Cả gia đình tôi - 3 thế hệ - mấy chục năm sống cùng trong một căn nhà rộng chưa tới 30m2 ở con phố đầu ô Yên Phụ (Hà Nội). Chật chội. Đêm phải trải chiếu nằm dưới đất. Mùa hè thì kê cánh cửa nằm ngoài đường. Vậy mà chẳng ai dám nghĩ chuyện mua đất làm nhà.

Thời bao cấp “gạo châu, củi quế” ăn còn chưa đủ, quần áo mặc còn vá lên vá xuống, xe đạp bục lốp còn phải quấn dây cao su đi trên đường nhựa mà nhảy tưng tưng như phi ngựa, nói chi chuyện đất cát, nhà cửa. Chưa kể gạch, ngói, xi măng là thứ hàng chiến lược nhà nước quản lý như ngân hàng giữ vàng bây giờ.

{keywords}
Ảnh bố tôi ngày trẻ

Hồi bố tôi sang Vân Trì, Đông Anh mở cửa hàng sửa chữa đồng hồ, địa phương ở đây cũng cấp cho bố một cái ao ngay mặt đường thị trấn.

Bố tôi thuê đổ mươi xe đất dựng tạm cái lều chông chênh ở bờ ao làm nơi hành nghề. Gọi là ở tạm nhưng cũng tới hơn chục năm cái lều vẫn chỉ là cái lều, thậm chí, mỗi ngày nó một lún hơn xuống phía ao như một con tàu nghếch mũi sắp sửa chìm.

Đến lúc đó bố tôi mới nghĩ đến việc xây nhà? Hay nhiều đêm sau khi chống dột nằm nghe mưa nện như gõ trống trên cái mái lều lợp bằng nhiều lớp giấy dầu cũ xơ cứng mà ông mơ đến một ngôi nhà khang trang?

Chỉ biết một hôm từ Đông Anh về, ông gọi tôi bảo, cậu thích một ngôi nhà ngay chân cầu Đuống, con nhờ ai đến vẽ mẫu. Cậu muốn xây một ngôi nhà như thế.

Tôi nhìn bố mình mà ngỡ ngàng. Hay ông trúng xổ số mà nghĩ chuyện tày đình như vậy? Là người hào phóng, kiếm đồng nào tiêu hết đồng ấy, lấy đâu cả một đống tiền để xây nhà thời đó.

Cả cái chợ Vân Trì ai cũng biết, hễ có con cá nào to nhất chợ, quả mít nào to nhất chợ bày mãi không ai dám mua là người ta nghĩ ngay đến bố tôi. Cứ mang đến, đắt mấy ông cũng mua. Mua xong ông vội vàng đóng cửa hàng hì hụi chở về cho vợ con. Người như thế sao biết căn cơ, hà tiện để có tiền? Nhưng thấy bố tôi nói với vẻ như tha thiết nên tôi bằng lòng làm cái việc mà mình chẳng mấy tin ấy.

Năm đó tôi có chơi thân với một cô bạn đang học đại học kiến trúc. Một cô bé trông như búp bê. Bé bỏng, xinh xắn. Đôi mắt cũng tròn to và hàng mi cong rợp như mắt búp bê.

Tôi chở cô bé trên chiếc xe mifa màu cá vàng có cái gác baga đung đưa như cánh võng suốt từ Hà Nội, qua cầu Long Biên mới đến nơi cần đến.

Hoá ra đây là con đường mỗi lần từ Đông Anh về Hà Nội bố tôi vẫn thường đi. Ngôi nhà này bố tôi chắc chắn nhìn ngắm đã bao lần mỗi khi đi qua. Nó không phải là ngôi biệt thự, càng không phải là biệt phủ. Nó chỉ là một ngôi nhà mái bằng một gian hết sức bình thường, dung dị. Tôi nhìn còn ái ngại cho ước mơ của bố mình huống chi cô bạn học trường kiến trúc.

Giá như bây giờ, giá như bố tôi còn sống thì từ 20 năm trước tôi đã xây cho bố trên nền đất ao đó một cái nhà rộng lớn, khang trang hơn thế cho dù tôi chẳng giàu có gì.

Nhưng đấy là chuyện giá như. Còn hôm ấy tôi với cô bạn cũng mất cả buổi hì hụi đo đo, đạc đạc. Về nhà cô bạn lại bỏ mấy buổi để ngôi nhà trong mơ của bố tôi hiện lên trang giấy.

{keywords}
Bố tôi chụp ảnh trong một dịp Tết.

Hôm tôi đưa bố bản thiết kế, ông trịnh trọng trải nó lên mặt bàn và đeo kính lên xem. Vừa nhìn bản vẽ mắt ông đã sáng lên sau gọng kính và hai cánh mũi phập phồng liên tục như mỗi khi ông xem phim đến đoạn hồi hộp.

Ông mang bản vẽ đó để trên nóc tủ nơi cửa hàng. Hễ có ai tâm đắc ông lại mở bản vẽ ra cho xem. Lại nói về việc sẽ xây ngôi nhà này một cách say mê.

Mãi cho đến khi bản vẽ đã ố vàng vì thời gian, người nghe mãi cũng nhàm và người nói cũng quên là mình còn bản vẽ trên nóc tủ, ngôi nhà trong mơ vẫn chưa được khởi công. Túp lều thì ngày càng giống với hình con tàu sắp chìm. Đít tụt sâu hơn xuống lòng ao, mũi nghếch cao hơn lên bờ.

Nhưng mãi rồi trên nền ao ấy cũng hiện lên một ngôi nhà thật. Không chỉ nhà mái bằng một gian, một tầng như trong bản thiết kế mà là nhà ba tầng nguy nga giữa mặt tiền của một thị trấn năng động thời mở cửa.

Chỉ có điều ngôi nhà đó thuộc về cậu học trò học nghề của bố tôi, con ông phó chủ tịch xã. Còn với bố tôi ngôi nhà giản dị nơi chân cầu Đuống vĩnh viễn là ngôi nhà ông chỉ có trong mơ ước. 

Tôi cứ tiếc là không giữ được bản vẽ thiết kế ngày ấy. Nếu còn giữ tôi sẽ đốt nó bên mộ của bố tôi, chỉ có thế bố tôi mới thỏa tâm nguyện vì ngôi nhà đó mới thật là ngôi nhà bố tôi từng mơ ước, khát khao.

Hùng Lý

Sau loạt bài "Cha mẹ trong tim tôi", Ban Đời sống sẽ đăng tải các bài viết chủ đề "Thanh xuân của chúng ta". Mời độc giả gửi bài viết phù hợp về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Tình và tiền từ bài học của bố

Kỳ 1: Tình và tiền từ bài học của bố

Không thấy bà bán rau quay lại, tôi lo lắng hỏi bố: Có khi nào bà ấy bị làm sao nên không trở về được không? Bố tôi thản nhiên: Bà ấy chẳng bị làm sao đâu con trai ạ. Đồng tiền to quá làm bà ấy mờ mắt thôi.

 

Cái đệm bằng rơm nếp và buồng hạnh phúc trong căn nhà của mẹ

Kỳ 2: Cái đệm bằng rơm nếp và buồng hạnh phúc trong căn nhà của mẹ

Khi con viết những dòng cuối cùng này mẹ đã thanh thản nằm sâu trong lòng đất quê chồng - chính nơi hồi mới về làm lẽ, mẹ cấy từng nhánh mạ, chăm chút từng cây ớt nhỏ cho đến ngày bung hoa, trĩu quả.

Ngày tôi đến hỏi vợ và cuộc 'thẩm vấn' thót tim của bố

Kỳ 3: Ngày tôi đến hỏi vợ và cuộc 'thẩm vấn' thót tim của bố

Đang ngủ, nghe tiếng gọi giật, tôi choàng tỉnh và nhìn thấy bố vợ tương lai đang tốc màn đứng ngay đầu giường, khuôn mặt lộ vẻ giận dữ.