Hành trình 1 tháng dọc miền Trung
10h đêm 29/10, anh Nguyễn Quân Dũng (SN 1984, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cùng anh Nguyễn Văn Hương (SN 1995), người bạn đồng hành, vẫn trên chiếc xe tải di chuyển từ tỉnh Quảng Ngãi sang Quảng Nam.
Họ vừa kết thúc một ngày tặng tiền, hỗ trợ cho người dân ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) và ngày 30/10, họ bắt đầu hỗ trợ vùng sạt lở của tỉnh Quảng Nam.
Anh Dũng cứu trợ tại vùng lũ. |
“Hai anh em chưa ăn gì. Giờ này, các quán hàng đều đã hết cơm. Bữa ăn gần nhất của chúng tôi là vào trưa nay, với 2 chiếc bánh mì”, anh Dũng nói.
Hành trình cứu trợ người dân các tỉnh vùng lũ của anh Dũng bắt đầu cách đây gần 1 tháng. 6h tối hôm đó, thấy mạng xã hội phát đi những thông điệp kêu cứu từ miền Trung, anh Dũng kêu gọi quyên góp 300 thùng mì. Anh sẽ trực tiếp mang vào vùng lũ để cứu đói cho bà con.
1h sau thời điểm kêu gọi, số mì trên vẫn chưa đủ nhưng anh Dũng cùng 2 người em nữa vẫn quyết định mượn chiếc xe tải của họ hàng và lên đường ngay trong đêm.
Họ trải tấm nệm cũ làm giường ngay trên xe tải. |
Hành trang của anh là 3 bộ quần áo xếp vội và hơn 100 thùng mì tôm sau chiếc xe tải.
Trong suốt những tuần sau đó, số lương thực, thực phẩm các mạnh thường quân nhờ anh gửi đến vùng lũ ngày càng tăng lên. Người đàn ông sinh năm 1984 đã trao 300 thùng lương khô, 30 tấn gạo, 15 nghìn thùng mì tôm… đến vùng lũ.
‘Thời điểm ban đầu, người dân cần được cứu đói nên chúng tôi hỗ trợ về lương thực. Nhưng hiện một số vùng lũ rút, chúng tôi chuyển sang hỗ trợ tiền mặt. Bà con cần tiền để sửa mái nhà, mua lại cái bát, nồi, đôi đũa… bị lũ cuốn trôi.
Hiện, tôi đã huy động được trên 2 tỷ đồng. Với gia đình quá khó khăn, số tiền hỗ trợ sẽ là 10 triệu; gia đình ít thiệt hại hơn số tiền sẽ dưới 10 triệu’, anh Dũng nói.
Bà cụ ngoài tuổi 80 bị cô lập suốt 3 ngày tại Quảng Bình. |
“Nhìn bà con vùng lũ chỉ muốn rơi nước mắt’, anh nói về những người dân đã được anh hỗ trợ.
Đó là trường hợp một bà cụ khoảng 85 tuổi bị cô lập tại Quảng Bình. Suốt 3 ngày, bà nhịn đói. Nơi bà ở thuyền không thể vào, anh Dũng ôm 2 thùng mì bơi vào sau khi nhận được thông tin từ người dân.
“Vào trong nhà, tôi thấy bà cụ đang ngồi trên một tấm gỗ bắc trên nóc nhà. Trên tay bà ôm một con chó nhỏ. Nhận thùng mì từ tay tôi, bà khóc. Tôi cũng khóc”, anh nói.
Gia đình nhận mì tôm sau nhiều ngày bị cô lập. |
Anh cũng cứu trợ cho 1 gia đình khác gồm 5 người ở tỉnh này suốt 4 ngày bị đói vì lũ cô lập.
Gia đình rất khó khăn, người vợ bị suy thận. Khi đó, nước đã rút nhưng gia đình họ bị trôi hết đồ đạc, cũng không có tiền để mua đồ ăn.
“5 người ngồi trên giường nhận thùng mì, bẻ ra ăn sống. Nhà không còn gì, tôi lại hỗ trợ họ thêm 1 triệu đồng. Còn có những cụ già, phải thả dây thừng xuống để chúng tôi buộc lương khô, kéo lên. Những cảnh đó khiến tôi ám ảnh”, anh kể.
'Chúng tôi sẽ đi cho đến ngày lũ rút'
Đoàn của anh Dũng gồm 3 người nhưng một người em sức khỏe kém đã phải về nhà, không thể tiếp tục hành trình. Anh Dũng và anh Hương thay nhau lái xe tải chạy dọc vùng lũ.
Được người dân cho một tấm nệm cũ, họ trải lên thùng xe tải để làm chỗ ngả lưng. Đêm xuống, khi không thể chạy xe, họ tranh thủ tạt vào các cây xăng, chợp mắt. 5h sáng, họ dậy đánh răng, rửa mặt và tiếp tục lên đường.
Dọc đường đi, người lái xe, người còn lại gọi điện cho bạn bè ở vùng lũ nhờ mua hàng hóa và khảo sát địa điểm cần cứu trợ.
“Nhờ vậy, đến điểm đó, chúng tôi bốc hàng và đi luôn, tiết kiệm thời gian. Thật may, biết chúng tôi đi hỗ trợ bà con, rất nhiều người đã ủng hộ”, anh nói.
Anh nhớ bữa cơm ở Đồng Hới, Quảng Bình. Vừa ăn xong, chuẩn bị lên đường, người chủ quán vội đưa cho anh Dũng một triệu đồng. Qua mạng xã hội, họ biết anh đang đi hỗ trợ các vùng lũ nên muốn nhờ anh chuyển tới tay người dân.
Anh cũng nhận được những túi hoa quả, chai nước lọc, cân giò lụa… do bà con dúi vào tay để ăn trên đường đi.
Trên đường đi, anh Dũng cũng gặp không ít sự cố. Chuyến cứu trợ đầu tiên tại huyện Phong Nha (Quảng Bình), anh cùng 6 người trên chiếc thuyền chở 700 thùng mì cho người dân.
Đó là một điểm bị cô lập, thuyền phải đi hơn 2h đồng hồ mới vào đến nơi. Gặp dòng nước xoáy, tưởng thuyền lật nhưng thật may mắn, họ thoát chết.
Người dân được nhận tiền để sửa chữa nhà và tái sản xuất. |
Lần thứ 2 cứu trợ tại Lệ Thủy, Quảng Bình, lúc thuê thuyền đưa 20 người dân lên vùng cao tránh lũ, anh bị rơi mất chiếc điện thoại.
“Nhưng sợ nhất là xe hỏng, phải dừng sửa mất thời gian. Vì vậy ngày 28/10, gặp người tài xế cũng đi cứu trợ vùng lũ bị tai nạn trên quốc lộ 1 (địa phận Quảng Bình), tôi chẳng nghĩ gì nhiều, bế anh ấy đến thẳng bệnh viện.
Tài xế là Lê Văn Nam (32 tuổi) bị văng khỏi xe, đầu và người va đập vào dải phân cách, mất nhiều máu. Biết anh trên đường đi cứu trợ vùng lũ về và đã hết sạch tiền, tôi hỗ trợ anh 5 triệu đồng”.
Anh Dũng chia sẻ, anh là một nông dân, kiếm sống trên 5 sào ruộng. Thỉnh thoảng, anh làm thêm chụp ảnh đám cưới, sự kiện. Vợ anh chăn thêm gà, vịt để phụ chồng nuôi 4 người con (3 trai, 1 gái).
“Ngày trước, nhà tôi cũng nghèo lắm. Giờ, ngồi bên bữa cơm đầy đủ hơn, nhìn thấy ti vi phát hình ảnh những người nghèo, tôi thương đến thắt lòng. Nên 15 năm nay, tôi luôn tìm cách hỗ trợ những người có hoàn cảnh như mình trước đây”.
Gần 1 tháng xa nhà, thường xuyên phải ăn bánh mì, lương khô… anh Dũng bị giảm 5kg. “Giờ chỉ thèm nhất một bữa cơm nóng ở nhà”, anh chia sẻ.
Người Đà Nẵng tất bật đón tiếp, nấu cơm cho hàng trăm bà con trú bão
Nhiều nhà riêng, nhà nghỉ, khách sạn… ở Đà Nẵng đã trở thành chốn ăn, ở miễn phí cho người dân trong cơn bão số 9.
Ngọc Trang