Buổi đối thoại là một trong những hoạt động thuộc Dự án "Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa".

Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các Dự án nhỏ tại Việt Nam tài trợ, Hội do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa điều phối và thực hiện. 

Dự án diễn ra từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024 với mục tiêu xây dựng và triển khai cơ chế đối thoại công - tư trong bảo vệ môi trường và rạn san hô phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vịnh Nha Trang; tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân…

Tại buổi đối thoại, những người dân vươn khơi bám biển đã có dịp chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. 

Một trong những mong muốn lớn nhất của nhiều người dân Bích Đầm lúc này là có mô hình sinh kế giúp ổn định cuộc sống; có điện để trữ đông được thủy sản đánh bắt, không phải bán nhanh với giá rẻ…

anh bai 2.jpg
Một trong những mong muốn lớn nhất của nhiều ngư dân là có mô hình sinh kế giúp ổn định cuộc sống.

Ghi nhận đề xuất, kiến nghị của người dân Bích Đầm, người đứng đầu ngành Nông nghiệp nêu bật tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển bền vững ngành nghề thuỷ sản. Bà con ngư dân duy trì nghề này không chỉ đơn thuần vì lợi ích kinh tế mà còn chung tay giữ gìn văn hóa, truyền thống, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành Thủy sản Việt Nam đang có sự thay đổi lớn, chuyển từ mô hình chỉ tập trung vào đánh bắt và nuôi trồng sang hướng tiếp cận toàn diện hơn (vừa đánh bắt vừa bảo tồn theo các hình thức đa dạng, phong phú; thu hút du lịch cùng bảo tồn nghề cá”.

“Bảo vệ nguồn lợi thủy sản không chỉ là bảo vệ ngành nghề mà còn là bảo vệ chính mình và thế hệ tương lai” là thông điệp được Bộ trưởng nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong buổi đối thoại với ngư dân.

Cùng với đó, Bộ trưởng khuyến nghị bà con cần thay đổi nhận thức về phát triển sinh kế: Không nên chỉ dừng ở mong muốn được cấp tiền để sắm tàu ra khơi đánh bắt cá, mà nên dịch chuyển sang hướng phát triển du lịch trên đảo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thực tế ngư trường đang dần cạn kiệt, môi trường không thể tái tạo, nên việc tập trung khai thác cá tôm dưới biển để sống sẽ ngày càng khó đem lại hiệu quả sinh kế cao.

Trong khi đó, khu vực này lại sở hữu nhiều giá trị tiềm ẩn về lịch sử, văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên, môi trường… có thể giúp phát triển du lịch, phát triển kinh tế bền vững. Chẳng hạn như như đình Bích Đầm - nơi lưu giữ 5 đạo sắc phong của các đời vua triều Nguyễn, cây cổ thụ hơn 100 tuổi, chùa Bích Sơn… Những giá trị này có thể khai thác lâu dài, không lo bị cạn kiệt, song hiện vẫn chưa được người dân quan tâm đúng mức.

“Việc thay đổi phải bắt đầu từ chính bà con. Bà con quyết tâm thay đổi thì sẽ có những người chung tay hỗ trợ. Khi dịch chuyển sang hướng phát triển du lịch trên đảo, Bích Đầm được đầu tư hệ thống điện, nước, trạm xá… sự thân thiện mến khách của người dân địa phương sẽ kéo du khách đến đây. Hy vọng những con tàu đánh cá ở đảo Bích Đầm sẽ trở thành tàu đón khách du lịch, và bà con sẽ trở thành hướng dẫn viên cho khách du lịch. Khi đó, đời sống kinh tế của người dân sẽ dần thay đổi”, Bộ trưởng gợi mở viễn cảnh tương lai.

Trước khi kết thúc buổi đối thoại “đầu bờ”, người đứng đầu ngành Nông nghiệp gửi tới bà con ngư dân thông tin vui: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành để đưa Bích Đầm vào vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển xanh và bền vững, cùng chung tay tạo ra hình ảnh mới cho Bích Đầm trong tương lai không xa.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV