từ các khách sạn, nhà hàng hoặc gia đình, nội dung chủ yếu xoay quanh hoa sen, đức Phật, chim hạc…

Bên cạnh làm tranh từ giấy dừa nước, anh Thọ còn sản xuất giấy gói cho các mặt hàng socola, trà…

Một số sản phẩm có kích thước hình tròn

Nói về tương lai, anh Thọ bộc bạch: “Tôi sẽ tiếp tục duy trì làm tranh bằng giấy dừa, sau nữa sẽ triển khai một loại giấy cao cấp hơn để phục vụ trong việc vẽ và sản xuất giấy gói.

Điều quan trọng ở đây là giá trị của sản phẩm, mình phải giữ được uy tín, giấy cần chất lượng và tác phẩm giao cho khách phải hoàn chỉnh thì lúc đó bức tranh mới thực sự có ý nghĩa”.

Công Sáng