Tại lễ phát động chiến dịch Vệ sinh tay của BV K ngày 1/10, GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, tăng tỉ lệ tử vong và di chứng, kéo dài thời gian nằm viện đến 24 ngày, làm tăng chi phí điều trị (trung bình từ 2- 32,3 triệu đồng).
Theo thống kê của WHO, tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7%-19,1%.
Tại Việt Nam, khảo sát năm 2013 tại Khoa Hồi sức tích cực của 15 bệnh viện khắp cả nước cho thấy, tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%, tỉ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và bệnh viện dao động từ 60,5 - 99,5%.
Vệ sinh tay được ví là liều vắc xin tự chế đơn giản để giảm khả năng lây truyền vi khuẩn |
Tại BV K, do đặc thù người bệnh ung thư được điều trị hoá trị, xạ trị gây suy giảm miễn dịch nên nếu không kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện tốt, người bệnh có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, kháng thuốc, nhiễm thêm nhiều bệnh mới rất cao.
Theo GS Thuấn, nhiễm khuẩn bệnh viện hoàn toàn có thể ngăn ngừa được, trong đó rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, đặc biệt là sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc.
“WHO cho biết, vệ sinh tay được coi là liều vắc xin tự chế đơn giản, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người. Chỉ một động tác vệ sinh tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới”, GS Thuấn cho biết.
Nhờ phát động chiến dịch vệ sinh tay, tỉ lệ tuân thủ vệ sinh tay ở BV K tăng nhanh từng năm, từ 62% năm 2017 lên 79% năm 2018 và hiện đạt 85%.
Để tiếp tục nâng cao ý thức vệ sinh tay, BV đã tổ chức ký cam kết thực hiện vệ sinh tay đúng quy định giữa Ban Giám đốc, Công đoàn với lãnh đạo và nhân viên các khoa, phòng. Mục tiêu giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện, 90% nhân viên y tế, người bệnh, người nhà tuân thủ rửa tay.
Năm 2019, kết quả khảo sát tự đánh giá của Cục Quản lý Khám chữa bệnh tại 558 bệnh viện cho thấy, gần 54% khoa Gây mê hồi sức có dụng cụ không được khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung; 31,2% đơn vị không có giám sát vi sinh không khí và môi trường…
Trong khi đó, tại khoa Hồi sức tích cực 56,1% dụng cụ không được xử lý tập trung tại khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; 21% đơn vị không có giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện và vẫn còn khoảng 22,6% nhân viên vệ sinh chưa được đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn...
Thúy Hạnh
VN xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả kháng sinh do dùng thuốc tuỳ tiện
- Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng toàn bộ kháng sinh kể cả loại mạnh nhất, bệnh nhân chỉ còn cách để cơ thể tự chống đỡ.