Triển lãm sẽ trưng bày và trình diễn các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho lực lượng hải quân, lục quân, phòng không-không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật.
Trong khuôn viên triển lãm, Ban tổ chức cũng bố trí khu vực không gian văn hóa, không gian ẩm thực, khu vực trưng bày “Kinh tế - quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số” để trưng bày các mốc son tiêu biểu của QĐND Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử gắn với phát triển kinh tế-xã hội; kết nối với triển lãm không gian mạng.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 mở cửa từ 9 giờ đến 18h hằng ngày, mở cửa miễn phí cho nhân dân từ 14h đến 18h ngày 9/12 và cả ngày 10/12.
Đặc biệt trong sáng nay, lễ khai mạc dự kiến Thủ tướng đến dự và tham quan triển lãm, lực lượng Không quân Việt Nam, đặc công QĐND Việt Nam biểu diễn chào mừng triển lãm.
Triển lãm là dịp đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần của vũ khí, đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang; tìm hiểu xu hướng phát triển trang bị kỹ thuật trên thế giới để đề xuất, lựa chọn mua sắm, sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị cho quân đội và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng.
Bộ Quốc phòng cũng hướng tới tổ chức Triển lãm định kỳ 2 năm/lần, trong đó có Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Gian trưng bày của nước chủ nhà Việt Nam sẽ tập trung vào những công nghệ, sản phẩm mang nghệ thuật phòng vệ và chiến tranh nhân dân. Đó là súng và đạn cho lục quân, pháo binh, không quân và hải quân; các sản phẩm hóa nổ, ngòi nổ, các loại khí tài quang học; tàu quân sự và tàu bổ trợ, các loại áo giáp, mô hình nghi binh nghi trang và các thiết bị hậu cần, hệ thống thông tin liên lạc, đài radar, hệ thống tác chiến điện tử.
Các công nghệ mới về hệ thống điều khiển, huấn luyện mô phỏng, thiết bị quang điện tử, thiết bị bay không người lái UAV; hệ thống tác chiến không gian mạng và công nghệ thông tin; vũ khí trang bị nghiệp vụ, công nghệ hỗ trợ, công nghệ tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy bằng nghiệp vụ hậu cần... cũng sẽ được trưng bày tại triển lãm.
Theo tin từ Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, DRDO (Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng), cơ quan nghiên cứu và phát triển của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, sẽ tham dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam. DRDO sẽ giới thiệu các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực hàng không, radar, sonar, tên lửa, hệ thống cảnh báo sớm và ngư lôi.
Các hệ thống sẵn sàng xuất khẩu mà DRDO sẽ trưng bày tại Gian hàng Ấn Độ trong sự kiện này gồm: Máy bay chiến đấu hạng nhẹ - Tejas Mk-1Trainer; Hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không - AEW&C; Hệ thống nhận dạng bạn hay thù (IFF); Tên lửa đất đối không tầm ngắn - Akash; Tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn - Astra....
Hãng thông tấn Sputnik dẫn thông cáo báo chí của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport thuộc Rostec cho biết, tập đoàn sẽ trưng bày ở Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 các máy bay không người lái Nga (UAV), bao gồm máy bay không người lái kamikaze (cảm tử) cũng như máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57E phiên bản xuất khẩu.
Ngoài ra Rosoboronexport cũng sẽ mang đến triển lãm xe bọc thép sẽ có các xe tăng T-90S và T-90MS; loại xe chiến đấu hỗ trợ xe tăng (BMPT) Terminator (Kẻ hủy diệt); hệ thống súng phun lửa hạng nặng TOS-1A; pháo tự hành đã được hiện đại hóa Msta-S; các tổ hợp chống tăng Khrizantem (Hoa cúc) và Cornet-EM.