Theo hãng tin Nga RT, những người Áo vàng cho biết, bằng cách đe dọa hệ thống tài chính, họ muốn đấu tranh ôn hòa để buộc Chính phủ Pháp phải thông qua các chương trình cải cách của họ.

{keywords}
Ảnh: Reuters

"Nếu các ngân hàng suy yếu, nhà nước cũng lập tức suy yếu", RT dẫn lời Tahz San, một "người có cảm tình" với phong trào Áo vàng, tuyên bố trên Facebook. "Đó là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với các quan chức được dân chọn bầu".

Người biểu tình dự kiến sẽ rút cạn các tài khoản ngân hàng của họ vào thứ Bảy tới (12/1), rút nhiều nhất có thể. Kế hoạch này nhằm "đe dọa nhà nước một cách hợp pháp và không có bạo lực", buộc chính phủ phải chấp nhận Sáng kiến Trưng cầu Dân ý của người dân mà phong trào biểu tình đưa ra, theo đó cho phép các công dân đề xuất và bỏ phiếu về các luật mới.

"Chúng tôi sẽ giành lại bánh mì của mình... Các người đang kiếm tiền từ tiền của chúng tôi, và chúng tôi chán ngấy rồi", người biểu tình tên là Maxime Nicolle nói trong một thông điệp video đăng trên Youtube.

Một hành động tài chính được phối hợp tốt có thể khiến hệ thống ngân hàng Pháp sụp đổ, vì ngân hàng luôn nắm một phần quỹ mà người dân nước này có trong các tài khoản của họ. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng giới hạn lượng tiền rút qua máy tự động (ATM), do vậy người biểu tình sẽ phải xếp hàng bên trong các nhà băng để rút nốt phần còn lại.

Như vậy có nghĩa là nhà chức trách có đủ thời gian để áp đặt các giới hạn rút tiền. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ sẽ khiến biểu tình phản đối càng trở nên gay gắt hơn.

Cách biểu tình tài chính này là một phương thức mới của phong trào Áo vàng nhằm phá hỏng kế hoạch trấn áp "những cuộc biểu tình trái phép" mà Thủ tướng Edouard Philippe thông báo mới đây sau một cuối tuần bạo loạn. Ông Philippe tuyên bố 80.000 nhân viên an ninh sẽ được triển khai cho biểu tình cuối tuần tới.

Trong khi đó, chia rẽ đang tồn tại bên trong chính phong trào Áo vàng, với một số cựu thủ lĩnh kêu gọi theo đuổi một giải pháp chính trị. Chính phủ đề nghị người biểu tình hãy cất lên tiếng nói của mình trong một cuộc thảo luận toàn quốc thay vì đổ ra đường như hai tháng vừa qua. Cuộc thảo luận này, dự kiến vào tuần tới, sẽ bao gồm nhiều vấn đề, từ biến đổi khí hậu cho tới "các vấn đề dân chủ", thuế và dịch vụ công.

Thanh Hảo