Ở Việt Nam tiền mặt vẫn là vua

Tại Tọa đàm trực tuyến: "Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 16/10, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết: Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực với những con số đáng khích lệ. Đặc biệt giá trị giao dịch qua Internet, di động tăng tới 238%.

Tuy nhiên, ông Hải đánh giá rằng mức tăng trưởng giữa các mảng không đồng đều. Giao dịch không dùng tiền mặt ở một số mảng còn khá yếu. “Chẳng hạn, trong thương mại điện tử, hình thức phổ biến vẫn là dùng tiền mặt, khi hàng đến thì khách trả bằng tiền mặt”, ông Hải chia sẻ.

{keywords}
Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam còn chưa phổ biến.

Đại diện Cục thương mại điện tử và kinh tế số cho rằng đã xuất hiện thêm các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có việc áp dụng thanh toán qua tài khoản viễn thông.

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, cho biết: Trong năm 2019, theo một báo cáo, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử số 1 thế giới. Nhưng phải nhìn nhận bản chất của mức tăng trưởng này do chúng ta có điểm xuất phát thấp, nên giai đoạn đầu sẽ có mức tăng trưởng rất nhanh. Dù sao, tiền mặt vẫn là vua ở Việt Nam. Hầu hết giao dịch, hơn 90% vẫn là tiền mặt.

Ngay trong thanh toán không dùng tiền mặt, hầu hết giá trị giao dịch và số lượng giao dịch vẫn tập trung vào dịch vụ chuyển tiền, thanh toán điện, nước, truyền hình.

Tuy vậy, việc phát triển hàng trăm công ty fintech, hàng chục công ty thanh toán trên thị trường hiện nay chứng tỏ thanh toán không dùng tiền mặt rất tiềm năng.

Nói về giải pháp thanh toán qua tài khoản viễn thông, ông Phạm Trung Kiên cho rằng việc sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ là cơ hội lớn cho ngành ngân hàng.

Ông Phạm Trung Kiên giải thích: Giá trị nhỏ đang hiểu là người dân thanh toán tiền uống cốc trà đá, vé gửi xe, mua bánh xà phòng, gói mì, cốc cà phê. Những thanh toán nhỏ lẻ như vậy chưa ai dùng tài khoản ngân hàng. Do vậy, nếu rút điện thoại ra trả tiền được sẽ khá thuận tiện cho người dân. Khi người dân quen thuộc với dùng thanh toán điện tử, họ tiêu dùng những hàng hóa giá trị lớn hơn như mua xe máy, xe đạp, hay cần làm ăn gì, họ cũng sẽ điện tử hóa phương thức thanh toán.

Lôi kéo người dân: Cần dễ dùng

Ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), nhận định, so với các nước trong khu vực, Việt Nam còn nhiều khoảng cách trong việc áp dụng thanh toán điện tử, đòi hỏi cần phải làm nhiều việc mới mong đuổi kịp. Đây là xu hướng toàn cầu, không phải việc chúng ta muốn hay không.

{keywords}
Ở Việt Nam hiện có nhiều đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử

Việt Nam đã có nhiều chính sách lớn để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng để người chơi trong thị trường, DN cung cấp, người tiêu dùng tham gia vào cần hiện thực hóa bằng cơ chế chính sách, các quy định cụ thể.

Thừa nhận rằng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt có những rủi ro nhất định, song đại diện VAFI cho hay bất kỳ lĩnh vực nào, sản phẩm nào cũng có rủi ro nếu người sử dụng không dùng đúng mục đích. Chẳng hạn, một cái dây được dùng để buộc đồ đạc, nhưng lại có thể dùng để trói người. Cho nên, rủi ro hay không phụ thuộc vào người dùng.

“Quan sát của chúng tôi cho thấy các vụ việc liên quan đánh bạc online, hay các vụ việc về thương mại điện tử khác, xuất phát từ con người, chứ không phải là công nghệ. Một khi người ta có công cụ, lại thấy lỗ hổng để kiếm tiền nhanh qua con đường tắt người ta sẽ sử dụng”, ông Phùng Anh Tuấn chia sẻ.

“Cơ hội mang lại nhiều hơn rủi ro nếu chúng ta làm chủ được công nghệ, quan sát được và nắm được vấn đề nằm ở đâu”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Để thúc đẩy thanh toán điện tử, cũng như các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đại diện VAFI cho rằng cần thay đổi quan điểm vận hành về mặt thể chế, không thể có tư duy không quản được thì cấm, hay mở được đến đâu thì quản đến đó. Như vậy chúng ta sẽ mãi mãi đi sau.

Trung Quốc đi sau Mỹ về độ phủ ngân hàng, nhưng nhờ thanh toán điện tử, họ trở thành đi đầu và vượt xa các nước về thanh toán điện tử. Thậm chí họ không dùng tiền mặt nữa, người dân thanh toán cho bà bán xôi chè bằng điện thoại, mã QR,... Cho nên làm thế nào tối đa hóa kênh, phương tiện cho thanh toán điện tử để người ta sử dụng, không cần phải giấy tờ, không cần phải xếp hàng, không cần quá nhiều bước xác thực,... Đó là cách nhanh nhất kéo người dùng đến phương tiện thanh toán mới.

“Nếu không tạo điều kiện dễ dàng cho người sử dụng thì có đẩy đến tay người ta cũng gạt ra thôi”, ông Tuấn nói.

Do đó, đại diện VAFI nhận xét thách thức quan trọng nhất là thay đổi thể chế hiện tại trong việc cấp phép, giám sát quản lí, chấm dứt quan điểm “từ từ xem xét”, để tất cả DN có điều kiện, dù nhỏ hay lớn, chỉ cần có sáng kiến, có khả năng về kinh tế chia sẻ, thanh toán điện tử đều tham gia được.

Ngoài việc tuyên truyền, theo ông Đặng Hoàng Hải, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, cần làm cho người dân hiểu được lợi ích của việc này, cần tạo trải nghiệm cho người dân, cho họ thấy thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích, đảm bảo sự an toàn. Đó là một trong những điều quan trọng

“Khi nói đến thanh toán sử dụng tài khoản viễn thông, thì lợi ích là độ phủ lớn hơn nhiều, đặc biệt vùng sâu vùng xa khi người dân không có tài khoản ngân hàng. Đó là điều giúp ích cho người dân ở những vùng như vậy áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt”, đại diện Cục thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ.

Hà Duy