- Kể từ ngày báo Nhân dân ra đời, Bác đã có hơn 1.000 bài viết với bút danh C.B (chiếm phần lớn) và hơn 30 bút danh khác nhau như: V.K, A.G, K.C, Thu Giang, Chiến đấu, Nói thật, Việt Hồng...
Tọa đàm "Nhà báo Hồ Chí Minh với báo Nhân dân" được báo Nhân dân tổ chức sáng nay.
Theo Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo VN Thuận Hữu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh nền báo chí cách mạng VN, là người thày, người anh của nhiều thế hệ nhà báo, đồng thời cũng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận này, giương cao ngọn cờ chiến đấu của báo chí trên các chặng đường cách mạng, cho đến phút cuối đời.
Tổng biên tập báo Nhân dân Thuận Hữu |
Người đã sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén và có hiệu lực to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Kể từ ngày báo Nhân dân ra đời, Bác đã dành nhiều thời gian, tâm trí và tình cảm viết bài cho báo. Trên báo, Bác có bút danh C.B (chiếm phần lớn) và hơn 30 bút danh khác nhau như: V.K, A.G, K.C, Thu Giang, Chiến đấu, Nói thật, Việt Hồng...Người đã có hơn 1.000 bài viết trong số khoảng 2.000 bài báo cho đến nay sưu tầm được trong suốt sự nghiệp cách mạng của Người.
Qua những bài viết, bài nói đăng báo Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những tư tưởng lớn về những vấn đề trọng yếu của đường lối cách mạng VN, về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, về xây dựng Đảng, công tác cán bộ, về văn hóa, về đạo đức, về các vấn đề dân tộc và quốc tế...
Bác cũng thường xuyên có những bài viết về những gương người tốt, việc tốt, những cách làm tốt trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, đời sống mới của nhân dân.
Trong các bài viết, Người không chỉ biểu dương những việc đáng khen mà còn phê phán gay gắt những việc đáng chê trong thực hiện nếp sống mới, những biểu hiện chưa thực hành cần kiệm, chưa dân chủ phát huy sáng kiến của quần chúng...
"Đọc lại những bài nói, bài viết của Bác, ta có thể cảm nhận được sự trong sáng, giản dị, chân thực và độc đáo trong cách trình bày để nội dung dù khó đến mấy cũng trở nên dễ hiểu với người nghe, người đọc - không cao siêu, khó hiểu mà gần gũi, hóm hỉnh, dễ nhớ, dễ làm theo", ông Thuận Hữu nói.
Ông Thuận Hữu cũng kể, hàng ngày Bác giữ thói quen đọc báo, mà tờ báo đầu tiên Bác đọc buổi sáng chính là báo Nhân dân. Bác có thói quen dùng bút chì màu đánh dấu vào những bài, những đoạn đáng chú ý, cần đọc lại. Bác cũng thường có những nhận xét, góp ý về tranh, ảnh, bài viết đăng trên báo.
Nói những điều thật thiết thực
Theo Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo VN Hồ Quang Lợi, trong cuộc đời làm báo cách mạng tròn nửa thế kỷ của mình, từ những bước đầu tiên trên con đường cách mạng của mình, Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng báo chí như một công cụ hữu hiệu.
Ông nhắc lại chuyện từ tờ báo đầu tiên Le Paria, Nguyễn Ái Quốc một mình đảm nhiệm nhiều công việc - là chủ nhiệm kiêm chủ bút, cả việc thủ quỹ và việc phát hành, cả việc đi bán báo (từ số đầu đến số 14).
Ở báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc vẫn là cây bút chủ lực, là linh hồn của tờ báo nhưng tham gia viết bài cho báo Thanh niên đã có những học trò báo chí đầu tiên của Người: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Lê Duy Điếm.
Khi trở về nước trực tiếp tham gia lãnh đạo cách mạng (1/1941), Hồ Chí Minh cũng là người sáng lập, đồng thời là người trực tiếp chỉ đạo báo Việt Nam độc lập.
"Người vừa là 'Tổng biên tập" vừa là người viết nhiều bài nhất cho báo, nhiều khi kiêm cả hoạ sĩ vẽ tranh tuyên truyền và minh hoạ trên báo, có lúc còn tham gia vào việc in báo. Người cũng trực tiếp truyền dạy những kinh nghiệm làm báo, kỹ năng viết báo cách mạng cho những cán bộ làm việc tại tòa soạn", ông Hồ Quang Lợi nói.
Theo ông, không chỉ với báo Nhân dân, nhiều báo khác (các báo địa phương, báo ngành) cũng nhận được sự quan tâm, căn dặn tận tình chu đáo của Người.
Ông dẫn lại điều căn dặn của Bác trong thư gửi báo QĐND số ra đầu tiên, ngày 20/10/1950: Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác .
GS. TS Đỗ Quang Hưng (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho hay, ngòi bút báo chí của Hồ Chí Minh rất phong phú. "Từ chính luận, bình luận, bút ký, phóng sự, ghi chép cho đến những tin vắn, thậm chí minh hoạ, thơ báo chí,... luôn có gì đó rất Hồ Chí Minh".
Cũng nhân dịp này, báo Nhân dân phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản bộ sách "Những bài viết của Bác Hồ trên báo Nhân dân" gồm 3 tập.
Tập 1 (1951-1954) ra mắt cuối tháng 3/2016, tập hợp 359 bài viết của Bác, trong đó có 134 bài viết lần đầu được tuyển chọn mà trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập chưa có. 2 tập còn lại sẽ tiếp tục ra mắt độc giả trong thời gian tới.
Hồng Nhì