Ngôi nhà "không sợ trộm" giữa phố cổ, người thức hay ngủ cũng khom lưng

Mới độ 2 giờ chiều, đường phố còn nhộn nhịp, tấp nập nhưng căn phòng của ông Chu Văn Cao (SN 1947, ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội) đã lên đèn. Thấy có khách, ông vội mở cửa, nhiệt tình mời vào chơi. Cụ ông tuổi ngoài 70 thích trò chuyện nhưng gần 30 năm chỉ tiếp đón được số khách ít ỏi, đếm chưa quá một bàn tay. 

Căn nhà mở cửa quanh năm "không sợ trộm" giữa lòng phố cổ

Nằm khuất trong con ngõ nhỏ tối tăm, rộng chừng nửa mét và sâu hun hút trên phố Thuốc Bắc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), căn nhà vỏn vẹn 3 m2 của ông Cao quanh năm vắng ánh mặt trời. Lối đi lên cũng chỉ đủ chỗ một người đứng nhưng là chốn ở suốt 28 năm của ông với người con trai tuổi 34. 

Ngôi nhà không sợ trộm giữa phố cổ, người thức hay ngủ cũng khom lưng - 1

Không gian sống của hai bố con ông Cao "lơ lửng" ở một góc cầu thang với cánh cửa lúc đóng vừa bằng nửa tấm chiếu. Mỗi lần cửa mở, chiều ngang chỉ rộng hơn 2 gang tay người trưởng thành. Lúc ra hay vào, cụ ông cao 1 m63, nặng 44 kg đều phải luồn cúi, khom lưng mới lọt qua.

Ngôi nhà không sợ trộm giữa phố cổ, người thức hay ngủ cũng khom lưng - 2

"Căn nhà rộng 1,2 m, dài 2,5 m và cao 1,4 m. Nói là nhà cho sang miệng chứ thực chất đây chỉ là gác xép, diện tích hơn 3 m2. Nhà nhỏ lại không có công trình phụ, mọi sinh hoạt thường ngày như tắm rửa, giặt giũ thay đồ,... của hai bố con đều phụ thuộc vào nhà vệ sinh chung. Vậy mà tôi sống ở chỗ này cũng gần 30 năm rồi đấy", ông Cao nói.

Ngôi nhà không sợ trộm giữa phố cổ, người thức hay ngủ cũng khom lưng - 3

Vì không gian chật chội, đứng chẳng thẳng lưng nên mỗi khi mặc quần áo, ông Cao phải khom người xuống thấp, ngồi tư thế quỳ gối hoặc nằm ra sàn. Đêm, hai bố con "ngủ nghiêng", đôi khi chân không dám duỗi. Mùa hè, căn phòng có phần gọn gàng, rộng rãi, còn mùa đông còn ngổn ngang quần áo ấm và chăn màn.

Ngôi nhà không sợ trộm giữa phố cổ, người thức hay ngủ cũng khom lưng - 4

Thậm chí, khi ngồi trong "hộp diêm", những chiếc điện thoại hiện đại cũng trở thành "cục gạch" vì không có sóng.

Suốt nhiều năm, ông Cao không sắm sửa đồ đạc. Những vật dụng cần thiết như quần áo, ông cũng hạn chế tối đa, chỉ giữ 3-4 bộ phòng thân, khi nào mặc hỏng hoặc quá cũ mới mua vì chẳng có chỗ để.

Trong nhà, thứ giá trị nhất có lẽ là chiếc quạt máy. Bởi vậy, dẫu mở cửa quanh năm, căn nhà cũng không lo bị trộm "ghé thăm".

Một góc trên tường, ông Cao bố trí chiếc giá gỗ cao hai ngăn, chứa cả trăm quyển sách, cuốn nào cũng dày cộp, nặng tất cả chừng 15 kg. Chỉ tay vào giá sách đã "xuống cấp", cụ ông U80 cho hay đã sưu tập, gom góp nhiều tài liệu cách đây gần 20 năm.

"Hồi còn trẻ, tôi làm trong lĩnh vực giáo dục và giao thông vận tải. Mỗi lần đi công tác, tôi lại tranh thủ mua sách về nhà, gìn giữ cho đến ngày nay. Trước đây, sách chất cao mấy chồng không hết, nhưng nhà chật không có chỗ để, tôi phải đem cho. Còn một số khác thì thất lạc trong lúc đưa người khác mượn", ông chia sẻ.

Hàng ngày, đều đặn mỗi tối, cụ ông 75 tuổi vẫn cặm cụi đọc sách như một thói quen. Có những cuốn, ông đọc vài lần không chán, nâng niu như "báu vật" trong nhà. Ngoài ra, ông còn có niềm đam mê đặc biệt là đọc báo, theo dõi tin tức thường ngày qua những tờ giấy in chỉ có hai màu trắng đen. Những tờ báo được ông cất gọn sau khi đọc xong, xếp thành từng chồng, đặt bên gối.

Ngôi nhà không sợ trộm giữa phố cổ, người thức hay ngủ cũng khom lưng - 5

Ngoài 70 tuổi, sau lần thay thủy tinh thể, ông Cao không cần đeo kính vẫn nhìn rõ và đọc vanh vách từng thông tin báo đăng. Thỉnh thoảng ngồi lâu mỏi lưng, ông đổi tư thế, dựa người vào bức tường cũ đã được bao bọc tạm bợ bằng những miếng xốp, vải bạt căng,... 

Nỗi trăn trở "không tên"

Gia đình ông Cao là người Hà Nội gốc, trước đây sinh sống ở phố Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội). Thời kháng chiến, ông làm công nhân tại các xí nghiệp Nhà nước, thường xuyên công tác xa nhà rồi lại có thời gian làm giáo viên, hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải. 

Mải mê với sự nghiệp, ông Cao không màng tới chuyện lập gia đình. Mãi ngoài tuổi 40, ông mới nên duyên với người học trò cũ, kém 10 tuổi, đã từng có một đời chồng.

Ngôi nhà không sợ trộm giữa phố cổ, người thức hay ngủ cũng khom lưng - 6

Họ không đăng ký kết hôn, chuyển về sống chung trong một căn nhà rộng hơn 10 m2 trên phố Thuốc Bắc. Sau đó, vì làm ăn thất bát, ông Cao phải bán nhà và căn gác xép, chỉ giữ lại nhà kho để đồ rộng 3 m2 làm nơi che nắng che mưa. Ngày ông vỡ nợ, người vợ cũng bỏ đi. Một mình ông bươn chải, làm đủ việc để kiếm sống, nuôi nấng người con trai chung khi ấy mới 6 tuổi.

Vì gia cảnh khó khăn, con trai ông chỉ học hết cấp 2 rồi đi làm thuê nay đây mai đó. Thỉnh thoảng, anh mới về thăm nhà và người cha đã ở tuổi xế chiều.

Ngôi nhà không sợ trộm giữa phố cổ, người thức hay ngủ cũng khom lưng - 7

Nhắc về con, ông Cao có chút trầm ngâm, lòng nặng trĩu bởi anh đã 34 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình. Đưa đôi mắt nhăn nheo nhìn quanh nhà, cụ ông 75 tuổi hiểu rằng, đó là rào cản khiến người con trai trở nên tự ti, ngại giao tiếp. Ông ái ngại, lo sau này con khó lấy vợ và không thể có một đám cưới tươm tất như bao người.

"Trước đây, có một lần con dẫn bạn gái đến nhà, sau đó chẳng thấy nó đưa ai về nữa. Tôi không hỏi, cũng không dám giục và hiếm khi con tâm sự chuyện lập gia đình. Hoàn cảnh như này, tôi biết là khó khăn nhưng vẫn mong con sớm yên bề gia thất, có công việc ổn định rồi tu chí làm ăn, đổi sang nơi ở mới tốt hơn", ông Cao giãi bày. 

Ngôi nhà không sợ trộm giữa phố cổ, người thức hay ngủ cũng khom lưng - 8

Hàng ngày, con trai đi làm, tối về hai người ngủ nghiêng mới đủ chỗ. Tuy nhà chật chội nhưng ông Cao vẫn cảm thấy vô tư, lạc quan. Rảnh rỗi, ông lại đi phụ việc ở một số quán cà phê gần nhà, vừa được lao động nhẹ nhàng, duy trì sức khỏe, vừa có thêm chút tiền trang trải sinh hoạt cá nhân.

Ngôi nhà không sợ trộm giữa phố cổ, người thức hay ngủ cũng khom lưng - 9

Từ khi sống trong căn nhà siêu nhỏ không có chỗ nấu nướng, ông Cao cũng quen cảnh "cơm đường, cháo chợ" mỗi ngày. Sức ăn không nhiều, ông chỉ gọi nửa suất. Hôm nào "sang" hơn, ông chi 15.000 đồng cho một bữa ăn. Chủ các hàng quán xung quanh biết hoàn cảnh của ông nên nhiệt tình hỗ trợ. Chẳng phàn nàn khi phục vụ vị khách đặc biệt những suất ăn có giá chỉ bằng 3 cốc trà đá vỉa hè. 

Trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, gắn bó hết cuộc đời trong không gian "tí hon" nhưng ông lúc nào cũng thể hiện tinh thần lạc quan. Cụ ông U80 bảo, chỉ cần tâm thấy đủ là lòng bình an. 

Giống như nhiều người dân khác sống ở phố cổ, ông Cao mong muốn con cháu sau này sẽ có nơi ở rộng rãi, đầy đủ tiện nghi hơn với công việc ổn định, mang lại thu nhập. Bởi nhiều căn nhà nằm sâu trong các ngõ ngách nhỏ đã quá xập xệ và chật hẹp với cuộc sống của một hộ gia đình.

Nhưng vì nhiều lý do mà họ vẫn phải cố gắng bám trụ dù điều kiện sống vô cùng khó khăn và sinh hoạt chỉ bó hẹp trong diện tích khoảng vài mét vuông.

Theo Dân trí

Ngõ 'lạ' ở Hà Nội: Đám hỏi 'không tráp', người mất không đóng áo quan

Ngõ 'lạ' ở Hà Nội: Đám hỏi 'không tráp', người mất không đóng áo quan

Đám cưới con gái, gia đình cô Liên phải nhờ đàng trai đặt các mâm tráp ở ngoài đường còn chú rể và vài người thân đại diện tới rước dâu vì ngõ nhỏ vào nhà chỉ đủ chỗ một người đi thẳng.