Nhận thức sâu sắc điều đó, nhiều năm qua, Việt Nam đã kiên trì, nỗ lực thực hiện các giải pháp để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận cho người dân.

Không ngẫu nhiên quyền tự do ngôn luận được xếp trong 5 quyền tự do cơ bản. Chính phủ cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã sớm nhận rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do ngôn luận cho công dân là cơ sở để mở rộng, phát huy vai trò làm chủ của người dân và khơi nguồn sức mạnh ý chí, trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. 

{keywords}
Ảnh minh họa

Điểm đáng nói là Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hiến định quyền tự do ngôn luận cho công dân sớm hơn trước 2 năm so với bản Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948. Điều đó thêm một lần khẳng định lịch sử lập hiến Việt Nam gắn liền với lịch sử hiến định quyền tự do ngôn luận của công dân, qua đó thể hiện tinh thần nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do ngôn luận cho người dân. 

Nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận của người dân được thực hiện trong cuộc sống, năm 2016, Quốc hội Việt Nam đã ban hành luật Tiếp cận thông tin và luật Báo chí. Trong đó, điều 3 luật Tiếp cận thông tin quy định: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân. 

Điều 11 luật Báo chí năm 2016 cũng có những quy định cụ thể để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, đó là công dân được quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân.

Pháp luật Việt Nam đã tương thích với luật quốc tế về quyền con người; tôn trọng và bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin nói riêng. Quyền và nghĩa vụ công dân trong thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin không chỉ thống nhất, mà còn là điều kiện, tiền đề cho nhau.

{keywords}
Ảnh minh họa

Như vậy, về mặt pháp lý, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng những chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình trong cuộc sống. 

Nhận thức và thực thi đúng quyền tự do ngôn luận 

Bấy lâu nay, khi nói đến quyền tự do ngôn luận, một số người suy nghĩ rằng, tự do ngôn luận là được quyền tự do nói năng, phát ngôn, bình luận, chia sẻ, phát tán thông tin mà không chịu bất cứ sự ngăn cản nào; vì thế nếu ai hạn chế quyền nói năng, phát ngôn, chia sẻ thông tin của người khác là vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân. 

Nhận thức như vậy là phiến diện, sai lầm và ngụy biện. Bởi trên thực tế, không có quyền tự do nào là tuyệt đối, mà chỉ có quyền tự do tương đối. Nếu để tự do tuyệt đối nghĩa là tự do vô giới hạn, vô chính phủ sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, gây ra rối loạn xã hội. Quyền tự do ngôn luận cũng vậy. Nếu ai cũng nói năng bừa bãi, phát ngôn tùy tiện, chia sẻ thông tin bất chấp đúng - sai, thật - giả lẫn lộn, không chỉ làm cho xã hội rơi vào tình trạng rối nhiễu thông tin, mà còn có thể tạo ra những cuộc khủng hoảng thông tin xã hội một cách trầm trọng, từ đó gây mất ổn định an ninh chính trị. 

Kinh nghiệm thực tiễn ở các nước trên thế giới cho thấy, để bảo đảm quyền tự do ngôn luận một cách chính đáng cho công dân, nhất thiết phải tạo ra những khuôn khổ pháp lý, chế tài phù hợp để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận để đăng tải, chia sẻ, phát tán những thông tin sai trái, xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang dư luận xã hội, làm méo mó hình ảnh thể chế, chính quyền. 

{keywords}
Ảnh minh họa

Tự do ngôn luận khác với ngôn luận tự do. Điều này đã được đại đa số quốc gia trên thế giới và cả Liên hợp quốc đều lưu ý trong các hiến chương, đạo luật, quy định về các quyền bảo đảm tự do ngôn luận cho con người. Điều 11, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của nước Pháp đã quy định: “Tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người. Vì thế, bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”. 

Khoản 2, điều 29 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948 nêu rõ: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra nhằm bảo đảm những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”. 

Hay như khoản 3 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Convenant on Civil and Political Rights) cũng xác định quyền tự do biểu đạt không phải là một quyền tuyệt đối mà có thể phải chịu một số hạn chế nhất định được quy định trong pháp luật và là cần thiết để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sự bình yên hoặc đạo đức xã hội.

Qua đó có thể hiểu, quyền đi liền trách nhiệm. Con người muốn có tự do phải hiểu rõ nghĩa vụ, bổn phận của mình được làm những gì, không được phép làm những gì. Công dân muốn được hưởng đầy đủ các quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin thì nhất thiết phải am tường, tuân thủ các quy định pháp luật để thực hiện quyền tự do của mình nhưng không được gây hại đến quyền tự do của người khác và tác động tiêu cực đến đạo đức cộng đồng, an ninh trật tự xã hội. 

Năm quyền tự do cơ bản của công dân là: (1) Quyền bất khả xâm phạm về thân thể; (2) Quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm; (3) Quyền bất khả xâm phậm về chỗ ở (4) Quyền bí mật điện thoại, thư tín, điện tín và (5) quyền tự do ngôn luận.

Hải Văn