Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh liệt sĩ ((27/7/1947 - 27/7/2024), phóng viên có cuộc trò chuyện với ông về việc làm ý nghĩa và ngày càng cấp thiết này.
Ông Phan Văn Quý tâm sự: “Hiện nay, không chỉ là những người đồng đội của chúng tôi mà đặc biệt là các thân nhân liệt sĩ và nhìn rộng ra là toàn xã hội đang rất trăn trở, quan tâm tới vấn đề tìm lại tên liệt sĩ.
Trong thực tế, chúng tôi được tiếp xúc với một số thân nhân liệt sĩ, nhiều mẹ liệt sĩ bày tỏ tâm nguyện “mẹ chỉ có một mong muốn duy nhất là trước lúc nhắm mắt xuôi tay, tìm và đưa được hài cốt con mình trở về với gia đình, với quê hương”.
Theo ông, công tác tìm lại các liệt sĩ hiện chưa biết tên đang gặp những vấn đề gì?
Ai cũng biết, chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, việc giám định gen từ hài cốt liệt sĩ đòi hỏi phải chạy đua với thời gian, càng chậm thì việc giám định ADN để xác định danh tính liệt sĩ càng khó khăn hơn. Đến nay, vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang nhưng còn thiếu thông tin.
Hơn 10 năm qua, đơn vị chúng tôi đã đóng góp nhiều tỷ đồng, cùng với Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam thực hiện chương trình giám định gen liệt sĩ. Đây là kinh nghiệm quý báu mà chúng tôi có để nhân rộng hơn trong việc hỗ trợ chương trình trả lại tên cho liệt sĩ theo chủ trương của Nhà nước ta.
Điều gì đã thôi thúc ông và đồng đội tham gia đề xuất thành lập Quỹ tìm lại tên cho đồng đội?
Chương trình giám định gen cho liệt sĩ là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, các bộ ngành đang khẩn trương xúc tiến và đã có những kết quả rất tích cực.
Vì thế, chúng tôi gồm đơn vị chúng tôi cùng một tập đoàn lớn khác và Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, đã đưa ra ý tưởng thành lập Quỹ Tìm lại tên cho đồng đội để cùng chung tay với Nhà nước trong việc thực hiện công tác tri ân liệt sĩ. Gần một năm qua, đề án thành lập quỹ đã được gửi tới các cơ quan chức năng và đang trong quá trình được các bộ, ngành xem xét.
Quỹ tìm lại tên cho đồng đội sẽ hoạt động như thế nào trong việc tìm kiếm thông tin liệt sĩ, thưa ông?
Từ trước đến nay, những việc làm quy mô, kế hoạch tổng thể, thì Nhà nước đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, còn tồn tại một số vấn đề nhỏ nhưng hết sức thiết thực đối với các gia đình liệt sĩ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin.
Nếu quỹ được thành lập, chúng tôi chỉ tập trung hỗ trợ gia đình, thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn bằng cách tư vấn, hỗ trợ một phần kinh phí giúp các gia đình liệt sĩ có thể tiếp cận nhanh nhất nguồn thông tin về các liệt sĩ.
Hỗ trợ đưa các thân nhân về các nghĩa trang liệt sĩ, về các chiến trường xưa để tìm các nguồn thông tin về các liệt sĩ.
Nguồn kinh phí ban đầu của quỹ do các thành viên sáng lập đóng góp và sau này sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa. Điều lệ hoạt động của quỹ đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp với các bộ ngành của Nhà nước, đúng với chức năng hỗ trợ của quỹ do Nhà nước quy định.
Ông có thể kể lại một kỷ niệm nào đáng nhớ đối với bản thân trong hành trình nhiều năm đi tìm đồng đội?
Tôi vốn là một người lính, lại có thời gian dài làm việc tìm lại đồng đội suốt những năm sau chiến tranh nên kỷ niệm thì có rất nhiều. Điểm chung là rất nhiều hoàn cảnh tại nhiều địa bàn đều để lại trong chúng tôi sự thiêng liêng, xúc động khó nói thành lời. Chứng kiến chúng tôi đi tìm đồng đội, 2 nhà thơ Trần Đăng Khoa (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) và Lê Thị Thúy Sen có làm một bài thơ mà tôi và đồng đội thấy rất thấm thía. Bài thơ có tên “Đồng đội đi tìm đồng đội”
“Đất nước đã vẹn toàn, thống nhất
Mà sao lòng mẹ vẫn tái tê
Cuộc chiến tranh từ lâu đã tắt
Các con vẫn biền biệt chưa về?
Nơi nào các anh, chị nằm lại
Sông dài, rừng, biển bao la?
Bao chiến trận oai hùng năm ấy
Giờ âm u thăm thẳm rừng già…
Những liệt sĩ chưa biết tên hóa núi sông đất nước
Bao nấm mộ thiêng liêng trải đến tận chân trời…
Các anh chị thành chiến công bất tử
Để núi sông bền vững đến muôn đời
Còn bao nhiêu nỗi niềm day dứt
Thương người đang gối đất, nằm sương
Phải tìm lại tên các anh hùng liệt sĩ
Đưa anh chị về với cha mẹ, quê hương…
Đồng đội lặn lội tìm đồng đội
Những yêu thương đùm bọc nhớ thương….
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi chân thành này!