- Cuộc sống người dân đảo lộn hoàn toàn vì thiếu nước ngọt, trên đồng lúa chết hàng loạt, cây ăn trái, hoa màu héo khô là những gì đang diễn ra tại các tỉnh miền Tây.

Hạn, mặn kỷ lục 100 năm qua

Ngày 23/2, Long An và Sóc Trăng là 2 tỉnh mới nhất ở miền Tây công bố thiên tai hạn, mặn. Trước đó, các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre đã công bố tình trạng tương tự.

{keywords}

{keywords}

Đồng ruộng ở miền Tây khô hạn do ảnh hưởng của tình trạng hạn, mặn.

Tại Long An, đã có gần 4.000ha diện tích lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn, mặn;  ngoài ra khoảng hơn 10.000 ha bị thiếu nước. Kết quả đo trên sông Vàm Cỏ Đông cho thấy độ mặn 4g/l đã xâm nhập sâu hơn 72km, sông Vàm Cỏ Tây đã vượt sâu hơn 78km.

Tại Sóc Trăng, đã có 6/11 huyện, thị xã của tỉnh bị mặn xâm nhập, độ mặn cao nhất hơn 10‰. Hơn 10.000 ha lúa của tỉnh đã bị ảnh hưởng hạn, mặn trong đó có hơn 900ha bị mất trắng, thiệt hại gần 39 tỷ đồng.

{keywords}

{keywords}

Những nền ruộng khô khan, nứt nẻ và lúa chết hàng loạt.

Tại Bến Tre, độ mặn 4% đã xâm nhập sâu vào đất liền cách các cửa sông khoảng 40-50km, ranh mặn 1‰ đã xâm nhập sâu cách cửa sông khoảng 75km, bao trùm phạm vi toàn tỉnh. Hạn, mặn đã làm thiệt hại trên 10.000ha lúa và nhiều vườn cây ăn trái, rau màu.

Tại Hậu Giang, hạn, mặn xâm nhập sâu và sớm hơn năm trước làm khoảng 400ha diện tích lúa bị mất trắng. Vĩnh Long là tỉnh từ trước đến nay gần như không bị tấn công nhưng mới đây, mặn đã xuất hiện ở huyện Trà Ôn và Vũng Liêm.

{keywords}

Người dân ở tỉnh Sóc Trăng tranh thủ bơm số nước ngọt ít ỏi còn sót lại trên kênh để tưới cho rau màu.

{keywords}

Nông dân xót xa nhìn ruộng lúa khô hạn, lo lắng, tìm mọi cách cứu vãn tình hình.

Nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Tây năm nay đến sớm và sâu trên diện rộng, có thể kéo dài đến hết mùa khô. Tình hình này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân và gây thiệt hại cho lúa, hoa màu, cây ăn trái.

“Từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc liên tục vận hành các đập thủy điện đã làm dòng chảy thay đổi, ảnh hưởng đến hạ lưu, làm mặn xâm nhập sớm, sâu hơn trên diện rộng của hệ thống sông, kênh rạch. Ngoài ra, trong năm 2015, mùa mưa đến trễ nhưng kết thúc sớm khiến tổng lượng mưa bị thiếu hụt nhiều” - ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam nhận định.

Cũng theo ông Hoằng, từ cuối tháng 2 đến hết mùa khô nếu mưa xuất hiện chậm thì nguồn nước ngọt sẽ bị giảm nghiêm trọng và có thể không lấy được ở các cửa sông. Còn theo dự báo của các chuyên gia khí tượng, thủy văn, lượng mưa tại khu vực Nam Bộ có khả năng ở mức thấp và kết thúc sớm hơn nhiều năm trước. Điều này kết hợp với triều cường đang giảm dần dẫn đến tình trạng khô hạn sẽ kéo dài và thiếu nước xảy ra nghiêm trọng hơn.

Cuộc sống đảo lộn vì thiếu nước

Những ngày này, đi đến đâu ở các tỉnh miền Tây cũng nghe người dân than vãn về tình trạng hạn, mặn làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày.

Ông Hai Hùng (ở TX Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) vừa cắt mớ lúa non cho bò ăn vừa nói: cả tháng nay không ăn ngủ được vì phải nghĩ cách cứu lúa nhưng đến nay thì 5 công lúa của ông đã chết gần hết.

{keywords}

Đo độ mặn ở tỉnh Hậu Giang.

“Bữa trước tôi còn mua dầu về dùng máy bơm nước dưới kênh lên cứu lúa nhưng nước dưới đó mặn chát, bơm vô làm lúa chết, tốn tiền, tốn công nên thôi. Giờ lúa chết hết, không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ phân bón, thuốc trừ sâu” – lão nông buồn rầu nói.

Đứng nhìn ruộng lúa đang vào giai đoạn trổ bông bị mặn xâm nhập gây cháy rễ, chết khô, chị Phạm Minh Thư (ngụ ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) không khỏi xót xa. “Vụ này gia đình tôi gia đình sạ 4 công lúa. Khi lúa được gần 70 ngày, đang trổ bông ngon lành thì nước mặn xâm nhập, chết gần hết. Giờ chỉ còn biết để lúa đó cho bò ăn thôi. Bỏ tiền triệu, công sức ra với hy vọng làm có dư chút đỉnh lo con cái đi học nhưng giờ mất trắng” - chị Thư nói.

{keywords}

Chị Phạm Minh Thư ở tỉnh Trà Vinh xót xa bên 4 công lúa bị chết khô.

Hiện nay, một số nơi ở miền Tây nước ngọt đang cực kỳ khan hiếm, người dân phải mua nước bình loại 20 lít với giá 10.000-15.000 đồng để sử dụng. Một số gia đình khác thì chấp nhận mua nước ít nhiễm mặn với giá “cắt cổ” từ 30.000-100.000 đồng/m3 để sử dụng.

{keywords}

Người dân phải mua nước ngọt với giá rất cao để sử dụng trong sinh hoạt.

“Trước còn xuống sông tắm được nhưng giờ thì thua, nước đã mặn chát, muốn tắm phải ra ao nước sau nhà mới có ít nước ngọt. Chuyện ăn uống của 5 người trong nhà tôi đều mua nước bình. Chưa đầy 2 ngày là hết bình nước, tiết kiệm lắm thì được 3 ngày. Mỗi tháng phải chi hàng trăm ngàn đồng để mua nước ngọt. Sống ở vùng sông nước mà không dám xài nước thì trớ trêu quá” - bà Hai (ngụ huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết.

Theo ghi nhận của PV, lượng nước mưa mà người dân của vùng này dự trữ trong các lu, hồ chứa bằng xi măng đã không còn nhiều, mọi người phải tiết kiệm, dè sẻn từng ca nước ngọt. Người dân của vùng này nhận định tình hình hạn, mặn sẽ còn kéo dài và cuộc sống của họ vẫn còn khốn đốn.

Hoài Thanh