Buổi chiều cuối năm 2021, trong căn xưởng ở đường Nguyễn Đăng Tuyển (quận Sơn Trà) anh Hà cùng nhân viên tất bật làm hoàn thiện các bức tranh từ giấy dừa để kịp giao cho khách.
Cành dừa bỏ đi trở thành giấy và tranh
Để làm ra loại giấy đặc biệt này anh Hà nhớ lại, trong một lần đi dọc bờ biển từ Hội An về Đà Nẵng, anh thấy những cành dừa cạn sau khi được cắt tỉa thì bị gom lại, bỏ thùng rác.
Ngay lúc đó, anh nghĩ ngay đến việc tận dụng những cành dừa bỏ đi này để làm ra một loại giấy. Trước đó, anh từng dùng cành dừa nước để làm giấy.
Anh Lê Thanh Hà dùng cành dừa vứt đi ở bãi biển làm giấy và tranh |
Cành dừa cạn thu gom sẽ được chẻ ra lấy lõi trắng, sau đó nấu lên và xay nhuyễn để làm ra tranh giấy dừa |
“Tôi nghiên cứu và làm thử thì thành công ngay lần đầu. Khi quan sát xơ của cành dừa cạn, nhận thấy giống hoàn toàn với xơ của cành dừa nước nên tôi biết chắc chắn là làm giấy được”, anh Hà Kể.
Thay vì những cành dừa khi chặt đi sẽ trở thành rác thải thì anh đến dọc bờ biển, khu nghỉ dưỡng lấy về để làm giấy.
Để làm ra giấy, anh Hà chặt cành dừa thành từng đoạn nhỏ, lấy lõi trắng bên trong sau đó ngâm nước, còn lớp vỏ màu xanh bên ngoài và lá dừa được dùng để làm chất đốt. Những lõi dừa dừa sau đó đem đi nấu với vôi trong 24h để cho ra xơ dừa chín rồi bỏ vào máy nghiền thành bột.
Bột dừa được dàn phẳng trên khung lụa và tiến hành in họa tiết. Phương pháp in bằng áp lực nước |
Ảnh: Lê Thanh Hà |
Sau khi hoàn thiện bức tranh từ giấy dừa sẽ mang đi phơi khô để đóng khung, đèn |
Từ bột dừa anh Hà giàn phẳng trên khung lụa. Khi giấy đã đạt độ phẳng nhất định thì tiến hành in họa tiết, hoa văn, hình ảnh rồi đem đi phơi nắng. Điều đặc biệt của loại tranh này không chỉ được làm từ một nguyên liệu tái chế, mà tranh giấy dừa còn thu hút bởi một quy trình sáng tác rất công phu.
“Công đoạn làm ra một bức tranh không phải đơn giản. Những hoa văn, họa tiết, hình ảnh phải vẽ bằng tay, vẽ lại trên máy rồi in decal, tự tay cắt lại, dán lên khuôn để tạo nên một khuôn in hoàn chỉnh.
Từ khuôn này sẽ dùng phương pháp in bằng áp lực nước, tạo nên những lớp dày, mỏng theo ý muốn trên mặt giấy. Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, không dùng đến hóa chất, kể cả những hóa chất được phép sử dụng nhằm giữ nguyên vẹn màu sắc, tạo nên đặc trưng tự nhiên của giấy dừa.”, anh Hà chia sẻ.
Muốn quảng bá giấy dừa ra khắp thế giới
Tranh làm từ giấy dừa của anh Hà đa dạng các chủ đề như khung cảnh, voọc chà vá chân nâu, sen, chân dung, thiền… Bên cạnh các đơn hàng nội địa thì đã xuất đi nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Italia…
Tranh giấy dừa với đủ các thể loại |
Theo anh Hà, để làm hoàn thiện một bức tranh giấy dừa thì đầu tiên phải biết vẽ, khéo léo, nhẫn nại. Với bức tranh họa tiết đơn giản thì mất khoảng 7 ngày để hoàn thiện, còn tranh về chân dung đòi hỏi độ khó cao thì gần 30 ngày.
“Tâm nguyện của tôi là luôn chia sẻ tất cả những gì tôi biết, truyền nghề cho những ai muốn để có thể lưu giữ, đưa nghề làm giấy dừa này đến được với nhiều người hơn.
Bên cạnh đó giúp quảng bá tranh giấy dừa mang hồn Việt cho bạn bè thế giới biết đến. Với tôi nên cạnh tranh bằng trí tuệ, kiến thức chứ không nên cạnh tranh bằng bí quyết”, anh Hà bộc bạch.
Hồ Giáp
Đà Nẵng thưởng Tết Nguyên đán cao nhất hơn 1,4 tỷ đồng
Mức thưởng Tết Nguyên đán trên địa bàn TP Đà Nẵng cao nhất là hơn 1,4 tỷ đồng, thấp nhất là 200.000 đồng.