Quyền được lãng quên là quyền để được xoá khỏi các kết quả tìm kiếm. Quyền này đã được thiết lập bởi toà án hàng đầu châu Âu vào năm 2014. Phán quyết yêu cầu Google phải dỡ bỏ những đường link về những thông tin về một cá nhân, nếu cá nhân đó yêu cầu công ty làm điều đó, nếu như thông tin đó "sai lệch, không đầy đủ, không liên quan hoặc quá mức."
Quyền này dựa trên luật về quyền riêng tư của EU và nó rất hữu ích cho những người mà không thể xoá bỏ những tài liệu gây tổn hại đến họ khỏi internet. Như Google đã viết trong bản báo cáo minh bạch mới nhất, có đến 655.000 yêu cầu kể từ khi có phán quyết năm 2014, yêu cầu xoá gần 2,5 triệu liên kết. Công ty đã đồng ý dỡ bỏ 43,4% số liên kết đó.
Tuy nhiên, khi người dùng đưa ra những yêu cầu như thế này, họ muốn xóa bỏ những cái gì khỏi internet? Đây là thứ mà các nhà nghiên cứu tại Google đã điều tra, và những phát hiện của họ khá là thú vị.
Một phần ba các đường link mà người dân muốn xoá là từ "các dịch vụ thư mục và mạng xã hội mà có chứa thông tin cá nhân," trong khi chỉ có 1/5 số yêu cầu là để xoá những bài báo hay các trang web chính phủ, những liên kết mà có chứa lịch sử pháp lý của người yêu cầu.
Có vẻ như người dân ở Đức và Pháp đặc biệt quan tâm đến việc xoá dấu vết của mình từ các đường link đến mạng xã hội của họ, trong khi người Anh và người Ý muốn xoá thông tin trên các trang web tin tức nhiều gấp 3 lần.
"Quyền được quên lãng" dường như cũng đã trở thành cần câu cơm cho một số người, vì "nhiều người thường xuyên đặt yêu cầu lại là các công ty luật và các dịch vụ quản lý danh tiếng." Tuy nhiên, đa số các yêu cầu này đến từ những người dùng cá nhân, và có đến 5% số người yêu cầu là trẻ em.
Khi quyền này có hiệu lực, nhiều người đã cho rằng quyền này có thể bị lạm dụng bởi những người nổi tiếng trong mắt công chúng. Giờ đây, chúng ta đã có số liệu rõ ràng: các chính trị gia và các quan chức chính phủ yêu cầu 34.000 liên kết phải được dỡ bỏ từ các kết quả tìm kiếm của Google, và những người nổi tiếng và những nhân vật không làm việc cho chính phủ đã yêu cầu xoá 41.000 đường link.
Mặc dù vào thời điểm hiện tại, vấn đề này dường như chỉ là vấn đề của châu Âu, song điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai. Toà án Tư pháp của Liên minh châu Âu đã ban hành phán quyết vào năm 2014, và giờ đây họ cũng đang cân nhắc kháng cáo của Google về quyết định của một cơ quan quản lý bảo mật của Pháp. Cơ quan này cho rằng quyền được lãng quên cần phải được áp dụng cho tất cả các dịch vụ của công ty trên toàn thế giới.
Theo GenK