
Ngày 10/4, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) thông tin, bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu trường hợp nam (32 tuổi), tham gia giải chạy marathon cự ly 42 km, sau đó xuất hiện tình trạng co giật và hôn mê.
Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện tuyến dưới và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực khu D (Bệnh viện Chợ Rẫy) và được các bác sĩ điều trị tích cực bằng thở máy, lọc máu và hỗ trợ chức năng. Hiện tại, bệnh nhân đã có dấu hiệu cải thiện, được rút ống nội khí quản, tự thở khí trời, các chỉ số sinh hiệu ổn định. Tuy nhiên, người đàn ông này vẫn còn suy gan và suy thận nên tiếp tục lọc máu và điều trị hỗ trợ chức năng gan.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Đoan Thục, Phó khoa Hồi sức tích cực khu D (Bệnh viện Chợ Rẫy), chạy bộ là môn thể thao được nhiều người yêu thích, mang lại nhiều lợi ích như cải thiện tim mạch, kiểm soát đường huyết, cân nặng và giảm căng thẳng.
Tuy nhiên, bác sĩ Thục cho biết, người dân không nên chủ quan khi tham gia môn thể thao này. Ngoài chấn thương xương khớp, chạy bộ quá sức, nhất là người chưa từng tập luyện hoặc có bệnh lý tiềm ẩn về tim mạch, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như rối loạn điện giải, hủy cơ, thậm chí đột quỵ tim, não.
Trước đó, ngày 6/4, Bệnh viện Trung ương Huế cũng tiếp nhận 4 bệnh nhân nhập viện khi chạy marathon và một bệnh nhân nữ đã tử vong.
Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh – Thành viên Hội Bệnh lý mạch máu Việt Nam cho biết, nếu muốn tham gia chạy bộ, người dân cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là tim mạch, các nguy cơ trước khi tham gia những hoạt động thể thao cường độ cao, kéo dài.
Khi tham gia bất cứ môn thể thao nào, mỗi người cần biết lượng sức của mình, hiểu rõ tình trạng sức khỏe hiện tại qua kiểm tra y tế, lắng nghe tín hiệu cơ thể, đặt mục tiêu hợp lý, không cố chạy marathon ngay – hãy bắt đầu từ 1-2km và tăng dần.
Bác sĩ Mạnh khuyến cáo khi tập luyện thể thao cần nắm rõ 3 nguyên tắc:
- Lắng nghe cơ thể.
- Tăng dần cường độ.
- Kiểm tra sức khỏe tim mạch, đặc biệt trước các cuộc thi cường độ cao.

