Gen trội của nghệ sĩ Quốc Tuấn thường trực trong Bôm
- Không chỉ là nghệ sĩ chơi Jazz có tiếng, anh được biết là thầy giáo của bé Bôm - con trai diễn viên Quốc Tuấn. Diễn viên Quốc Tuấn nói với tôi nếu anh ấy nghiêm khắc với con trai một thì thầy Nguyễn Tiến Mạnh nghiêm gấp nhiều lần. Mối duyên thầy trò anh gặp nhau như thế nào?
Tôi không dám nhận mình có tiếng mà chỉ nghĩ mình là nghệ sĩ Jazz mà đã là nghệ sĩ Jazz chúng tôi vẫn phải tập luyện hàng ngày và tìm tòi sáng tạo để tìm kiếm cái mới trong âm nhạc, nói vui là học và tập đến lúc "chết". Bản thân tôi cũng may mắn khi có được một cậu học trò tuyệt vời như Bôm mà nghị lực câu chuyện của em và gia đình cũng đã góp không ít vào tinh thần vươn lên của tập thể khoa Jazz. Tôi cực kỳ nghiêm khắc với Bôm cũng như bao học sinh khác ở lớp bởi với nghệ thuật muốn thành công phải thật sự nghiêm túc.
- Bôm là chàng trai đặc biệt và nghị lực, em cũng hồn nhiên và vô tư hơn độ tuổi thật của mình. Là thầy giáo dạy trực tiếp anh thấy Bôm có ưu và nhược điểm gì?
Năm nay là năm thứ 3 của Bôm, em ấy đã nề nếp và chủ động hơn trong cách học của mình. Tuy nhiên Bôm nhiều lúc vẫn ẩu và thiếu cẩn thận, có khi thấy tôi bực quá Bôm lại cười hề hề rồi hai thầy trò bỏ qua cho nhau. Tôi có nói với anh Quốc Tuấn - bố của Bôm rằng nhạc Jazz thích hợp nhất cho Bôm bởi sự vô tư và hồn nhiên của Bôm đã được thể hiện vào chính âm nhạc của cậu. Nhiều lúc tôi trêu anh Quốc Tuấn bảo: "Thấy Bôm lên sân khấu tự tin hơn các bạn khác đúng là... điếc không sợ súng". Bởi nhiều học sinh, sinh viên có thể đánh rất tốt nhưng khi lên sâu khấu lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Có lẽ gien trội của nghệ sĩ Quốc Tuấn luôn thường trực trong Bôm.
Diễn viên Quốc Tuấn, MC Diệp Chi, nhà báo Tạ Bích Loan, bé Bôm và T.S Tiến Mạnh. |
- Trong quá trình dạy Bôm, có kỷ niệm nào đáng nhớ với anh?
Hồi Bôm mới học tôi có tính hay giữ ít kẹo bánh để thưởng cho học sinh của mình. Khi đó tôi không hề biết cơ hàm của Bôm yếu và ít răng nên thi thoảng lại thưởng cho em cái bánh quy. Được thầy thưởng cu cậu cứ cố ăn may mà không bị nghẹn. Sau đó, khi phát hiện ra Bôm khó khăn trong việc ăn uống tôi hỏi anh Quốc Tuấn bảo đến giờ chế độ ăn của Bôm vẫn đặc biệt, đó là tất cả thức ăn đều phải xây nhuyễn như cháo.
- Tôi có nhiều dịp được gặp Bôm và thấy được sự nghiêm khắc của diễn viên Quốc Tuấn khi đồng hành giám sát con học đàn. Là người tiếp xúc nhiều với hai bố con diễn viên Quốc Tuấn, có khi nào anh thấy sự nghiêm khắc của bố lại là áp lực đối với con?
Bôm hay các học sinh khác ở khoa Jazz trường Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam đôi khi không tránh khỏi được sự áp lực. Bởi mô hình đào tạo được ví như hình chóp mũ, bản thân chương trình đào tạo của khoa Jazz nói riêng toàn trường nói chung đều tăng dần độ khó theo năm học. Với tất cả các học sinh tôi vẫn dặn gia đình trao đổi thường xuyên lúc nào tôi có áp lực gia đình phải xoa dịu và ngược lại.
3 năm dạy Bôm, qua nhiều lần tiếp xúc, tôi cũng học được nhiều điều từ anh Quốc Tuấn. Nhiều năm trước tôi đều rất nghiêm khắc và áp lực với học sinh, tuy nhiên từ ngày gặp anh Quốc Tuấn được anh chia sẻ rằng với học trò mình nên động viên tinh thần kịp thời thay vì nói "sao con lười thế?" thì đổi thành "con hãy cố gắng, đừng để thầy thất vọng" và cách làm này tôi đã ứng dụng và thấy thực sự có hiệu quả.
PGS Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Học viện âm nhạc Quốc gia, bé Bôm và TS Nguyễn Tiến Mạnh - người trực tiếp dạy đàn cho Bôm. |
- Nhiều khán giả yêu Bôm vẫn kỳ vọng em ấy sẽ trở thành một nghệ sĩ trong tương lai. Còn anh, với tư cách người thầy anh nghĩ Bôm sẽ như thế nào sau khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia?
Cái đó tôi không dám hứa trước nhưng chỉ có duy nhất một điều tôi cũng như toàn thể các thầy trong khoa Jazz sẽ tận tâm truyền dạy tất cả những gì mình học được cho thế hệ các nghệ sĩ Jazz tiếp theo. Chúng tôi cũng như bao bậc phụ huynh khác đều muốn các em sau khi tốt nghiệp sẽ thành công bằng chính “nghề” của mình. Và hơn hết các em phải đi bằng đôi chân của mình.
10 năm trước ngày tôi trở về nước chỉ bởi 1 câu nói của thầy tôi GS. Hakan Rydin: "Em hãy về nước và cố gắng phát triển nhạc Jazz tại Việt Nam". Lúc ấy tôi có đầy đủ cơ hội để trở thành công dân của Thụy Điển. Còn với Bôm hay tất cả các học sinh sinh viên khoa Jazz chúng tôi đều nhắn nhủ với các em rằng chuyên môn cần và phải có, phải luôn luôn không ngừng rèn luyện phấn đấu và học hỏi. Song song với nó hãy làm và trở thành một nghệ sĩ chân chính. Và nghệ sĩ chân chính tức là hãy làm nghệ thuật bằng cả trái tim.
Lần biểu diễn đáng nhớ cho Tổng thống Trump xem
- Anh vừa biểu diễn tại "Jazz Festival Ystad" ở Thụy Điển. Sự kiện này được giới chuyên môn đánh giá "5 sao" với sự quy tụ hơn 300 nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới. Toàn bộ số vé của chương trình đều được bán hết thậm chí BTC còn mời anh biểu diễn thêm một buổi nữa. Anh có thể chia sẻ gì về sự kiện lớn này?
Đây là một niềm vinh, tự hào với tôi nói riêng khoa nhạc Jazz tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nói chung. Bởi nhìn những tên tuổi nghệ sĩ Jazz lớn thế giới tiêu biểu như: Benny Golson, Charles Lloyd, NDR Bigband, Joyce Moreno, Nils Landgren, Paolo Fresu, Richard Galliano... - những người từ trước tôi phải học, nghe các bậc thầy qua băng đĩa sách vở nay đứng trên cùng sân khấu nên cảm giác khá "run''.
Clip: TS Tiến Mạnh chơi tác phẩm "Sakta vi gå genom stan - Ahlert Turk" tại Stockholm.
Tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi này cẩn thận bằng việc đến Thụy Điển sớm hơn 15 ngày chỉ để tập đàn. Ngoài việc ban tổ chức chi trả chi phí ăn ở đi lại và thù lao biểu diễn tuy nhiên việc đến sớm hơn 15 ngày là phần chi phí phát sinh tôi phải tự bỏ tiền túi ra chỉ để tập đàn. Cần nói thêm rằng đối với các nghệ sĩ nhạc Jazz tập luyện luôn là quá trình dài từ lúc còn là học sinh đến khi tốt nghiệp và vẫn tiếp tục tập đến lúc cuối đời có những ngày tôi tập đàn 12 đến 15 tiếng.
Chương trình tôi biểu diễn thời lượng hơn 70 phút, tôi lại đánh độc tấu từ đầu đến cuối cũng có áp lực nhất định vì không cẩn thận sẽ bị nhàm và một màu do đó thay vì chuẩn bị 12 đến 14 bài tôi đã chuẩn bị 30 bài và báo cho ban tổ chức chương trình để mở để có thể quyết định hoàn toàn trong lúc biểu diễn bằng việc xem không khí khán giả, cảm xúc của mình. Cả chương trình tôi đánh thuộc lòng không nhìn bài cũng là một áp lực khá lớn.
- Anh đã kể câu chuyện âm nhạc như thế nào để dẫn dụ khán giả nước ngoài dõi theo trong suốt hơn 70 phút?
Về ý tưởng buổi diễn tôi đã cố gắng kể câu chuyện bằng âm nhạc đưa khán giả vào câu chuyện âm nhạc của mình từ khi còn bé đến khi lớn. Các tác phẩm diễn trong chương trình này đều là những tác phẩm tôi được nghe qua băng đĩa sách nhạc từ hồi khi 10 tuổi cho đến lúc tôi tốt nghiệp đại học, cao học và có bằng tiến sĩ. Nó là câu chuyện về hành trình vì sao tôi thích nhạc Jazz và vì sao sống “chết” với nó.
Sau buổi diễn tôi nhận được rất nhiều lời chúc mừng và phản hồi tốt từ các nhà báo, nhà phê bình nhạc Jazz thế giới. Đặc biệt hơn khi tôi tiếp tục được mời cá nhân biểu diễn độc tấu tại Đan Mạch cho giới hoàng gia của đất nước này cùng kết hợp song song với chuyến lưu diễn 3 buổi hoà nhạc 50 năm quan hệ ngoại giao Thụy Điển và Việt Nam do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức.
- Anh là nghệ sĩ nhạc jazz hiếm hoi khi được lựa chọn biểu diễn rất nhiều concert quan trọng của quốc gia như: Lễ đón tiếp Chủ tịch Triều Tiên - Kim Jong Un, Tổng thống Mỹ - Donald Trump hay biểu diễn cho nữ hoàng Đan Mạch, Các nguyên thủ trong diễn đàn WEF.... Khi trình diễn cho khán giả "siêu VIP" anh có áp lực hay lo lắng gì?
Đây là niềm vinh dự không chỉ cho cá nhân tôi mà toàn thể tập thể cán bộ giảng viên các thầy của khoa Jazz. Cá nhân tôi cũng chỉ đóng góp một phần nhỏ cho sự thành công của khoa Jazz và với chúng tôi những chương trình đặc biệt này là sự ghi nhận của Đảng, nhà nước và lãnh đạo Bộ Văn hoá Thể thao và du lịch, Ban giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Kỷ niệm đang nhớ nhất đối với tôi là chuyến đi lưu diễn phục vụ cho Nữ hoàng Đan Mạch Margarethe II. Trước giờ diễn Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có đến bắt tay gặp gỡ các nghệ sĩ trong đó có tôi. Lúc được Chủ tịch nước bắt tay tôi “run” và cảm động trước sự giản dị gần gũi của Chủ tịch nước đối với anh em nghệ sĩ. Tôi có chút lo lắng không biết có diễn được không tuy nhiên lúc ra sân khấu lại thành con người khác, chương trình thành công và tôi vinh hạnh được diện kiến nữ hoàng và công nương Mary của Đan Mạch.
Kỷ niệm thứ 2 gần đây nhất là nguyên Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Tổng thống Mỹ Donal Trump. Lúc đến tiết mục nhạc Jazz Cố Chủ tịch nước có bắt tay Tổng thống Trump và nói một giới thiệu về nhạc Jazz, lúc đó tôi rất tự hào nhạc Jazz Việt Nam và ngay sau đó trợ lý của Nhà Trắng có điện khen ngợi về chương trình này với văn phòng Chủ tịch nước.
TS Tiến Mạnh chụp với Hội đồng chủ tịch ystad Jazz festival. |
- Khát vọng đem Jazz Việt Nam đến với thế giới là điều nhiều nghệ sĩ mong mỏi, nhưng "sứ mệnh" này còn lắm gian nan bởi ngay tại Việt Nam nhiều người coi Jazz Việt Nam là thứ âm nhạc kén người nghe. Là giảng viên đang phụ trách khoa Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia, anh có những trăn trở gì?
Càng gian nan chúng tôi càng phải gắng sức và quyết tâm. Việt Nam chúng ta đã đi chậm hơn nhiều so với công tác đào tạo và biểu diễn nhạc Jazz thế giới hàng thập kỷ tuy nhiên tôi tin tưởng vào khoảng cách này ngày càng sẽ được rút ngắn lại trong 5 đến 10 năm tới. Thuận lợi của lứa nghệ sĩ Jazz chúng tôi tiêu biểu như: Quyền Thiện Đắc, Lê Duy Mạnh, Lương Xuân Thịnh, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Hiền Đức.... là sức trẻ và được đào tạo bài bản chính quy khác với các thế hệ trước là PGS.TS.NSƯT Lưu Quang Minh, NSƯT Quyền Văn Minh, NSƯT Hoàng Tùng - các thầy tự học tự nghiên cứu qua các đợt Masterclass của các nghệ sĩ và băng sách đĩa nước ngoài.
Nhạc Jazz không hề kén người nghe không hề khó như nhiều người mường tượng. Mọi thứ đều có thể trở thành nhạc Jazz bởi nhạc Jazz đặc trưng của nó là sự sáng tạo và nghệ thuật ngẫu hứng. Tuy nhiên để làm được điều đó cũng cần phải được học bài bản. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau là “bịa” trong khuôn khổ trong bài bản.
Khó khăn thứ nhất chính là hiện có nhiều trung tâm âm nhạc lớn nhỏ có đào tạo về nhạc Jazz tuy nhiên chỉ hiện chỉ có duy nhất khoa Jazz tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam là đào tạo nhạc Jazz chính quy. Ngoài ra chúng tôi còn hỗ trợ cho Học viện âm nhạc Huế và Nhạc viện TP.HCM. Vài năm gần đây số lượng người học nhạc Jazz đông mà trở thành giảng viên của khoa Jazz không phải dễ bởi quá trình này ít phải trải qua hơn một chục năm phải biểu diễn để lấy kinh nghiệm.... Tập thể khoa Jazz luôn chú trọng công tác chuyên môn lên hàng đầu mặc dù được ủng hộ của lãnh đạo tuy nhiên ngân sách còn hạn chế.
Sơn Hà
Bất ngờ với màn chơi đàn của con trai diễn viên Quốc Tuấn
Bé Bôm - con trai nghệ sĩ Quốc Tuấn đã có phần trình diễn tốt khi chơi một tác phẩm kinh điển nhạc Jazz nổi tiếng nhịp lẻ tối 30/11 tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam.