Cuộc đời lại đẩy chị vào bóng tối trong những đêm dài. Đã có một thuở, chị không bao giờ nghĩ mình có thể thoát khỏi bóng tối đó.
Buổi tối ngày 8/3 cách đây mấy năm, khi biết bao nhiêu người phụ nữ ở thành phố bước đến những nơi ngập tràn ánh sáng, hoa tươi và những lời chúc mừng của những người thân trong một ngôi nhà ấm áp hay trong một nhà hàng sang trọng thì chị đứng một mình trong phần bóng tối của thành phố.
Nơi chị đứng chỉ cách một quầy bán hoa tươi không xa về phía bên trái. Nơi chị nhìn thấy rõ gương mặt hạnh phúc của những người đến mua những bó hoa đẹp và rồi phóng xe máy đi với một niềm vui. Thành phố đó là nơi chị sinh ra và lớn lên.
Ảnh minh hoạ: VietnamNet. |
Thuở nhỏ, chị là một cô bé sợ bóng tối. Chị không bao giờ đủ can đảm đi qua một khoảng tối dù rất nhỏ trong ngôi nhà của chị ngay cả khi cha mẹ chị vẫn ở ngay bên cạnh. Nhưng cuộc đời lại đẩy chị vào bóng tối trong những đêm dài ê chề. Đã có một thuở, chị không bao giờ nghĩ mình có thể thoát khỏi bóng tối đó.
Nơi chị đứng về phía bên phải cách đó không xa có một nhà hàng rực rỡ đèn và văng vẳng tiếng nhạc không lời. Nơi ấy, từng đôi tình nhân hoặc từng gia đình nhỏ hạnh phúc bước vào. Rượu vang được rót ra, những món ăn ngon được bày ra. Đấy là ngày mà giới tính của chị được tôn vinh và chúc tụng.
Có lúc, chị nhìn thấy một người quen của mình bước vào quầy bán hoa tươi phía bên trái. Có lúc chị nhìn thấy chính một người ruột thịt của chị bước vào nhà hàng phía bên phải.
Nhưng chị không ở cùng với họ trong một thế giới. Hai thế giới ấy chỉ cách nhau một ranh giới mỏng hơn cả một hơi thở yếu ớt. Họ cũng không biết chị đang đứng trong một khoảng tối của thành phố. Mà thực tế, họ cũng không bao giờ quan tâm xem chị đi đâu khi bóng đêm đổ xuống thành phố này.
Rồi cuối cùng cũng có một người đàn ông chạy xe đến. Chị bước về phía người đàn ông đó và nở một nụ cười như nụ cười của người đã chết. Chị cất tiếng bằng những ngôn từ trống rỗng và đầy cám dỗ nhục dục. Chị không bao giờ biện minh cho mình một lời nào. Chị biết mình thật xấu xa và đáng nguyền rủa.
Chị đã từng đứng trong khoảng tối ấy trong những đêm khuya khoắt đầy mưa rét, cô độc và hoảng sợ. Có những đêm như thế, chị đã không mặc cả một chút nào với người đàn ông tìm đến. Chị chỉ cần lấp đi một phần nào sự trống rỗng khổng lồ trong con người chị bằng bất cứ hình thức nào.
Đã từng có lúc, chị chối từ nhận những đồng tiền từ một gã đàn ông nào đó. Những gã đàn ông đó đều có một hành động giống nhau là trố mắt nhìn chị như nhìn một con điên.
Chị chỉ thử tìm cách lý giải và gắng lấp đi khoảng trống trong chị. Nhưng chỉ ngay sau đó, sự trống rỗng trong chị không những không được lấp bớt một phần nào mà càng rộng hơn. Chị không biết phải làm gì để chống lại sự trống rỗng kinh hãi ấy. Có những lúc, chị tự tìm cách lý giải có lợi nhất cho chị để mong xoá đi một phần đau đớn, hổ nhục và tội lỗi trong chị.
Có một lần, một “ đồng nghiệp” nói cho nhóm bạn chị về một bộ phim nổi tiếng thế giới về một người cô gái “ bán hoa” như họ. Vì tò mò, họ rủ nhau ra chợ trời mua một cái đĩa về xem. Đó chính là bộ phim Hạng Vũ biệt Cơ của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Họ đã xem đi xem lại mấy lần trong những đêm mưa gió “ hàng hoá ế ẩm”. Những người đàn bà “ bán hoa” ấy chẳng hiểu rõ ý tứ của bộ phim. Họ tranh cãi nhau và chẳng ai chịu ai. Nhưng họ đều thương cho số phận một cô gái “ bán hoa” trong phim bị người chồng phản bội đã thắt cổ quyên sinh. Có người xem xong đã khóc sùi sụt cả buổi tối.
Nhưng một ngày, chị mang cho một bà giáo già ở cùng ngõ phố xem bộ phim để nhờ bà nói cho chị hiểu ý tứ sâu xa về thân phận của cô gái “bán hoa” trong phim là gì. Xem xong bộ phim, bà giáo già đã nói cho chị điều mà bà hiểu.
Cô gái “bán hoa” xinh đẹp trong phim đã yêu một người đàn ông. Anh ta là một nghệ sỹ biểu diễn. Vì tình yêu ấy mà cô đã dời bỏ cuộc sống của một cô gái bán hoa để sống tất cả cho người mình yêu. Cô đã yêu người đàn ông kia với tình yêu trong sáng và sự hiến dâng trọn vẹn. Nhưng đến một ngày, xã hội đổi thay, chính quyền mới về và anh ta lại quay ra phục vụ chính quyền mới. Chính quyền mới đã truy vấn người đàn ông kia có phải anh ta đã yêu một con điếm không.
Vì lo sợ bị cướp mất vị trí xã hội mà anh ta đang có, anh đã đã viết một tờ cam đoan rằng anh ta không bao giờ yêu một con điếm, rằng đó là một thứ rác rưởi của xã hội mà phải quét sạch, rằng đó là một thứ đồi bại không có gì hơn thế. Anh ta nói rằng anh không bao giờ cho phép mình có bất cứ quan hệ nào với cô một cô gái điếm mà chỉ là cô ta tìm cách giăng bẫy anh mà thôi.
Sau khi đọc được tờ cam đoan và tố cáo của người đàn ông cô đã từng yêu thương và chung sống mà chính quyền đưa cho cô để minh chứng sự vu khống của cô đối với người đàn ông đó, cô gái “bán hoa” đã tự vẫn. Cô đã bị phản bội. Nhưng hơn thế, cô đã hoàn toàn sụp đổ lòng tin. Cô không hề nghĩ những người đàn ông có nghề nghiệp và vị trí xã hội như người đàn ông đó lại có thể sống giả dối hơn cả một cô gái “bán hoa” như cô. Cô không còn lý do gì để sống nữa.
Trước khi chia tay, bà giáo già tiễn chị ra tận cửa và nói: “Cái gã đàn ông trong bộ phim kia mới là kẻ đáng khinh bỉ”. Chị đã bước thật nhanh ra khỏi ngôi nhà của bà giáo già và khóc. Cũng từ đó, chị đã rời bỏ những khoảng tối mà chị thường đứng trong đó đêm đêm. Và giờ đây, trong một buổi tối của ngày 8/3, chị chạy xe máy chầm chậm qua dãy phố có những khoảng tối quen thuộc và tủi nhục trước kia. Chị nhận ra những cô gái khác đang đứng trong khoảng tối chị đã từng đứng. Chị dừng lại ở một đoạn gần đó và nhìn về phía cô gái. Ngực chị như bị một tảng đá nặng đè xuống.
Cô gái đang đứng trong khoảng tối kia không phải là một người xa lạ với chị. Đó là một người cùng giới. Có thể cùng khu phố với chị. Có thể là người quen của chị.
Cô gái ấy chính là chị. Chị muốn cứu cô ấy khỏi vũng lầy nhơ nhớp ấy. Nhưng chỉ khi chị thực sự cảm thấy từ máu thịt rằng: cô gái ấy chính là bản thân chị thì chị mới thực sự chia sẻ và cứu vớt cô. Còn nếu không thì tình yêu thương đầu lưỡi của chị sẽ biến tâm hồn chị thành một cô gái làm nghề dịch vụ. Nó nguy hiểm hơn tỷ lần một người buôn phấn bán hương.
Đoàn Thị Hương được bảo hộ công dân như thế nào?
Cũng giống như Mỹ, Úc và các quốc gia khác, Việt Nam có các quy định pháp luật về bảo hộ công dân Việt Nam vi phạm pháp luật nước ngoài.
Cô chủ nhiệm dũng cảm ở trường Nam Trung Yên
Cô Nhung và các cô giáo khác quyết định nói lên sự thật là vì cảm thấy mình bị oan, cảm thấy bị xấu hổ bởi cái tiếng "hèn nhát" và "đồng lõa"...
"Cuối cùng ông Trump đã thực sự là Tổng thống"
Sau bài phát biểu của ông Trump tại lưỡng viện, Van Jones, nhân vật lớn tiếng của phe đối lập và nhà bình luận cho CNN đã phải thốt lên, "cuối cùng ông Trump đã thực sự trở thành Tổng thống".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều