Khoảng 2 năm đồng hành “thắp sáng vùng cao” tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), ông Minowa Yuya, Tổng giám đốc Công ty TNHH Niinuma Việt Nam nhận thấy, việc đầu tư vào hệ thống điện của địa phương còn rất hạn chế. 

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi này đang trong tình trạng thiếu điện, khó phát triển kinh tế - xã hội nên vẫn còn khá nghèo. 

W-Tong Giam doc Niinuma.jpg
Ông Minowa Yuya, Tổng giám đốc Công ty TNHH Niinuma Việt Nam. Ảnh: Bình Minh

“Nếu mở rộng đường dây truyền tải cũng sẽ chưa thể giải quyết dứt điểm ngay vấn đề thiếu hụt điện năng, chưa kể chi phí bảo trì hệ thống đường dây rất lớn. Theo tôi, việc đầu tư vào hệ thống điện mặt trời là điều thiết yếu. Một phần ngân sách dành cho truyền tải điện nên được chuyển sang đầu tư vào năng lượng mặt trời”, ông Minowa Yuya nhấn mạnh quan điểm cá nhân khi trả lời phỏng vấn Báo VietNamNet.

Trong khuôn khổ dự án do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ bằng vốn viện trợ không hoàn lại với tổng vốn trên 100 triệu yên (tương đương 17,7 tỷ đồng), 300 bộ thiết bị điện năng lượng mặt trời của Niinuma đã được lắp đặt cho các hộ gia đình ở các bản Háng Á (xã Hồ Bốn), Dào Cu Nha, Trống Khua (xã Lao Chải), Nả Háng (xã Chế Tạo). 

Hệ thống điện năng lượng mặt trời mang lại tác động lớn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, thu hẹp dần khoảng cách giữa người dân vùng cao và cư dân đô thị. 

Việc có thể sử dụng ánh sáng giúp thúc đẩy giao lưu cộng đồng vào buổi tối. Những hoạt động như trò chuyện cùng gia đình, thêu thùa, nấu ăn hay học tập khiến cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số ở huyện nghèo miền núi trở nên ý nghĩa hơn. Trật tự trị an được đảm bảo hơn. Ngoài ra, người dân cũng có thể tiếp cận nhiều thông tin hơn thông qua ti vi, radio, có thêm điều kiện học ngoại ngữ.

Khao sat thuc te.jpg
Mù Cang Chải đang trong tình trạng thiếu điện, khó phát triển kinh tế - xã hội nên vẫn còn khá nghèo.

Địa bàn doanh nghiệp Nhật Bản triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời có rất nhiều thôn, bản nhỏ. Đi từ trung tâm của Mù Cang Chải đến bản xa nhất phải mất tầm 4 tiếng. Cả đi cả về mất tới 8 tiếng.

“Khi đi khảo sát thực tế, tôi thấy rất nhiều người dân Mù Cang Chải muốn có tủ lạnh để tích trữ thịt cá, thức ăn… Hiện lượng điện tích trữ trong bộ tích điện của chúng tôi chưa đủ để chạy những thiết bị công suất điện lớn như tủ lạnh. Đây là nhu cầu cần thiết, cần sớm có hướng giải quyết cho họ. Chúng tôi mong nhiều công ty, tổ chức khác cùng chung tay phát triển hệ thống điện giúp cuộc sống ở Mù Cang Chải phát triển hơn nữa trong thời gian tới”, Tổng Giám đốc Niinuma Việt Nam nói.

Khảo sát các hộ gia đình ở Mù Cang Chải cho thấy, trên 90% số hộ hài lòng với việc sử dụng thiết bị điện năng lượng mặt trời của dự án Niinuma. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ chưa hài lòng do công suất của hệ thống điện năng lượng mặt trời này hơi nhỏ (chỉ đạt 500W), muốn nâng công suất của bộ tích điện lên trên 800W.

Về các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên thế giới, ông Minowa Yuya lưu ý xu hướng chính hiện nay là sử dụng năng lượng tái tạo. Các phương pháp phổ biến bao gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện, địa nhiệt và điện sinh khối.

Xét về chi phí, thủy điện quy mô nhỏ có thể dễ triển khai nhất. Tuy nhiên, hệ thống này dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và nguồn điện cũng không ổn định.

Điện địa nhiệt và điện sinh khối sẽ có tiềm năng phát triển trong tương lai tại Việt Nam, quốc gia có nhiều suối nước nóng.

Trong số các giải pháp hiện nay, điện mặt trời là công nghệ có tính ổn định cao nhất, chi phí triển khai không quá đắt đỏ và được xem là phương án cung cấp điện khả thi nhất. Riêng về chiếu sáng, đèn năng lượng mặt trời đang ngày càng được sử dụng rộng rãi.