Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, tình hình chuyển đổi từ analog sang truyền hình số mặt đất trong đợt tắt sóng mềm 15/6 diễn tiến thuận lợi. Sở TT&TT Hà Nội cũng có chung nhận xét về phản ứng của người dân Thủ đô khi Hà Nội tắt sóng 3 kênh không thiết yếu.
Đúng 0h ngày 15/6 vừa qua, Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ đã tiến hành ngừng phát sóng một số kênh analog không thiết yếu như VTV6, H2, VTC9, VTV9, VTV Cần Thơ 1, VTV Cần thơ 2... Tuy nhiên, ngoài ba thành phố lớn này thì còn 19 tỉnh lân cận khác cũng chịu ảnh hưởng của việc tắt sóng tại một số khu vực, đó là: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai và Long An.
Tắt sóng mềm thuận lợi
Việc tắt sóng mềm một số kênh analog không thiết yếu tại 3 Thành phố lớn diễn ra khá suôn sẻ. |
Trao đổi với VietNamNet mới đây, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết, tình hình hậu tắt sóng mềm trên địa bàn "khá êm ả". Tổng đài hỗ trợ riêng của Sở (435.123.123) mỗi ngày chỉ nhận khoảng 30-40 cuộc điện thoại do người dân gọi đến, và hầu hết chỉ hỏi những vấn đề như mua đầu thu ở đâu, nhờ tư vấn loại đầu thu đủ chất lượng, giá tiền...
"Người dân hầu như không thắc mắc về việc tắt sóng hay phàn nàn về việc không thu xem được chương trình. Nhìn chung Hà Nội đã tắt sóng mềm rất thuận lợi", vị này cho hay. Hiện tại, công tác hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Thành phố vẫn đang được gấp rút tiến hành, dù Hà Nội có khởi động muộn hơn một số tỉnh, thành khác trong đợt này. Dự kiến trước ngày 30/6, toàn bộ các hộ trong diện cần hộ trợ trên địa bàn sẽ nhận được đầu thu để có thể thu xem truyền hình số.
Cùng chung quan điểm, đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện, đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình cho biết, phân tích số liệu từ tổng đài hỗ trợ số hóa truyền hình toàn quốc 0511 1022 thì các câu hỏi của người dân "có nội dung khá thông thường", người dân nhìn chung có phản ứng tích cực trước việc tắt sóng. Thị trường đầu thu bình ổn, không có dấu hiệu cháy hàng, sốt hàng ảo, đội giá giống như đợt tắt sóng tại Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam.
"Đợt tắt sóng mềm này nhìn chung êm ả, thuận lợi hơn so với đợt thí điểm hồi cuối năm ngoái, do Ban chỉ đạo và các địa phương đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, nhất là trong khâu thông tin, tuyên truyền phổ biến tới người dân", Cục Tần số cho hay. Việc Bộ TT&TT nhắn tin cho người dân tại các địa bàn chịu ảnh hưởng trong đợt tắt sóng 15/6, trong đó nêu rõ tổng đài 0511 1022 để người dân liên hệ, xin tư vấn.. cũng đã phát huy được hiệu quả.
Tại Hải Phòng, một trong 4 thành phố lớn sẽ chính thức tắt sóng analog hoàn toàn vào ngày 15/8 tới đây (Hải Phòng không tắt sóng mềm trong đợt 15/6), công tác hỗ trợ đầu thu cũng đang diễn ra khá khẩn trương. Được biết, liên danh VTC Digital – VNPost là hai đơn vị trúng thầu cung cấp đầu thu truyền hình số DVB-T2 trên địa bàn thành phố. Hiện tại, VNPost Hải Phòng đã triển khai lắp đặt đầu thu ở 14 quận huyện và có địa điểm bảo hành gắn với các bưu cục để người dân nghèo dễ dàng nhận được sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật khi cần.
Tuy vậy, cũng giống như Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam trước đây, Hải Phòng vẫn còn có một số khu vực lõm sóng truyền hình dù về cơ bản, phần lớn các khu vực được phủ sóng DVB-T2 đều bảo đảm thu phát truyền hình kỹ thuật số.
Người dân tiếp nhận
Là Tổng đài hỗ trợ chính thức của Đề án số hóa truyền hình, Tổng đài 0511 1022 đặt tại Đà Nẵng đã nhận được 821 cuộc gọi riêng trong ngày 15/6, ngày tắt sóng mềm đầu tiên. Các cuộc gọi xuất phát từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hưng Yên, Long An, Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đồng Tháp, Hải Dương... Thậm chí một số người dân ở các địa bàn chưa bị ảnh hưởng trong đợt tắt sóng mềm như Tuyên Quang, Biên Hòa, An Giang, Bạc Liêu, Phú Thọ cũng đã chủ động gọi đến Tổng đài để hỏi thông tin.
Tổng đài 0511 1022 nhận được hơn 800 cuộc gọi trong ngày 15/6 |
"Đa số các cuộc gọi hỏi thông tin về việc tắt sóng mềm, hỏi về truyền hình số mặt đất, hoặc thắc mắc liệu họ đang xem truyền hình cáp/đầu thu truyền hình trả tiền thì có bị ảnh hưởng hay không. Một số ít xin tư vấn về kỹ thuật do đầu thu hoặc TV tích hợp DVB-T2 của họ bắt tín hiệu không ổn định. Số khác hỏi địa chỉ mua đầu thu, các thương hiệu đầu thu uy tín, xin tư vấn về giá cả đầu thu... ", đại diện Tổng đài chia sẻ.
Liên quan đến chất lượng tín hiệu số trên địa bàn Đà Nẵng sau gần 8 tháng chuyển đổi, Sở TT&TT Đà Năng cho biết các đầu thu số do Thành phố hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vẫn hoạt động ổn định. Sóng truyền hình cơ bản đáp ứng nhu cầu xem của người dân, song tại một số khu vực bị che chắn (nhà cao tầng, đồi, núi) thì chất lượng sóng chưa như mong muốn. Sở TT&TT đã và đang đề nghị Trung tâm Kỹ thuật Truyền dẫn phát sóng, Đài Truyền hình Việt Nam nghiên cứu để hiệu chỉnh vùng phủ sóng đồng thời có phương án tăng cường các trạm phát lặp nhằm bảo đảm yêu cầu thu xem truyền hình của người dân.
Một số kinh nghiệm cũng được Sở Đà Nẵng chia sẻ với các địa phương tiến hành tắt sóng trong đợt này, đó là các hộ được hỗ trợ thuộc diện hộ nghèo (người già, người bệnh, khó khăn trong việc làm, thu nhập thấp, …) nên có nhiều hạn chế, bất cập trong quá trình quản lý, sử dụng. Vì vậy, trong quá trình hỗ trợ, lắp đặt đầu thu, nhân viên lắp đặt cần hướng dẫn cụ thể cách thức sử dụng, bảo hành thiết bị (dán số điện thoại bảo hành, hỗ trợ kỹ thuật lên vỏ hộp đầu thu), nhất là các số điện thoại để liên lạc bảo hành. Ngoài ra, trong nội dung tập huấn lắp đặt đầu thu cho các trưởng thôn cũng cần hướng dẫn cách thức lắp đặt, bảo hành.
Trọng Cầm
Thông tin từ Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, vừa qua, đơn vị này đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế (vào ngày 3/6 và 14/6/2016) sau khi có thông tin đăng tải trên báo chí về việc người dân bức xúc về chất lượng số hóa truyền hình tại xã Hòa Sơn. Thành phần đoàn kiểm tra có đại diện Sở, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3, Phòng Quản lý phát sóng miền Trung - VTV, UBND huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Sơn, UBND xã Hòa Nhơn, Công ty Thương mại T.C (là nhà cung cấp đầu thu), trưởng thôn, phó thôn, hộ gia đình tại khu vực kiểm tra. Trước đó, theo phản ánh trên báo, chiếc đầu thu được thành phố hỗ trợ cho hộ nghèo của chị Hồ Thị Luyến (thôn Xuân Phú) bị hư hỏng, phủ đầy bụi. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cho thấy, đầu thu vẫn bình thường xong cột ăng-ten bị xoay không đúng hướng. "Sau khi điều chỉnh và cố định cột ăng-ten thì tín hiệu thu tốt, hình ảnh, âm thanh bình thường. Việc này đã có biên bản xác nhận", đại diện Sở cho biết. Các trường hợp phản ánh ở nhà ông Phạm Mịch (thôn Phước Hưng) cũng cho ra kết quả tương tự. Cũng theo báo, cả thôn Xuân Phú có 35 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đầu thu nhưng hầu như không dùng được. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy chỉ có 3 hộ tại vùng quá trũng (mái nhà chỉ cao bằng nền các nhà khác) nên không thu xem được truyền hình số. Các hộ còn lại vẫn thu xem bình thường. Khi kiểm tra chất lượng tín hiệu sóng tại các thôn thuộc xã Hòa Nhơn theo thông tin trong bài "Người dân Hòa Nhơn mong lắp đặt trạm bù sóng" trên báo Đà Nẵng ngày 13/6, kiểm tra ngẫu nhiên 5/8 hộ được hỗ trợ đầu thu ở thôn Phước Thuận (trong bài viết là Phước Thịnh - nhưng thực tế không có thôn này) dều thu xem tốt, hình ảnh âm thanh bình thường. Đoàn cũng đã đến thôn Phước Hậu, kiểm tra đầu thu của hộ bà Nguyễn Thị Đậu thì phát hiện trụ ăng ten quá yếu, không ổn định. Đoàn đã xử lý lại trụ và lắp thử loại đầu thu do UBND Thành phố hỗ trợ thì tín hiệu thu được tốt, tuy nhiên hiện gia đình đã tự ý mang đổi và sử dụng đầu thu hiệu Pantesat không hợp chuẩn, hợp quy. Hệ quả là chỉ thu được một số kênh hạn chế. |