Hôm 31/10, cán bộ địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp và các quản lý của ngân hàng đã có mặt tại chi nhánh chính của Ngân hàng Thương mại Nông thôn Y Xuyên Hà Nam. Từng người một đứng trước micro để thể hiện sự ủng hộ đối với ngân hàng, trong khi các nhân viên tươi cười vung tiền mặt trước máy quay truyền hình.

Đó là nỗ lực để cho thấy sự ổn định và trấn an công chúng sau khi có tin đồn về việc chủ tịch ngân hàng này đang gặp khó khăn và ngân hàng đang bên bờ vực phá sản, theo Wall Street Journal.

Trong những tháng gần đây, lĩnh vực ngân hàng tại Trung Quốc đã gặp khó khăn bởi những lo ngại về thanh khoản, đặc biệt là tại các ngân hàng quy mô khu vực, vốn đã mở rộng mạnh mẽ trong những năm qua.

Thanh khoản giảm tại Ngân hàng Y Xuyên khiến nó trở thành ngân hàng nhỏ thứ tư chính quyền phải vào cuộc hỗ trợ trong năm nay ở Trung Quốc.

{keywords}
Khách hàng đổ xô đến một chi nhánh ngân hàng Y Xuyên ở Hà Nam, Trung Quốc để rút tiền. Ảnh: Wall Street Journal.

Hồi tháng 5, các nhà quản lý đã nắm quyền kiểm soát Ngân hàng Bao Thương (trụ sở tại khu tự trị Nội Mông) trong cuộc cứu trợ ngân hàng đầu tiên ở nước này kể từ thập niên 1990. Động thái tạo ra lo ngại về "sức khỏe" của các tổ chức tài chính và cho vay nhỏ khác, làm giảm thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng Trung Quốc.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã cẩn thận không công bố bất kỳ sự tiếp quản nào, mặc dù họ đã âm thầm bơm vốn tươi và ổn định các ngân hàng, theo các báo cáo chính thức.

Nhìn chung, các ngân hàng gặp rắc rối chỉ chiếm 4% tổng tài sản trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc, theo một ước tính gần đây của S&P Global. Thế nhưng, phản ứng mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý đối với diễn biến tại Ngân hàng Y Xuyên, một ngân hàng nhỏ với vốn 62,65 tỷ nhân dân tệ (8,9 tỷ USD), nêu bật mối lo ngại đang gia tăng về tác động xấu và bất ổn xã hội trong bối cảnh người dân mất niềm tin vào tiền gửi ngân hàng.

Ngân hàng Y Xuyên chỉ là một trong hàng nghìn ngân hàng và hợp tác xã ở vùng nông thôn Trung Quốc gần đây đã mở rộng tham vọng của họ. Năm 2009, hợp tác xã nông thôn này đã trở thành một ngân hàng thương mại, thu hút tiền gửi chủ yếu từ nông dân và người dân địa phương.

Tuy nhiên, ngân hàng đã phải hứng chịu hậu quả từ các khoản nợ xấu khi nền kinh tế chững lại trong những năm gần đây, cũng như phải đấu tranh để giữ tiền gửi trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng từ các ngân hàng khác, theo báo cáo tài chính của ngân hàng.

Tin tức về rắc rối với quản lý cấp cao của Y Xuyên đã thu hút sự chú ý của người dân địa phương. Người gửi tiền bắt đầu yêu cầu trả lại tiền vào đầu tháng này và khi mạng xã hội lan truyền tin đồn rằng ngân hàng đang trên bờ vực mất khả năng thanh toán, số người kéo đến rút tiền càng ngày càng nhiều.

Đến hôm 30/10, chính quyền địa phương đã có động thái công khai để ổn định tình hình. Họ tuyên bố đã bắt giữ hai người phụ nữ với cáo buộc đã lan truyền tin đồn sai lệch, đồng thời sắp xếp phó bí thư đảng ủy huyện phụ trách xử lý vụ việc.

Đồng thời, các nhà chức trách đã công bố cuộc điều tra đối với cựu chủ tịch ngân hàng, với lý do vi phạm kỷ cương, một cáo buộc thường được sử dụng trong các vụ án tham nhũng.

(Theo Zing)