Gần trọn cuộc đời công tác gắn với nghiệp nghiên cứu và giảng dạy, đó là câu mà nhiều đồng nghiệp nói về Đại sứ, GS.TS Nguyễn Thái Yên Hương, nguyên Phó giám đốc Học viện Ngoại giao, người dồn hết tâm sức vào sự nghiệp nghiên cứu và nhiệm vụ trồng người.
Ngay từ khi được giữ lại Học viện Ngoại giao sau khi tốt nghiệp trong top đầu năm 1985, cô đã có tâm nguyện trở thành chuyên gia về một lĩnh vực nghiên cứu, dù lúc đó chưa xác định mình sẽ dành gần như trọn đời nghiên cứu và giảng dạy về Hoa Kỳ - đất nước có nhiều “chuyện” với Việt Nam.
Cô tâm sự, khi trúng tuyển học thạc sĩ tại Đại học Notre Dame, bang Indiana (Hoa Kỳ) năm 1992, cô nguyện cố gắng “nghiên cứu và học hỏi để có thể hiểu người Mỹ gần được như chính họ”.
Đây là lời dặn của một cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao, bác Bùi Xuân Ninh, người định hướng cho cô theo đuổi con đường nghiên cứu để trở thành chuyên gia về Hoa Kỳ, không chỉ trong ngành đối ngoại mà cả giới khoa học trong nước.
GS.TS Nguyễn Thái Yên Hương chia sẻ: “Là người truyền đạt kiến thức cho lớp trẻ, nếu mình có tâm với học trò thì tất sẽ được học trò yêu quý”. Cô nhớ mãi lời một giáo sư: “Có 2 điều thiêng liêng nhất phải có, đó là tâm huyết với nghiệp làm thầy và quan tâm mình là thế nào trong mắt học trò”.
Cô cho rằng, điều quan trọng nhất là “tình thương và có tâm với học trò”. Một khi có tâm với nghề, mình thấy có trách nhiệm truyền đạt kiến thức một cách sống động hơn, dám triển khai những phương pháp dạy hay mà mình tiếp thu cũng như học được từ người khác.
Nữ giáo sư chia sẻ: “Gắn bó với công tác giảng dạy và nghiên cứu từ khi mới vào ngành tới khi mái đầu đã trở bạc, tôi nghĩ đó không chỉ là một lựa chọn ngẫu nhiên trong cuộc đời, mà đúng hơn, nghề đã lựa chọn tôi. Giảng dạy và nghiên cứu có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, khi nghiên cứu đã trở thành kiến thức của bản thân thì bài giảng sẽ tự nhiên có sức hút và truyền cảm, và vì vậy chất lượng các buổi lên lớp sẽ được nâng cao dần".
GS Nguyễn Thái Yên Hương là tác giả, chủ biên của nhiều công trình nghiên cứu cấp bộ, cấp nhà nước thuộc quản lý của Bộ Ngoại giao và cả một số cơ quan khác. Có thể kể đến một số công trình được nhiều người quan tâm: Liên bang Mỹ - Đặc điểm xã hội văn hóa (NXB Thế giới năm 2005), Lịch sử Hoa Kỳ từ khi lập quốc đến thế kỷ XIX (NXB Giáo dục năm 2015)… Gần đây nhất là cuốn Quan hệ Mỹ - Trung Quốc thăng trầm theo dòng lịch sử văn hóa (NXB Chính trị quốc gia Sự thật năm 2021).
Cô là người góp phần tích cực cho việc mở đào tạo tiến sĩ ngành Quan hệ quốc tế tại Học viện Ngoại giao. Đến nay, cô đã hướng dẫn thành công hơn 10 nghiên cứu sinh như TS Lê Hải Bình - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, TS Lê Đình Tĩnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM nay là Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park No Wan...
Cô cũng là người đứng ra chịu trách nhiệm với lãnh đạo mở 2 ngành đào tạo thạc sĩ về Luật quốc tế, Kinh tế quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và hội nhập của đất nước.
Gần 40 năm gắn bó với nghiên cứu và giảng dạy, vị nữ giáo sư đầu tiên của ngành đã đóng góp không ngừng nghỉ vào sự phát triển và khẳng định vị thế của Học viện Ngoại giao trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam và trong hệ thống các cơ quan nghiên cứu trong cũng như ngoài nước.
GS Nguyễn Thái Yên Hương cho rằng, ngoại giao là một công việc đầy khó khăn, vất vả. Phụ nữ làm công tác ngoại giao lại có những khó khăn riêng mà nam giới không phải đối mặt, đặc biệt là thời kỳ sinh con, luôn phải cân đối công việc gia đình.
Tuy nhiên, theo giáo sư, phụ nữ cũng có những lợi thế của mình. Đó là sự mềm dẻo, tinh tế và cũng không kém phần thông minh, sáng tạo, bản lĩnh.
“Hiện cán bộ nữ đã chiếm gần 50% trong Bộ Ngoại giao, khác thế hệ tôi ngày xưa. Ở mọi lĩnh vực, chúng ta đều thấy những người phụ nữ thành công, thậm chí họ đảm nhận cả những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, hiểm nguy như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại châu Phi”.
Khi đảm nhận nhiệm vụ Phó giám đốc Học viện Ngoại giao, giảng viên hay Đại sứ, Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) khi Việt Nam giữ cương vị chủ tịch trong năm 2020, GS Yên Hương đều luôn nỗ lực để phát huy tối đa khả năng, lợi thế của mình.
Cô Hương bày tỏ: “Để đảm đương tốt những trọng trách ấy, tôi cũng phải hy sinh, phải chấp nhận hoàn cảnh. Tôi không đăng ký đi nhiệm kỳ các nước nhưng thay vào đó phải có các công trình nghiên cứu khoa học, có đủ số giờ đứng lớp, phải đào tạo được cán bộ, sinh viên đảm bảo chất lượng…
Điều ấy luôn đòi hỏi tôi phải đầu tư thời gian tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu. Rất may là tôi có được sự thông cảm, ủng hộ từ gia đình”.
Năm 1998, sau khi đi học ở nước ngoài về, cô Hương bắt đầu tham gia giảng dạy môn Hoa Kỳ học tại Học viện Ngoại giao. Đến nay, khi đã là giáo sư, cô vẫn tiếp tục giảng dạy môn này.
Môn học này được manh nha và phát triển theo xu thế từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995. Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về Hoa Kỳ, cô cho rằng, sự phát triển nghiên cứu của Việt Nam về đất nước này gắn với các giai đoạn theo chiều dài của lịch sử quan hệ song phương.
Trước đây, việc nghiên cứu Hoa Kỳ tập trung vào nghiên cứu cục diện 2 đầu chiến tuyến nhưng sau năm 1995, nhu cầu thấu hiểu đất nước và con người Hoa Kỳ gia tăng, đặc biệt khi quan hệ 2 nước ngày càng phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Tại Học viện Ngoại giao, Hoa Kỳ học là môn khu vực tự chọn và tỷ lệ chọn ngày càng cao. Đội ngũ giảng viên rất mạnh và giàu kinh nghiệm, bao gồm các cán bộ nghiên cứu chuyên sâu ở Vụ Châu Mỹ (Bộ Ngoại giao), Viện Nghiên cứu chiến lược, những cán bộ nhiệm kỳ...
Dựa trên lợi thế này, sắp tới Hoa Kỳ học sẽ được Học viện Ngoại giao phát triển thành một chuyên sâu trong tổng thể chương trình đào tạo về châu Á - Thái Bình Dương.
Trong quá trình giảng dạy về Hoa Kỳ, cô Hương luôn tìm ra phương thức sáng tạo để sinh viên có cơ hội tiếp thu kiến thức từ lý thuyết đến thực tiễn một cách linh hoạt nhất. Do đó, bài tập mô phỏng được tích cực triển khai. Bài tập mô phỏng phiên điều trần Quốc hội Hoa Kỳ được sinh viên tham gia hăng hái vì có điều kiện trải nghiệm thực tiễn sinh động. Qua đó, sinh viên nắm bắt được cả kỹ năng lý thuyết và thực tiễn.
Thúy Vy
* Kỳ tới: Nhớ mãi một người thầy Liên Xô uyên bác
Bài 2: Người truyền lửa chiến đấu cho nữ Đại sứ ‘đập bàn’
Tôi học được tinh thần luôn chủ động, chiến đấu, tìm ra lập luận để giải quyết vấn đề, từ người thầy đặc biệt - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.