"Dâng sao giải hạn là một hình thức theo phong trào, thấy nhà này nhà kia làm lễ mà mình không làm thì thấy không yên tâm".

{keywords}
Mỗi năm, chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) lại tổ chức các khóa lễ dâng sao giải hạn. Mỗi khóa lễ, luôn có hàng nghìn người đứng kín cả lòng đường Tây Sơn trước cổng chùa bái vọng.

Đến hẹn lại lên, bắt đầu từ 29 tháng Chạp đến 20 tháng Giêng âm lịch, tổ đình Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) lại tổ chức hàng loạt các khóa lễ giải hạn sao và cầu an cho các gia đình. Hằng năm, ngôi chùa này thu hút hàng vạn người dân đến đăng kí dâng sao giải hạn cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn, tránh được tai ương trong năm đó.

Trước câu hỏi, vì sao số nhiều người đổ về chùa Phúc Khánh đăng kí dâng sao giải hạn đông hơn rất nhiều các chùa khác ở Hà Nội và tâm lý của người dân phải đi làm lễ giải hạn như thế nào, sư thầy Thích Trí Thịnh – Trụ trì Chùa Kim Sơn Lạc Hồng (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) cho rằng đa số người dân đến Tổ đình Phúc Khánh theo phong trào, người nọ bảo người kia.

Thực tế, rất khó để nói một ngôi chùa là thiêng hay không thiêng. Mà do lượng người đến chùa càng đông thì sự hướng tâm lớn. Thời gian càng lâu, năng lượng cũng lớn lên.

"Trong các buổi lễ, tên những người đăng ký cầu an, giải hạn đều được đọc công khai trên loa phóng thanh. Những người có địa vị, có quyền thế và những người nổi tiếng thường được đọc đầu tiên. Ai nghe thấy cũng bảo, đến những người như vậy người ta còn lựa chọn chùa này để làm lễ thì chắc chắn là linh thiêng lắm nên mình cũng chọn chùa này để làm lễ", thầy Thịnh cho hay.

{keywords}
Theo nhiều người dân, chùa Phúc Khánh là nơi linh thiêng, các khóa lễ được tổ chức rất bài bản, nghiêm túc, vì vậy họ rất tin tưởng và thường xuyên tìm tới đây để cầu an

Theo sư thầy, mỗi con người ứng với một sao. Nhưng điều này cũng chỉ là tương đối, có năm tốt có năm xấu, không phải tuổi nào cũng giống tuổi nào. Hơn nữa, nếu mình làm điều xấu thì không thể gặp điều tốt được.

"Xưa, Phật giáo chỉ có niệm Phật, tụng kinh thôi. Bây giờ xuất hiện nhiều lễ cúng. Thực ra dâng sao, giải hạn chỉ là một phương tiện để người dân đến chùa thường xuyên hơn. Đây là ảnh hưởng của Đạo giáo, chứ Phật giáo không có hình thức này", sư thầy Thích Trí Thịnh khẳng định.

{keywords}
Khung cảnh người dân chen chúc đăng kí và dâng lệ phí dâng sao giải hạn vào những ngày đầu năm

Thủ tục đăng ký dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh khá đơn giản. Tất cả những người có nhu cầu chỉ cần ghi rõ tên tuổi, sao chiếu mệnh trong năm nay vào một mảnh giấy và đưa cho các vị sư ghi chép để khấn cầu cho họ

Phí cầu an cho đại gia đình là 100.000 đồng. Riêng đối với lễ giải sao La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô là 100.000 đồng/người. Nhiều gia đình tốn tiền triệu cho mỗi khóa lễ bởi trong gia đình có nhiều người bị sao xấu chiếu mệnh.

Chị Nguyễn Thị Lan (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Nhà tôi có con trai năm nay bị sao Kế Đô chiếu mạng nên tôi đến đăng ký giải hạn. Thông thường phải đăng kí trước hàng tháng, hàng tuần. Ngoài ra, tôi cũng ghi tên để làm lễ cầu an năm mới cho đại gia đình nữa nên mất khá nhiều thời gian".

"Tôi cũng định làm lễ ở các chùa khác nhưng cảm thấy không yên tâm nên đến chùa Phúc Khánh đăng kí", chị Lan cho biết thêm.

Trong khi đó, chị Lê Thị Thanh Hải (Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: "Tôi đến đây vốn định đăng ký giải hạn sao Kế Đô cho mình và cầu an cho gia đình. Nhưng khi xem bảng tên tuổi chiếu với các mệnh sao xấu ghi ở đây thì trong gia đình có 4 người nữa bị sao xấu nên tôi đăng kí luôn".

h{keywords}
Chăm chú theo dõi bảng hướng dẫn xem sao của nhà chùa dán trên cột

Thông thường một khóa lễ bắt đầu từ 19h tối nhưng vào những ngày tổ chức khóa lễ, nhiều người đã đổ về chùa Phúc Khánh từ rất sớm, ngồi chật kín từ trong chùa ra đến ngoài đường.

Tối nay, 18/1 âm lịch là tối thứ ba người dân về làm lễ tại chùa Phúc Khánh. Theo Công an quận Đống Đa, buổi tối nay ước tính có khoảng 6.000 người về làm lễ, đông hơn năm ngoái khoảng 2.000 người.

Trước đó, tối 15/2 (mùng 8/1 âm lịch), chùa Phúc Khánh đã làm lễ giải hạn cho sao La Hầu thu hút khá đông người dân đến làm lễ. Ngày 14/1 âm lịch vừa qua là đại lễ cầu an, số lượng người đến cầu an rất đông, ngồi chật kín cả lòng đường trên phố Tây Sơn.

Theo Dân Việt