Căn nhà nằm ngay gần mặt đường nhựa của thôn, giữa những căn nhà cao tầng của một địa phương ‘ăn nên làm ra’ nhờ phong trào xuất khẩu lao động. Nhiều người đi qua chỉ nghĩ đó là căn nhà hoang, không có ai ở. Thậm chí, nhiều người trẻ trong làng không biết đến sự tồn tại của người đàn bà điên ấy, vì đã gần chục năm nay, bà chỉ nằm ở đó, không bước chân ra ngoài.

Bà là Hoàng Thị Nhẹ, sinh năm 1966 ở thôn Đoan Xá 2, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thuỵ, TP. Hải Phòng.

{keywords}
Căn nhà của bà Hoàng Thị Nhẹ
{keywords}
Quanh năm bà Nhẹ nằm đắp chăn trong căn nhà này. 

Hoàn cảnh của bà Nhẹ bắt đầu được nhiều người biết đến sau khi đại diện một hội thiện nguyện đến thăm, tặng quà và đưa những hình ảnh thương tâm lên mạng xã hội.

Căn nhà trú mưa nắng của bà rộng chừng 20m2, không có cánh cửa, mà chỉ được che tạm bằng tấm bạt. Trong nhà không có bất cứ vật dụng nào ngoại trừ chiếc chăn và tấm nệm cũ kỹ.

Đưa khách vào trong, bà Phạm Thị Ngận - chị dâu bà Nhẹ - lật tấm chiếu ra mới thấy bà Nhẹ đang nằm dưới, trên người chỉ mặc một chiếc áo rách, không mặc quần.

Bà Nhẹ sinh ra vốn bình thường cho đến năm 17 tuổi, bà bắt đầu có dấu hiệu tâm thần không bình thường. Được gia đình chữa chạy, bà khỏi bệnh. Đến năm 22 tuổi, bà lấy chồng, sinh 5 người con.

Đến năm 34 tuổi - tức năm 2000, bà lại phát bệnh khi các con vẫn còn nhỏ. Gia đình có cho bà đi bệnh viện tâm thần nhưng được vài ngày, bà lại trốn viện về nhà. Chán nản, chồng bà bỏ đi để lại vợ và các con. Bà Nhẹ cùng 3 con sống ở nhà ngoại, 1 đứa ốm chết, 1 đứa phải cho người ta nuôi.

Cũng năm ấy, Hội Phụ nữ xã và chính quyền địa phương xây cho mẹ con bà căn nhà tình nghĩa - nơi mà bà đang trú ngụ bây giờ. Nhưng chỉ được vài tháng, các con bà cũng bỏ bà đi, theo bố ra Móng Cái làm ăn đến tận bây giờ. Lần gần nhất, cậu con trai cả về thăm mẹ là cách đây 3 năm. Từ đó đến nay, con cái bà không thấy về thăm nữa, cũng chẳng thấy gọi điện cho vợ chồng bà Ngận để hỏi thăm mẹ.

{keywords}
Bà Nhẹ nhốt mình trong căn nhà gần chục năm nay.
{keywords}
Tấm nệm cũ kỹ trải trên sàn bê tông để bà ngủ nhưng bà chỉ thích nằm dưới đất.

Hiện tại, bà Ngận và chồng bà - anh trai bà Nhẹ là người hằng ngày đưa cơm nước sang cho chị sống qua ngày.

Bà Ngận cho biết, chị dâu bà bây giờ không ý thức được điều gì. Quần áo bà mang sang đều xé hết, đồ đạc gì cũng phá hỏng nên không ai dám để gì trong căn nhà. Phần nền bê tông được xây cao lên để đặt nệm ngủ, bà Nhẹ cũng không bao giờ nằm đến, mà chỉ thích nằm luôn xuống nền đất.

Thỉnh thoảng, bà Ngận sang, nhắc chị đi vệ sinh thì ra bên ngoài nhưng bà cũng chẳng hiểu gì, chỉ cười hềnh hệch rồi nói luyên thuyên. 'Cứ vài ba ngày, tôi sang tắm cho cô ấy một lần. Mùa hè thì tắm thường xuyên hơn'. 

Bà Ngận bảo, vợ chồng bà cố gắng chăm sóc cho em được ngày nào hay ngày ấy. ‘Bây giờ, vợ chồng tôi cũng già rồi. Tôi hay đau yếu, đã qua 3 lần phẫu thuật nên không làm được việc nặng, hằng ngày ra chợ bán hàng quà bánh cho trẻ con. Còn chồng tôi ở nhà kiếm thêm thu nhập bằng việc bán than. Nhưng bây giờ người ta dùng bếp gas, bếp điện nhiều, nên cũng phải mấy ngày mới bán được 1 xe than’ - bà nói.

Trong lần tới thăm và tặng quà bà Nhẹ, anh Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch Hội Liên lạc Việt Kiều huyện Kiến Thuỵ chia sẻ: ‘Thực sự cảnh tượng hết sức xót xa. Giữa trời nắng nóng mà cô ấy nằm dưới cái chăn như thế, khiến chúng tôi không thể cầm lòng. Chỉ mong cô ấy được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để được chăm sóc tốt hơn, nhưng có vẻ như gia đình vẫn còn e ngại nhiều điều’.

Khi được hỏi có nghĩ đến việc đưa em chồng tới Trung tâm Bảo trợ xã hội hay không, bà Ngận bảo cách đây mấy năm gia đình cũng đề cập tới chuyện này nhưng các con bà Nhẹ và anh em ruột của bà không đồng ý. ‘Chồng tôi và các chú nói là người nhà mình thì mình chăm sóc, không muốn phiền đến xã hội, không may có chuyện gì xảy ra thì lại mang tiếng’.

Ông Phạm Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Đoàn Xá cho biết, chính quyền xã sẽ cố gắng hết sức để lưu ý tới trường hợp của bà Nhẹ. Hiện tại, bà được nhận chế độ bảo trợ hơn 500 nghìn đồng/ tháng dành cho người mắc bệnh hiểm nghèo.

Mới đây, Hội Việt kiều huyện Kiến Thuỵ cũng hỗ trợ cho bà 500 nghìn đồng/ tháng bắt đầu từ tháng 5/2020. ‘Chúng tôi cũng nhiều lần khuyên gia đình cho bà tới Trung tâm Bảo trợ xã hội để có điều kiện chăm sóc tốt hơn, nhưng việc này phải do gia đình làm đơn, xin xác nhận tình trạng bệnh để đủ điều kiện xét duyệt’.

Nước mắt 0 đồng

Nước mắt 0 đồng

Người dân nghèo tìm đến siêu thị 0 đồng vừa khai trương ở TP.HCM đã bật khóc khi lần đầu được mua nhu yếu phẩm mà không phải mất tiền.

Nguyễn Thảo