Sự bổ sung nhân sự chủ chốt cần thiết

Ông Đỗ Công Anh được Ban cán sự Bộ TT&TT điều động, bổ nhiệm vào vị trí Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa từ tháng 11/2019 để bổ sung nguồn lực cho đơn vị chức năng đang gánh nhiều trọng trách lớn của Bộ, trong đó đặc biệt quan trọng là việc làm đầu mối triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Tại lễ trao quyết định điều động, bổ nhiệm ông Đỗ Công Anh giữ cương vị Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết ông đánh giá cao tân Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa ở khả năng hài hòa, dàn xếp các vấn đề khác biệt nhưng vẫn giữ được quan điểm của mình. Với ưu thế này, ông Công Anh được kỳ vọng là sự bổ sung cần thiết để Cục Tin học hóa có thể huy động, kết nối với các nguồn lực bên ngoài.

{keywords}
Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh là 1 trong 41 gương mặt điển hình tiên tiến được tôn vinh tại Đại hội thi đua yêu nước Bộ TT&TT lần thứ IV (2020 – 2025).

Không phụ sự kỳ vọng của tập thể lãnh đạo Bộ TT&TT, với nền tảng chuyên môn vững chắc đã tích lũy được trong quá trình học tại Đại học Bách khoa Hà Nội cùng kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc tại Bộ TT&TT, ông Công Anh đã cùng các cộng sự tại Cục Tin học hóa giải được nhiều bài toán khó trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

Đối với các cán bộ, công chức, người lao động tại Cục Tin học hóa, từ ấn tượng ban đầu với một người lãnh đạo hòa đồng, nhiệt tình, qua gần 1 năm làm việc, họ càng nể phục ông Công Anh bởi năng lực chuyên môn sâu cùng tinh thần làm việc hết mình, không ngại khó ngại khổ để lăn lộn cùng đội ngũ kỹ thuật triển khai các nhiệm vụ.

Tại Cục Tin học hóa, Phó Cục trưởng Đỗ Công Anh giữ vai trò như một Giám đốc Công nghệ (CTO). “Cục trưởng đánh giá một số công việc đã làm tốt trong thời gian qua như thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương triển khai Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh (LGSP) theo cách làm mới hay việc phối hợp cùng các doanh nghiệp triển khai những ứng dụng CNTT phục vụ cho phòng, chống Covid -19 là những việc do Phó Cục trưởng Đỗ Công Anh trực tiếp phụ trách”, bà Lê Thu Hiền, Chánh Văn phòng Cục Tin học hóa chia sẻ.

Xử lý khối lượng công việc “khủng” bằng cách nghĩ, cách làm mới

Được điều động về làm việc tại Cục Tin học hóa ở thời điểm Cục gánh nhiều trọng trách nặng nề, hơn thế lại đúng vào giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu, Phó Cục trưởng Đỗ Công Anh cho biết khối lượng công việc ông và các cộng sự phải thực hiện vô cùng nhiều.

“Ngoài việc chuyên môn là nền tảng số, chuyển đổi số, chính phủ số, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến... thì còn có thêm các nhiệm vụ về sử dụng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19 nên công việc nhiều hơn gấp đôi. Từ Tết đến giờ, chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ và chuyện hàng ngày phải làm đến tối muộn hay làm cả Thứ bảy, Chủ nhật khá thường xuyên”, ông Công Anh chia sẻ.

{keywords}
Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh (ngoài cùng bên trái) cùng các chuyên gia tham gia phát triển ứng dụng hỗ trợ phòng chống Covid-19 tại một buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Cũng bởi thế, vị Phó Cục trưởng nhấn mạnh rằng, để thực hiện được các yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo Chính phủ, Bộ TT&TT giao, cần thay đổi tư duy, cách nghĩ để tìm ra cách làm mới, làm khác trước.

Lấy dẫn chứng từ thực tế tại Bộ TT&TT, ông Công Anh nhận định, bằng cách huy động, hiệu triệu sự góp sức của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ, chỉ trong một thời gian ngắn, các sản phẩm, giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng, chống Covid-19 “Make in Vietnam” đã liên tục được cho ra mắt.

Trong quá trình đồng hành cùng doanh nghiệp công nghệ Việt phát triển các ứng dụng phòng chống Covid-19, đến giờ ông Công Anh vẫn nhớ kỷ niệm của những lần liên tục “trắng đêm” gấp rút hoàn thành các app khai báo y tế NCOVI, Vietnam Health Declaration  trong vẻn vẹn 48 tiếng; tham vấn ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước để từng bước hoàn thiện ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone hỗ trợ truy vết người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19; hay quá trình liên hệ, kết nối với Google, Apple để đưa các ứng dụng hỗ trợ phòng chống Covid-19 của Việt Nam lên 2 kho ứng dụng phổ biến Google Play và Apple Store.

{keywords}
Ông Đỗ Công Anh trong buổi giao lưu với độc giả VietNamNet về ứng dụng Bluezone

Đại dịch Covid-19 đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định là cú hích lớn, cơ hội trăm năm cho ngành CNTT, đặc biệt là cơ hội để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Cũng vì thế, trong giai đoạn chống dịch, nhiều nền tảng “Make in Vietnam” giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chuyển dịch nhanh lên môi trường số đã được Bộ TT&TT cho ra mắt và bảo trợ truyền thông.

“Cách làm mới này xuất phát từ cách nghĩ “không chỉ là cơ quan quản lý nhà nước mà còn có vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp số tham gia vào chuyển đổi số quốc gia”. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT, Cục Tin học hóa đã tổ chức đều đặn Ngày thứ Sáu công nghệ với các sự kiện ra mắt nền tảng công nghệ, bước đầu có tiếng vang. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, startup chủ động tham gia, vừa xây dựng, triển khai các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia, vừa hỗ trợ cộng đồng, xã hội để đưa cuộc sống trở lại bình thường”, ông Công Anh cho hay.

{keywords}
Ông Công Anh và các lãnh đạo Cục Tin học hóa hiện nay thường xuyên hỗ trợ các cơ quan, đơn vị giải quyết các vướng mắc qua phương thức họp trực tuyến hàng ngày.

Vị Phó Cục trưởng cũng cho rằng, nếu không thay đổi cách nghĩ để tìm ra giải pháp, cách làm mới thì ngay một số chỉ tiêu quan trọng về xây dựng Chính phủ điện tử cũng rất khó có thể hoàn thành.

Lý giải rõ hơn về nhận định trên, ông Công Anh phân tích, dữ liệu vô cùng quan trọng trong phát triển Chính phủ số thời gian tới. Và để kết nối, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương thì việc mỗi bộ, tỉnh cần có nền tảng LGSP là rất quan trọng. Vì thế tại Nghị quyết 17, Chính phủ đã yêu cầu trong năm 2020 tất cả các bộ, tỉnh phải có nền tảng LGSP và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).

Tuy nhiên, thực tế đến cuối 2019, đầu năm 2020 mới chỉ có 25 bộ, tỉnh có nền tảng LGSP. Nhiều địa phương chưa có nguồn kinh phí để làm.

“Để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ, Bộ trưởng giao, chúng tôi nâng cấp Nền tảng quốc gia, qua đó có thể cung cấp hạ tầng, giải pháp cho các bộ, ngành, địa phương sử dụng. Tức là về hạ tầng, máy chủ được cung cấp trên hạ tầng Cloud của Cục; Nền tảng NGSP quốc gia được nâng cấp và cung cấp các LGSP cho địa phương.

Với cách thức này, địa phương dùng được một số tính năng cơ bản như khai thác được cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu hộ tịch, các cơ sở dữ liệu quốc gia... Từ đó, các đơn vị sẽ hiểu rõ tác dụng của LGSP để có kế hoạch đầu tư, xây dựng”, ông Công Anh kể.

Với cách làm trên, tính đến ngày 23/9/2020, đã có 23 bộ, ngành và 57 địa phương có nền tảng LGSP, đạt tỷ lệ gần 87%, tăng 84% so với năm 2018 và gấp hơn 3,2 lần so với năm 2019.

Nhấn mạnh việc triển khai theo cách làm mới trên thực tế cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, ông Công Anh chia sẻ thêm: “Khó hơn cả là sự phối hợp và làm việc đồng thời với tất để các đơn vị để cùng đồng thuận và thực hiện cách làm mới. Trong giai đoạn Covid-19, Cục đã thiết lập các kênh làm việc trực tiếp với tất cả địa phương, xuyên suốt đến tận cấp xã, thường xuyên tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến, giải quyết nhanh công việc chỉ trong vòng nửa tiếng. Chính vì vậy, quá trình phối hợp triển khai công việc chuyên môn đã dần diễn ra thuận lợi và trôi chảy”.

Những nỗ lực của Bộ TT&TT, Cục Tin học hóa đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao. Trong kết luận hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương vào ngày 26/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Bộ TT&TT đã có sáng kiến hay, hằng tuần tổ chức lễ ra mắt các nền tảng để tôn vinh, quảng bá sản phẩm Việt Nam... Bên cạnh đó, xuất hiện các cách làm mới có thể nhân rộng để đẩy nhanh triển khai Chính phủ số, chuyển đổi số như mạnh dạn thay đổi cách thức làm việc, dùng thử, trải nghiệm ứng dụng công nghệ mới, khi có hiệu quả triển khai chính thức ngay; phát triển các ứng dụng Chính phủ điện tử dựa trên mô hình nền tảng dùng chung để rút ngắn thời gian, chi phí triển khai, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu...”. 

Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh là 1 trong 41 gương mặt điển hình tiên tiến được tôn vinh tại Đại hội thi đua yêu nước Bộ TT&TT lần thứ IV (2020 – 2025) được tổ chức ngày 12/10/2020.

Ông Đỗ Công Anh, Thạc sĩ CNTT chuyên ngành Khoa học máy tính. Ông là người đã tham gia hoặc chủ trì tham mưu, nghiên cứu, xây dựng trình Bộ TT&TT trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quan trọng trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử tiêu biểu như: Nghị định 47/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, trong đó quy định rõ quy trình kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Quyết định 20/2020 về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương...; Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành phương án phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Đề án tái cấu trúc hạ tầng CNTT, xây dựng một số nền tảng dùng chung phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu cho Chính phủ điện tử.

Ông Công Anh còn tham gia triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ cho phòng chống Covid-19; ra mắt nhiều nền tảng số “Make in Vietnam” phục vụ phát triển Chính phủ điện tử và giúp doanh nghiệp, người dân thực hiện chuyển đổi số.

Vân Anh

Đợt dịch Covid-19 thứ 2 được kiểm soát, người dân vẫn cần cài ứng dụng Bluezone

Đợt dịch Covid-19 thứ 2 được kiểm soát, người dân vẫn cần cài ứng dụng Bluezone

Tuy làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 tại Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát song Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT khuyến nghị người dân vẫn cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng CNTT để phòng chống dịch, trong đó có ứng dụng Bluezone.