Người đàn ông 26 năm làm nghề bốc mộ và những lần giật bắn mình khi lật nắp áo quan
Gần 30 năm làm công việc bốc mộ, không ít lần ông Đạt gặp phải những cảnh tượng kinh hoàng
Gần 30 năm làm công việc bốc mộ, không ít lần ông Đạt gặp phải những cảnh tượng kinh hoàng, nhưng ông vẫn hoàn thành công việc vì trách nhiệm với gia chủ và người đã khuất.
Clip ông Hoàng Văn Đạt chia sẻ về nghề bốc mộ mà ông làm suốt 26 năm.
Rùng mình khi bật nắp áo quan
Tính đến nay ông Hoàng Văn Đạt (50 tuổi, ở khu 2, xã Động Lâm, Hạ Hòa, Phú Thọ) đã có thâm niên 26 năm làm nghề bốc mộ. Gọi là nghề nhưng với ông Đạt đây chỉ là công việc “đến hẹn lại lên” và chỉ nhộn nhịp vào những tháng cuối năm.
Ông Đạt chia sẻ, bốc mộ không giống như bất kể công việc nào khác, muốn làm được nghề này cần có trí nhớ tốt để không xếp nhầm xương. Ngoài ra, khi làm phải rất tỷ mỉ, khéo léo, tâm lý vững vàng và cũng cần có cái duyên.
Ông Đạt đến với nghề như một cái duyên.
“Tôi đến với nghề này cũng là một cái duyên. Đó là một ngày cuối năm 1992, khi tôi đi xem một ông bác sĩ bốc mộ cho người thân. Khi đó tôi còn chưa đầy 30 tuổi, thấy tôi còn trẻ mà không hề sợ hãi, ông bác sĩ đó gọi tôi phụ rồi hướng dẫn tôi tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Kể từ đó, tôi bắt đầu bén duyên với công việc này”, ông Đạt vừa nói, vừa nhìn ra phía xa xăm như để nhớ về “người thầy” của mình.
Ông Đạt nhìn xa xăm nhớ về người thầy của mình.
Kể từ đó đến nay đã 26 năm, ông Đạt không còn nhớ chính xác mình đã bốc được bao nhiêu cái mộ, chỉ biết rằng con số chắc chắn đã lên đến hàng trăm. Trong số những ngôi mộ ông Đạt từng bốc, cũng không ít lần bản thân ông cũng phải rùng mình sau khi bật nắp áo quan, nhưng đó là công việc, một khi đã nhận là ông phải hoàn thành.
“Trước khi nhận việc, mình không thể biết dưới nấm mồ đó sẽ như thế nào, có người sạch, có người còn đọng lại… Dù có như thế nào đi chăng nữa, một khi tôi đã nhận, tôi sẽ hoàn thành công việc của mình. Đó không chỉ là trách nhiệm của bản thân mà còn vì trách nhiệm với gia chủ, với người đã khuất”, ông Đạt trầm giọng nói.
Ông Đạt kể lại những lần bật nắp áo quan khiến ông rùng mình.
Lục tìm trong trí nhớ của mình, ông Đạt kể cho chúng tôi nghe về những ca khó nhằn nhất trong “sự nghiệp” của mình. Đó là khi gặp những người quá cố vẫn còn nguyên thịt ở cánh tay, ở bắp đùi… Thậm chí có lần ông và những đồng nghiệp của mình còn bắt được cả cá ở những ngôi mộ an táng nơi gần bờ nước.
Gặp những trường hợp như vậy, ai làm nghề cũng có chút rùng mình. Nhưng không thể lấp lại ngôi mộ khi đã đào lên, lúc đó ông Đạt phải dùng dụng cụ để làm sạch xương, sau đó tắm rửa sạch sẽ cho người đã khuất, làm sao cho họ mát mẻ nhất có thể.
Dù khó khăn nhưng ông vẫn cố gắng làm sao cho sạch sẽ nhất.
Dù là làm phúc, nhưng sẽ không truyền nghề
Người bình thường khi nghe thấy nghề bốc mộ, chắc hẳn ai cũng rùng mình, thậm chí có người còn thêu dệt nên những giấc mơ kỳ lạ. Nhưng với ông Đạt, dù đã 26 năm làm nghề này, ông chưa lúc nào thấy ám ảnh hay gặp phải ác mộng gì.
“Tôi cho rằng làm nghề này là làm phúc, mình biết làm thì giúp người dân, người làng, chứ có phải ăn trộm, ăp cắp gì đâu mà ám ảnh”, ông Đạt nói. Theo ông Đạt, khi làm công việc này, có những gia đình có hỗ trợ ông kinh phí, nhưng nhiều lúc làm xong việc, về ăn bữa cơm cùng gia chủ là ông đã cảm thấy ấm lòng.
Ông Đạt cho biết ông làm công việc này là làm phúc nên không có gì ám ảnh.
Ngồi rít điếu thuốc lào thật sâu, nhấp chén nước chè đặc, ông Đạt nói: “Cái mất lớn nhất khi làm công việc này đó chính là sức khỏe”. Ông Đạt cho biết, dù mỗi khi đi bốc mộ, ông đều trang bị từ ủng chân, gang tay, kính mắt và mũ bịt tai… nhưng vẫn không tránh khỏi khí độc tích tụ lâu ngày ở trong ngôi mộ bốc lên và ám vào người.
“Thời gian gần đây, vợ con và những người thân trong đình tôi cũng khuyên tôi nên từ bỏ công việc này vì thấy sức khỏe tôi giảm sút, người gầy rộc đi. Nhưng vì cái tình, cái nghĩa và họ tin tưởng đến nhờ mình, mình không làm thì lương tâm áy náy lắm”, ông Đạt bộc bạch.
Dù bốc hàng trăm ngôi mộ, nhưng ông sẽ không truyền lại nghề.
Cũng chính vì lý do độc hại, nên ông Đạt chưa bao giờ có ý định truyền nghề cho ai, dù không ít người ngỏ lời muốn nhận ông làm “sư phụ”. Ông cho rằng, xã hội hiện nay đã khác xưa, mọi người có nhiều lựa chọn cho người quá cố, ví dụ như đưa đi hỏa táng.
“Hỏa táng vừa văn minh, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc… tôi khuyên người dân không nên hung táng, mà nên hỏa táng cho những người quá cố”, ông Đạt đưa ra lời khuyên.
Theo Khám phá
-
07/12/2022
Gửi bài tâm sự
- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.