Theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng CNTT (Sở TT&TT tỉnh Bình Định), tại tỉnh có 4 đơn vị đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bao gồm Sở TT&TT, Sở Công Thương, Sở Xây Dưng, Ban Quản lý dự án từ năm 2009 đến nay. 4 cơ quan này triển khai được 43 thủ tục hành chính công trực tuyến. Tuy nhiên qua gần 6 năm triển khai vẫn chưa có một ai sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chưa có một hồ sơ nào được nộp đến bằng hình thức giao dịch điện tử.
Ông Bình cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do khâu tuyên truyền kém nên nhiều người dân không biết cơ quan nhà nước có cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Thêm vào đó là do thói quen của người dân thích giao dịch trực tiếp, một phần là do trình độ sử dụng Internet, ứng dụng CNTT của người dân và doanh nghiệp cũng còn yếu.
Một nguyên nhân khác là do các phần mềm giao dịch trực tuyến chưa được hoàn thiện khó sử dụng, trong khi đó một số cơ quan đơn vị cũng chưa quan tâm đầu tư cho dịch vụ CNTT.
Báo cáo đánh giá của Sở TT&TT tỉnh Bình Định cũng nêu rõ, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến gặp nhiều khó khăn, hạn chế, bởi vì số lượng người dân, doanh nghiệp vẫn còn thói quen nộp hồ sơ trực tiếp, ngại tiếp cận các dịch vụ CNTT. Tỷ lệ nhận hồ sơ trực tuyến hầu như không có, do vậy các đơn vị triển khai dịch vụ công trực tuyến vẫn tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, sau đó tiến hành cập nhật vào hệ thống, lưu trữ và xử lý hồ sơ thông qua hệ thống. Bởi vậy nên hiệu quả sử dụng không cao.
Cũng chính vì người dân và doanh nghiệp không mặn mà với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cho nên số lượng các cơ quan nhà nước triển khai dịch vụ công trực tuyến rất thấp. Tại TP Quy Nhơn mới có 4 sở, ngành nói trên triển khai, còn lại tại các sở, ban, ngành khác vẫn chưa triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Theo Sở TT&TT tỉnh Bình Định, tính đến cuối năm 2015, tỉ lệ các cơ quan nhà nước cấp tỉnh triển khai hệ thống một cửa điện tử mới chỉ đạt 20% so với mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng quản lý Báo chí Xuất bản (Sở TT&TT tỉnh Phú Yên) cũng cho hay, Sở TT&TT tỉnh Phú Yên đã triển khai dịch vụ công trực tuyến trong việc tiếp nhận và cấp giấy phép báo chí xuất bản một cửa cấp độ 3 từ cách đây 3 năm, nhưng việc cấp giấy phép trực tuyến chưa đạt hiệu quả cao vì còn quá nhiều khó khăn. Bản thân người dân và các cơ quan khi xin giấy phép cũng không mặn mà với việc xin giấy phép trực tuyến.
Đơn cử, nếu một người dân ở huyện xin giấy phép xuất bản một cuốn sách dày từ 100-500 trang, thì họ không thể chuyển toàn bộ nội dung này qua mạng, cùng với khá nhiều giấy tờ thủ tục khác. Do đó, họ chọn cách chuyển trực tiếp hồ sơ đến Sở.
Đơn giản nhất là thủ tục xin phép tổ chức họp báo có thể chuyển qua mạng, nhưng nhiều cơ quan cũng không chuyển vì hệ thống CNTT cũng chưa đồng bộ, hoặc vì lý mạng Internet ở đơn vị đó quá chậm, do đó các đơn vị thường lựa chọn chuyển trực tiếp hoặc chuyển giấy tờ qua đường bưu điện.
“Thực hiện giao dịch một cửa điện tử làm nhanh và tiện, nhưng người dân lại không muốn sử dụng. Họ thường quan niệm mang đến trực tiếp nhanh hơn, mặc dù Sở đã có quy định về cấp phép khá rõ ràng, nhưng những đơn vị xin giấy phép vẫn thích mang đến nộp trực tiếp tại nơi tiếp nhận”, ông Bình nói.
Khi xây dựng một nền hành chính điện tử, thì có hai việc phải tiến hành song song và đồng bộ là: Xây dựng một hạ tầng CNTT hiện đại để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đồng thời phải đào tạo được những công dân điện tử. Phải làm sao để người dân, doanh nghiệp, nhất là những người ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận được với Internet, sử dụng thành thạo Internet và ứng dụng CNTT thì khi đó họ mới có khả năng ứng dụng các giao dịch điện tử khi có nhu cầu. Nếu không có công dân điện tử thì hệ thống một cửa điện tử có khi xây dựng xong cũng chỉ để “đắp chiếu” mà thôi.