- Hiếm có phạm nhân nào chưa cởi áo tù đã có nơi nhận vào làm việc như Hoàng Văn Tiến.

Những lời khơi gợi của vợ về niềm đam mê ô tô đã kéo Tiến ra khỏi những bế tắc, bi quan để nghĩ tới tương lai tươi sáng. Không còn cảm thấy mòn mỏi trước bản án chung thân, Tiến nghiến ngấu nghiên cứu những cuốn sách kỹ thuật sửa chữa ô tô do vợ mang lên. Điều đó đã tạo cho anh ta sự tự tin về khả năng của mình khi tái hòa nhập cộng đồng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Tiến cười rất tươi, vẻ mặt đầy tự tin. Anh ta bảo biết ơn vợ rất nhiều bởi những việc đã làm cho mình.

{keywords}

Phạm nhân Hoàng Văn Tiến thu dọn tư trang trước khi về đoàn tụ gia đình

Lĩnh án chung thân vì bao thuốc phiện của khách

Hoàng Văn Tiến là phạm nhân có án chung thân duy nhất ở trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc) được đặc xá dịp 2/9 vừa qua. Không chỉ là người chịu mức án dài, anh còn là người được cả trại giam biết đến bởi sự phấn đấu không ngừng nghỉ. Thường những phạm nhân mắc án dài, nhiều tiền án tiền sự phải cải tạo trong nhà xưởng có rào vây. Thế nhưng Tiến lại khác, anh được ra ngoài lao động, giúp cán bộ một số công việc.

Là trai Hà Nội nhưng từ khi trở thành nhân viên công ty vận tải số 3 thì cuộc sống của anh Tiến chủ yếu là ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Khi lấy vợ là một cô giáo dạy tiểu học ở Mai Châu, Hòa Bình thì Tiến chính thức là dân vùng cao.

Ngày đó, chất lượng xe cộ chưa tốt như bây giờ, đường sá lại xấu nên mỗi chuyến xe khách về xuôi thường có một thợ đi cùng để sửa chữa khi xảy ra sự cố và giúp khuân vác hàng cho khách. Tiến được chỉ định đi phụ cho một xe khách tuyến Hà Nội - Hòa Bình. Trong một lần theo xe, do chủ quan nên Tiến không kiểm tra bao hàng của một hành khách. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, bên trong bao hàng có hơn 36kg thuốc phiện.

“Đang là người làm ăn tử tế, chỉ mấy tiếng sau đã là người mất tự do. Cứ nghĩ tới bản án chung thân là tôi chán nản, mất phương hướng”, Hoàng Văn Tiến nhớ lại.

Thời điểm Tiến bị bắt, hai con còn rất nhỏ. Mỗi khi vợ xuống thăm, kể về những lời vặn vẹo của chúng rằng sao bố đi công tác lâu về thế rồi bố ăn ở đâu, ngủ ở đâu, có nhớ chúng không... khiến Tiến trào nước mắt. Anh bảo mỗi khi nghĩ đến con lại thấy bụng thắt lại.

“Vợ con là cầu nối cho tôi bắt nhịp với cuộc sống”

Quãng đường gập ghềnh hơn trăm cây số từ Hòa Bình lên Vĩnh Quang là một trở ngại, thử thách lòng can đảm, sự kiên trì đối với một người vợ có chồng thi hành án chung thân như vợ Tiến. Gần hai chục năm nay, năm nào chị cũng dành vài chuyến thăm chồng, đem đến cho anh những lời động viên, khích lệ.

Ngày mới về trại, Tiến mặc cảm lắm, nhất là mỗi khi nghĩ đến bản án dài dằng dặc của mình. Nhưng rồi những lời động viên của vợ, những câu thăm hỏi của đồng nghiệp cùng cơ quan đã kéo anh ra khỏi nỗi mặc cảm, tự ti.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết phải đứng dậy, phải chứng tỏ mình ngay từ nơi gian khó nhất. Kết quả là sau 6 tháng đắm chìm trong bế tắc, bi quan, Tiến như lột xác thành một người khác hẳn. Anh hăm hở với công việc được giao, nhận về những công việc khó như sửa chữa máy khâu, kiểm tra kỹ thuật và thậm chí là bốc vác - một công việc nặng nhọc chẳng hề phù hợp với thân hình nhỏ con của mình.

Dịp 30/4 vừa qua, sau 18 năm phấn đấu và rèn luyện, Tiến được giảm án từ chung thân xuống có thời hạn. Với anh đó là niềm vui vô hạn dành cho những người có mức án dài nhưng bất ngờ lớn nhất với anh chính là có tên trong danh sách đặc xá.

“Được xuống án có thời hạn tôi đã mừng nhảy chân sáo rồi, khi biết được đặc xá thì tôi lại nghĩ mình đang mơ. Niềm vui lớn quá mà cả đời tôi không bao giờ nghĩ rằng lại có thể xảy ra với mình”, anh Tiến tâm sự.

{keywords}

{keywords}

Anh Tiến vui mừng trong vòng tay người thân, đồng nghiệp.

Tiến bảo hơn chục năm ở tù không sao nhưng có vài ngày chờ ân xá mà lòng dạ lúc nào cũng rộn rã. Có biết bao nhiêu kỷ niệm mà nhắc lại, anh vẫn còn ứa lệ vì xúc động. Đó là lần Tiến ốm, nửa đêm rồi còn được quản giáo Trần Ngọc Tứ phóng xe từ nhà cách 30 cây số vào thăm, chỉ để đưa cho Tiến vài viên thuốc cảm; là lần anh đi đá bóng bị trẹo chân, cứ nghĩ chẳng ai để ý nhưng cái dáng đi khập khiễng của anh lại lọt vào ánh mắt của “thầy Huân” để rồi sau giờ nghỉ trưa hôm đó, nhận gói cao dán, Tiến đã chảy nước mắt vì xúc động.

“Gói thuốc ấy, miếng cao ấy giá trị chẳng đáng là bao nhưng việc làm của cán bộ đã tác động đến suy nghĩ của những người như tôi”, anh Tiến cho biết.

Anh khoe: “Biết tin tôi về một người bạn đã đề nghị về xưởng sửa chữa ô tô của anh ấy làm việc. Ngày trước tay nghề của tôi là thợ 3/7, nhưng giờ chắc cao hơn rồi vì tôi thường xuyên nghiên cứu sách kỹ thuật. Trong này hễ có máy móc nào của trại bị hư hỏng, tôi đều xin tham gia phụ sửa. Tôi tin rằng mình sẽ bắt nhịp kịp với cuộc sống”.

Gia Hân - Linh Chi