Đã từng được sở hữu 49%

Nghị định 76/2007/NĐ-CP về kinh doanh hàng không và vận chuyển hàng không chung, Khoản b Điều 10 quy định “nước ngoài không chiếm quá 49% vốn điều lệ đối với hãng hàng không, hoặc 49% vốn điều lệ đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung; một cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài không chiếm quá 30% vốn điều lệ”.

Cách đây hơn 10 năm, chính sách này được cho là khá thông thoáng khi cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào hàng không Việt Nam hoặc liên doanh liên kết thành lập hãng bay mới, với mức vốn góp lên tới 49%.

Tiên phong là việc Tập đoàn Qantas của Australia năm 2007 rót 50 triệu USD (khoảng 890 tỷ đồng thời điểm đó) mua lại 30% vốn tại Jetstar Pacific. Trong cuộc đua với hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á AirAsia, Qantas thắng chung cuộc, trở thành nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên góp vốn vào một hãng hàng không của Việt Nam.

{keywords}
 AirAsia từ bỏ thị trường hàng không Việt Nam sau nhiều lần gia nhập thất bại

Về phía AirAsia, sau thất bại trên, vẫn kiên trì tìm đối tác để tiếp tục lập hãng hàng không mới tại Việt Nam, lần này Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được chọn. Hai bên đã đạt được thỏa thuận chung. AirAsia lo về phần bay và góp 30% vốn, Vinashin lo các thủ tục, giấy phép. Song, kế hoạch của AirAsia một lần nữa đổ vỡ, cũng chính bởi lý do liên quan đến phần góp vốn của nhà đầu tư ngoại trong việc thành lập hãng hàng không nội.

Sự thâm nhập thành công của Qatas và khả năng tập đoàn này còn nâng vốn lên nữa tại Jetstar Pacific, cùng với sự nhăm nhe nhòm ngó của nhiều nhà đầu tư nước ngoài,... nên trong nước xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại. Rằng việc mở “room” rộng như vậy sẽ khiến hàng không nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam; rằng các hãng bay mới với tiềm lực tài chính mạnh sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, “đè bẹp” hãng bay trong nước,.v..v...

Do vậy, Nghị định 30/2013/NĐ-CP ra đời sau đó đã siết chặt ngay: nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư quá 30% vốn điều lệ tại một hãng hàng không. Quy định này được giữ nguyên tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Tuy nhiên, trước sự phát triển bùng nổ của thị trường hàng không Việt Nam khi luôn tăng trưởng ở mức hai con số, nhu cầu về nguồn vốn tăng cao cùng với yêu cầu đặt ra về những điều kiện gia nhập thị trường hàng không cân bằng hơn giữa các nước,... một lần nữa đề xuất nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các hãng hàng không lại được đặt ra. Trong khi Vietjet Air muốn nâng tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào hàng không lên 49%, thì Vietnam Airlines và Jetstar Pacific (mà Vietnam Airlines giờ là cổ đông lớn nhất với gần 70% vốn) vẫn muốn giữ nguyên như hiện tại (30%).

Được biết, ban đầu, khi lấy ý kiến các doanh nghiệp hàng không về dự thảo Nghị định hồi tháng 7/2018, tại khoản 3, Điều 8 (điều kiện về vốn), Bộ Giao thông Vận tải từng đề xuất cho phép nước ngoài đầu tư không quá 49% vốn điều lệ tại hãng hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, khi trình dự thảo lên Chính phủ, Bộ đã chọn giải pháp dung hòa khi chỉ nâng tỷ lệ này từ 30% lên 34%.

Làm mất giá hàng không Việt

Mới đây, ngày 15/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 89/2019/NĐ-CP sửa đổi một số điều Nghị định 92/2016 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng, trong đó chính thức chỉ cho phép các hãng hàng không Việt Nam bán tối đa 34% cổ phần cho nước ngoài thay vì 49% như một số hãng đề xuất.

{keywords}
 Chúng ta đang làm mất giá các doanh nghiệp hàng không Việt Nam trong sự cân nhắc của các nhà đầu tư nước ngoài.

Bình luận về câu chuyện này, một chuyên gia hàng không nhận xét, con số 34 thật “kỳ lạ”. Bởi, để có quyền phủ quyết một số nội dung theo quy định của theo Luật Doanh nghiệp, nhà đầu tư cần có vốn điều lệ 35%.

Ông thẳng thắn nhìn nhận: “Đã không được đầu tư ở mức trên 51% vốn điều lệ để có quyền dẫn dắt, quyết định cũng không cho họ quyền phủ quyết. Nhà đầu tư bỏ tiền ra mà không có tiếng nói gì, chẳng hạn như phủ quyết một số điều mà cổ đông Việt Nam đưa ra không hợp lý, thì không hấp dẫn nhà đầu tư”.

Trong khi đó, Vietnam Airlines sang Campuchia đầu tư thành lập Angkor Air được góp vốn tới 49%, Vietjet Air sang Thái Lan thành lập Thai Vietjet cũng được đầu tư 49% vốn điều lệ.

Do vậy, chuyên gia trên cho rằng, vấn đề này cần được xem xét lại. Bởi, nếu khống chế ở mức 34%, về bản chất là không cho họ quyền phủ quyết. Điều đó có nghĩa chúng ta đang làm mất giá các doanh nghiệp hàng không Việt Nam trong sự cân nhắc của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong diễn biến mới đây, CEO của AirAsia, ông Tony Fernandes, mới đây đã tuyên bố từ bỏ thị trường hàng không Việt Nam sau nhiều lần gia nhập thất bại. Hay Lion Air - hãng hàng không lớn nhất Indonesia - đã lên kế hoạch thành lập một liên doanh mới tại Việt Nam vào quý 2/2017. Hãng này từng đàm phán với một đối tác Việt Nam, ký biên bản ghi nhớ tại Jakarta về việc sử dụng thương hiệu Batik Air tại thị trường Việt Nam. Dự kiến, Lion nắm 49% vốn trong liên doanh, còn 51% thuộc đối tác trong nước. Song, điều này là không được phép tại Việt Nam, ý tưởng lập liên doanh thành lập của hãng Lion Air sau đó cũng tan vỡ.

Về lo ngại việc nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tỷ lệ 49% vốn điều lệ, dẫn đến việc lập hãng hàng không chỉ để có giấy phép rồi bán “lúa non”, thực tế cho thấy, các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Campuchia đều cho nhà đầu tư nước ngoài góp 49% vốn, Philippines là 40%,... Hơn nữa, các hãng hàng không hoạt động trong khuôn khổ chính sách, pháp luật Việt Nam, liệu điều này có thể xảy ra?.

Ngọc Hà

Một quyết định mới, lập hãng hàng không, xây sân bay dễ hơn nhiều

Một quyết định mới, lập hãng hàng không, xây sân bay dễ hơn nhiều

Chỉ cần 300 tỷ đồng là có thể kinh doanh vận tải hàng không, cả khai thác nội địa và quốc tế; vốn tối thiểu của DN cảng hàng không là 100 tỷ đồng,... những quy định mới “dễ thở” hơn tại Nghị định 89, có hiệu lực từ 1/1/2020.