Nổi tiếng
Giữa khu đất giá đắt như giá kim cương, chung cư 42 Nguyễn Huệ (Quận 1, TP.HCM) cũ kỹ nhưng lấp lánh sắc màu. Về đêm, khu chung cư trông như một khối rubik bởi ánh đèn quảng cáo của những hàng quán bên trong.
Khu chung cư này được xây dựng vào đầu những năm 1960. Khi hoàn thiện, chung cư trở thành dấu mốc lịch sử, đánh dấu sự chuyển mình của đại lộ Nguyễn Huệ.
Những năm trở lại đây, chung cư 42 Nguyễn Huệ bất ngờ nổi tiếng trên báo chí nước ngoài khi bức ảnh chụp khu chung cư này của nhiếp ảnh gia Samsara Tran được kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ là National Geographic đăng tải lên Fanpage.
Cùng với những cao ốc hiện đại, chung cư 42 Nguyễn Huệ trở thành biểu tượng của Quận 1, nơi thu hút vô số khách du lịch đến tham quan mỗi ngày. Hiện nay, cư dân cố cựu của chung cư hầu hết đã rời đi. Họ cho thuê lại các căn hộ của mình và biến chúng thành những hàng quán xinh đẹp, đậm chất Sài Gòn xưa.
Bà Nguyễn Thị Để (76 tuổi), cư dân cố cựu của chung cư cho biết, bà theo mẹ đến chung cư ở từ năm 1987. Trong ký ức của bà, khu chung cư ngày ấy khang trang, kiên cố với lớp "gạch sạch bóng đến có thể soi gương, tường dày cách âm gần như tuyệt đối"…
Bà kể: “Ngày xưa, mẹ tôi làm bồi bếp cho người Pháp nên được vào chung cư ở. Chủ ở dãy đằng trước, ngay mặt tiền đường Nguyễn Huệ. Mẹ tôi là bồi bếp nên ở dãy trong cùng.
Lúc đó, chung cư toàn ngoài người nước ngoài. Người Anh, Ấn, Pháp, Nhật… đủ cả. Sau giải phóng, nhà nước cấp căn hộ của chung cư này cho cán bộ, công nhân làm việc ở Cảng Ba Son, người có công với cách mạng”.
Tuy vậy, thời gian này, chung cư rất vắng người. Dù có đến 3 lô nhưng chung cư chỉ có vài chục căn hộ có người vào ở.
Lúc đó, bà Để tìm mỏi mắt mới thấy xa xa có một chiếc xe đạp cũ được gửi ở phía nhà để xe. Từ chung cư, bà có thể phóng tầm mắt nhìn ra sông Bạch Đằng còn hoang vắng chưa sầm uất như bây giờ.
Nuôi heo trên chung cư
Với chị Đào Thị Ngọc Châu (SN 1983), chung cư 42 Nguyễn Huệ là quê hương, chốn hoài niệm những chuỗi ngày tuổi thơ. Chị gắn bó với chung cư này từ nhỏ và nhớ như in cảnh người dân xách nước leo lầu, đi thang máy lồng sắt…
Chị kể: “Ba mẹ tôi ở chung cư này. Tôi sinh ra ở đây. Hồi xưa, chung cư đã có thang máy nhưng còn đơn giản lắm. Thang máy lúc ấy chỉ như cái lồng sắt. Khi đi, cư dân chui vào rồi máy kéo lên thôi.
Tuy vậy, đa số người dân đều chọn đi thang bộ vì thang máy xập xệ, không an toàn. Lúc đó, chung cư cũng chưa có nước máy. Để có nước dùng, người dân phải đi bộ xuống mặt đất xách nước lên.
“Sau này, mỗi nhà sắm một cái máy bơm của Pháp. Đến giờ lấy nước, nhà nhà đem máy bơm xuống mặt đất để bơm lên. Ai không có máy thì bơm nhờ nhà người khác. Thế nên giờ lấy nước là lúc chung cư rôm rả nhất”, chị Châu kể thêm.
Do thưa người ở, một số hộ dân của chung cư còn tận dụng hành lang, căn hộ trống làm chỗ nuôi heo. Những năm ấy, gia đình anh rể của chị Châu cũng nuôi heo trên chung cư. Ngày còn nhỏ, chị thường phụ giúp gia đình anh chị thái thịt, mỡ heo để bán.
Những năm ấy, giá một căn hộ trong chung cư rất rẻ. Tuy vậy, không mấy ai mặn mà đến mua. Ngay cả chị Châu cũng không nghĩ đến việc mua thêm căn hộ.
Đến bây giờ, giá bất động sản tại chung cư đã tăng lên đến cả tỉ đồng/m2. Tùy theo vị trí, các căn hộ cũng được cho thuê với giá từ 40-45 triệu đồng/tháng.
Giá cho thuê căn hộ cao ngất ngưởng nhưng chị Châu vẫn giữ mái nhà của mình bên trong chung cư cũ. Chị không bán, không cho thuê bởi không thể rời bỏ nơi đã gắn bó từ những ngày khó khăn nhất.
Chị chia sẻ: “Sau này, tôi mua được nhà khác, ra ngoài ở. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ căn hộ của mình ở chung cư. Lúc ba mất, tôi cũng thờ ông tại đây. Bây giờ, nhà này là nơi thờ tự chung của gia đình.
Dù ra ngoài sống nhưng mỗi khi có thời gian, tôi lại về chung cư. Tôi yêu nơi này vì đã gắn bó với nó từ những ngày còn nhỏ xíu. Về đây, tôi lại thấy được những tháng ngày tuổi thơ của mình”.