Chồng của bà Thân Ngọc Hương là bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, Trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Bác sĩ Nhẫn cũng là nhân viên y tế đầu tiên tại TP.HCM mất trong đợt dịch Covid-19 khốc liệt vừa qua.

{keywords}
Bà Thân Ngọc Hương, vợ bác sĩ Nhẫn, trong đêm tưởng niệm nạn nhân tử vong vì Covid-19. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

“Tháng 11 năm nay, anh Nhẫn tròn 60 tuổi. Có lúc tôi khuyên anh hay nghỉ hưu sớm vì công việc cực nhọc quá, nhưng anh không chịu! Anh ấy sống trọn vẹn với mọi người, mất đi cũng trọn vẹn với nghề”, bà Hương trải lòng về chồng mình.

Trong 38 năm gắn bó với xã Phước Lộc, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn là bác sĩ duy nhất tại trạm y tế. Dịch Covid-19 bùng lên, ông cùng 4 nhân viên của Trạm thực hiện "núi" công việc như: truy vết F0, khoanh vùng F1, lấy mẫu cộng đồng, vận động bà con thực hiện 5K.

Ông cũng trực tiếp đưa các F0 của xã Phước Lộc lên khu cách ly tập trung của huyện Nhà Bè. Công việc quá tải, nguy cơ nhiễm bệnh cao, người thân không thể không lo lắng.

Khi TP.HCM triển khai đợt tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên cho lực lượng tuyến đầu, bác sĩ Nhẫn nằm trong danh sách này. Tuy vậy, sau nhiều lần đi tới đi lui, ông đều phải trì hoãn.

Lý do ông bị huyết áp cao, không đạt tiêu chuẩn theo quy trình tiêm ngừa. (Đến ngày 10/9, Bộ Y tế ra quy định mới chỉ đo huyết áp trước khi tiêm vắc xin với một số đối tượng nhất định).

{keywords}
Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (người ở giữa) trong một lần làm nhiệm vụ. 

Không có “áo giáp” bảo vệ nhưng ông vẫn tiếp tục ra trận. Cuối tháng 6/2021, dịch bắt đầu căng thẳng khắp TP. Tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, có thời điểm phát hiện hàng chục F0 chỉ trong một buổi lấy mẫu.

Công việc quá tải, làm xuyên ngày xuyên đêm, bác sĩ Nhẫn ở lại trạm, không về nhà. Theo bà Hương, đó cũng là cách ông bảo vệ gia đình.

Nhìn chồng cực nhọc và đối mặt với nguy hiểm, bà khuyên ông nghỉ hưu sớm để ở nhà với các cháu. Thâm tâm bà rất sợ, nếu mắc bệnh, ông thuộc nhóm nguy cơ cao vì dư cân. Thời điểm đó, chỉ 4 tháng nữa là bác sĩ Nhẫn đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Ông trả lời: “Mình trốn tránh thì anh em còn biết trông vào ai. Chỉ cần cố gắng vài tháng thôi, TP sẽ yên ổn”. Thế nhưng, ngày 11/7, gia đình bác sĩ Nhẫn đều dương tính với nCoV (vợ chồng, 2 con, 2 cháu ngoại). Tất cả được đưa đi cách ly tập trung, sau đó chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 6.

Tại đây, bác sĩ Nhẫn vẫn tiếp tục tư vấn qua điện thoại cho người bệnh xã Phước Lộc, dù ông bắt đầu thấm mệt. Ít ngày sau, ông rơi vào hôn mê, được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại TP Thủ Đức (Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2).

“Tôi thấy trên xe cấp cứu là anh ấy đã 'ngáp cá' rồi, tôi lo lắm vì biết đó là dấu hiệu nguy kịch”, bà Hương nhớ lại.

Được can thiệp kịp thời, bác sĩ Nhẫn hồi phục dần, thường xuyên gọi điện để nhìn vợ con, chia sẻ những tâm tư về dịch bệnh. Gia đình bà Hương đã hy vọng về sự đoàn tụ. Thế nhưng đến ngày 29/7, không còn cuộc điện thoại nào gọi về cho bà mỗi tối để hỏi, “hôm nay nhà mình ăn gì?”.

{keywords}
Bà Hương cùng cháu ngoại bên di ảnh bác sĩ Nhẫn. 

“Lần cuối cùng, tôi nói chuyện điện thoại với anh Nhẫn là ngày 29/7. Anh đã chuyển nặng mà gia đình chưa hay biết. Tôi mất liên lạc đến ngày 4/8 thì bệnh viện báo tin, anh qua đời rồi”.  

Người chồng bà Hương tự hào, thương yêu hết lòng, nay trở về với gia đình trong một hình dáng khác. Các chiến sĩ bộ đội đã trao lại tro cốt của bác sĩ Nhẫn vào một ngày đầu tháng 9.

“Khi sống, anh Nhẫn vì cái chung. Lúc mất đi, cũng trọn vẹn với nghề. 38 năm gia đình tôi ở Phước Lộc, bao nhiêu vất vả anh ấy nhận hết về mình. Gia đình tôi tự hào về anh, dù tôi đau lắm”, bà Hương chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho biết, từ khi Phước Lộc còn là vùng sông nước, bác sĩ Nhẫn đã chèo ghe khám bệnh, cấp cứu cho bà con. 38 năm qua, ông là bác sĩ duy nhất của vùng này.

 “Vất vả lắm! Bà con chúng tôi tiếc thương bác Nhẫn”, ông Trung chia sẻ.    

{keywords}
Trạm Y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, nơi bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn gắn bó 38 năm.

Ngày 5/9, Chủ tịch nước đã ký quyết định Truy tặng Huân chương lao động hạng Ba cho bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Sở Y tế TP.HCM cũng đã có kiến nghị gửi lên Bộ Y tế và UBND TP đề nghị các cơ quan chức năng công nhận, truy tặng liệt sĩ cho bác sĩ Nhẫn, Trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Linh Giao

Những giọt nước mắt trong đêm tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19

Những giọt nước mắt trong đêm tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19 được tổ chức giản dị, trang trọng nhưng đầy nhân văn. Nhiều người đến dự đã không kìm được nước mắt khi gợi nhớ đến những người đã mất.